Phải làm gì khi gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con?
09:20 11/09/2017
Gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con: là một việc làm vi phạm quy định pháp luật, theo quy định của pháp luật thì không một chủ thể nào có quyền ..
- Phải làm gì khi gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con?
- Gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con
- Pháp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
PHẢI LÀM GÌ KHI GIA ĐÌNH BÊN VỢ GÂY SỰ KHÔNG CHO THĂM CON?
Câu hỏi của bạn:
Thưa Luật sư
Tôi xây dựng gia đình đã được 3 năm, chúng tôi có 1 con gái 1 tuổi. Do cuộc sống vợ chồng không hợp nên thường tranh luận cãi cọ nhau. Vợ tôi còn cãi nhau tay đôi với bố mẹ chồng, chửi bố mẹ chồng. Rồi bỏ về nhà ngoại đem theo cả con, khi tôi sang đón con về chơi thì gia đình bên vợ còn gây sự với tôi, tôi thấy không thể chấp nhận được. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
Nội dung tư vấn về việc gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con
Qua những gì bạn chia sẻ chúng tôi thấy rằng bạn đang băn khoăn không biết làm sao để giải quyết bất hòa giữa vợ với bố mẹ bạn và bức xúc về việc gia đình bên vợ không đón tiếp mà còn gây sự với bạn khi bạn sang thăm con. Chúng tôi sẽ chia sẻ nỗi niềm này với bạn.
1. Về việc vợ cãi lại và chửi bố mẹ chồng
Trong cuộc sống hôn nhân mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng thường cãi vã nhau mà không cùng nhau ngồi lại để đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết mâu thuẫn và cải thiện mối quan hệ thì cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên cảnh thẳng, không có lối thoát. Có thể vợ bạn do áp lực công việc, áp lực từ việc chăm sóc con cái, chăm lo cho gia đình nên hay cáu giận và sinh ra cãi vã thường xuyên, hoặc cũng có thể là do tính cách mà vợ bạn vốn có đã vậy. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì việc vợ bạn hay cãi nhau với bố mẹ bạn và có khi còn chửi bố mẹ bạn là một việc làm sai trái mà đáng nhẽ với thân phận là con dâu không được phạm phải, cũng như việc bạn là con rể thì không được cãi tay đôi hay chửi bố mẹ vợ. Đó là việc làm tối thiểu mà phận làm dâu làm rể phải làm được đối với những người là cha là mẹ đã thân sinh ra chồng/vợ của mình. Tôn trọng bố mẹ chồng cũng chính là tôn trọng chồng của mình.
Dựa trên nguyên tắc của Luật Hôn nhân gia đình 2014 về chế độ hôn nhân gia đình: xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; Chúng tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên cho bạn như sau:
+ Bạn nên ngồi lại để nói chuyện thẳng thắn với vợ về những điều chưa được hài lòng về nhau đồng thời bạn cũng cần nhìn nhận lại bản thân xem mình có thiếu sót gì không, mỗi lần cãi nhau nguyên nhân từ vấn đề nào nhiều nhất qua đó để tìm cách khắc phục. Bạn có thể nhẹ nhàng lựa những lúc hai vợ chồng vui vẻ để chia sẻ về suy nghĩ của mình và phân tích cho cô ấy thấy những thái độ, hành vi của cô ấy là không đúng, nó khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.
+ Và thêm vào đó bạn cũng chia sẻ về việc cô ấy lấy bạn không chỉ lấy một người chồng về để thành một gia đình mà cô ấy cũng là dâu con trong nhà, là một thành viên trong đại gia đình lớn vì thế nếu cô ấy có thái độ ứng xử vô lễ, thiếu tôn trọng thì cô ấy sẽ tự tách mình ra khỏi gia đình và khiến mọi người không thể yêu thương, quý trọng cô ấy.
+ Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu xem giữa vợ mình và bố mẹ đã xảy ra mâu thuẫn gì, đồng thời bạn có thể làm cầu nối để giúp hai bên có thể hòa hợp với nhau.
Tuy nhiên nếu bạn đã trao đổi mà vợ không thay đổi hoặc cô ấy cảm thấy không chấp nhận được hoàn cảnh gia đình của bạn thì hai vợ chồng cũng cần xem xét về mục đích hôn nhân có đạt được hay không? Nếu như sống chỉ để chịu đựng nhau thì cuộc sống hôn nhân này là bế tắc, mệt mỏi cho cả hai. Đến lúc đó hai vợ chồng bạn có thể cho nhau khoảng thời gian riêng như ly thân để xem xét về mong muốn tiếp tục chung sống. [caption id="attachment_51173" align="aligncenter" width="395"] Gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con[/caption]
2. Về việc gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con
Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ: cha mẹ phải thương yêu con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên.
Bên cạnh đó theo Khoản 1 điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
"1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Theo đó, quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con là như nhau; cha, mẹ đều có quyền được chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, yêu thương và bảo vệ con. Không một chủ thể nào có quyền ngăn cản cha, mẹ đứa trẻ thực hiện quyền này. Như vậy, việc gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con, ngăn cản bạn gặp gỡ con là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước tiên, bạn nên nói chuyện với vợ nhằm giải quyết những mâu thuẫn trước đây, hàn gắn tình cảm vợ chồng. Trong trường hợp, vợ và gia đình bên vợ vẫn cố tình tiếp tục ngăn cản bạn thực hiện quyền của mình tức là gia đình bên vợ gây sự khi đến thăm con thì bạn có thể trình báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để tìm biện pháp thích hợp để giải quyết. Theo đó, tại điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi ngăn cản chồng thực hiện quyền đối với con sẽ bị xử phạt như sau:
"Điều 53: Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Theo đó nếu còn tái diễn tình trạng gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con thì họ có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng về hành vi ngăn cản bạn thực hiện quyền đối với con gái bạn.
Luật Toàn Quốc hy vọng những gì chúng tôi cung cấp nêu trên sẽ giúp cho quý khách hiểu được phần nào quy định của pháp luật về gia đình bên vợ gây sự không cho thăm con. Còn bất cứ vướng mắc gì quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật hôn nhân miễn phí 24/7: 1900 6178 để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc gửi thư về Email: [email protected].
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách.
Trân trọng /./.
Liên kết tham khảo:
- Thủ tục li dị cần những giấy tờ gì
- Thủ tục ly hôn theo luật ly hôn 2016
- Thủ tục thuận tình ly hôn
- Tải mẫu đơn thuận tình ly hôn hướng dẫn kê khai
- Tư vấn tâm lý hôn nhân và gia đình
- Tải mẫu đơn thuận tình ly hôn hướng dẫn kê khai
- Hướng dẫn kê khai mẫu xin ly hôn
- Quy định luật Hôn nhân và gia đình mới nhất 2016