• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo pháp luật hiện hành. Con cái là món quà quý giá nhất mà bất cứ một ông bố bà mẹ nào cũng muốn bảo vệ...

  • Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo pháp luật hiện hành
  • giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi
  • Pháp luật hôn nhân
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

 GIÀNH QUYỀN NUÔI CON DƯỚI 36 THÁNG TUỔI THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Câu hỏi của bạn:

     Xin chào luật sư. Tôi sinh năm 1988, chồng tôi sinh năm 1990. Chúng tôi kết hôn đầu năm 2015 dương lịch và hiện tại chúng tôi có với nhau 1 con trai 26 tháng tuổi. Gia đình  sống hoà thuận cho đến khi tôi sinh con được 2 tháng thì chồng tôi ngọai tình với một người phụ nữ khác. Dù biết con tôi sốt 40 độ chồng tôi vẫn ung dung đi chơi với gái. Cả nhà, cả xã đều biết chuyện nhưng phía nhà chồng tôi không có bất cứ hành động gì để kéo chồng tôi về với gia đình mà chỉ luôn dạy tôi phải nhịn nhục chờ ngày chồng quay về. Tôi không chịu và sau bao nỗ lực thì tôi đã khiến chồng tôi bỏ người phụ nữ đó.

     Tuy nhiên sau đó cuộc sống vợ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn cãi vã,chồng tôi thường xuyên đánh đập tôi,chửi bới cả bố mẹ tôi. Tiền đi làm thì không chị tiêu gì cho gia đình, đổ hết vào mồm anh ấy, đổi khi tôi còn phải đứng ra trả nợ cho chồng. Gia đình chồng không dạy chồng tôi nhận ra trách nhiệm của mình mà lại luôn dậy tôi "trên này nó thế đàn ông chỉ ăn với chơi thôi còn lại tất cả vợ là hết ". Thêm nữa gia đình nhà chồng cũng có những thành phần luôn đặt điều gây tổn hại đến danh dự của tôi, nhà chồng tôi biết nhưng không nói là phải mà chỉ bảo tôi nhịn, kệ họ, tính họ thế rồi.

     Cách đây hơn 2 tháng trong một lần cãi vã chồng tôi đánh tôi, rồi chồng tôi đi chỗ khác, tôi ở nhà và muốn bế con nhưng bố chồng tôi không cho và giành giật với tôi bằng được. Nhận thấy không còn có thể tiếp tục sống ở đó nữa nên vài ngày sau tôi đã âm thầm bế con bỏ về ngoại. Nhiều lần gia đình chồng yêu cầu tôi cho con về trên đó chơi nhưng tôi không chịu vì sợ họ sẽ không cho con tôi về nữa và làm bùa ngải ám lên con tôi làm cho cháu khi trở về ngoại sẽ quấy khóc ốm đau ( vì nhà chồng tôi là người dân tộc và cái kiểu bua ngải này đã có rất nhiều trên đó rồi).

     Gia đình chồng tôi có quen biết với cán bộ. Chồng tôi nói sẽ xin giấy của pháp luật bắt tôi phải mang con về trên đó. Tôi là sợ sẽ mất con nên đã nghĩ ra cách buộc chồng phải ly hôn đó là tôi đã nhắn tin với một người trên mạng xã hội và để cho chồng tôi biết và nghĩ là tôi đang quen người khác. Chồng tôi viết đơn nhưng trong đơn lại nói lý do là tôi ngoai tình và giành quyền nuôi con. Tôi không ký chồng tôi bảo vẫn sẽ nộp và pháp luật sẽ giải quyết cho chồng tôi nuôi con.

     Tôi không biết gì về luật cả và bên nhà chồng tôi lại quen thân với quan chức. Tôi không hi vọng gì ở cuộc hôn nhân này và tôi cũng muốn kết thúc nó từ khi chồng tôi bắt đầu ngược đãi tôi, nhưng vì thương con nên năm lần bảy lượt tôi nhắm mắt làm lại mong ngày chồng biết trân trọng và có trách nhiệm với gia đình. Đến giờ thì tôi không thể nhẫn nhịn được nữa. Mong luật sư giúp đỡ tư vấn giúp tôi làm thế nào để tôi được quyền nuôi con. Hiện giờ tôi đã có công việc ổn định để để lo cho con tôi.

     Mong nhận được thư trả lời sớm nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư

Câu trả lời của luật sư:

       Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi qua email- Phòng tư vấn luật của công ty luật Tòan Quốc. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Nội dung tư vấn: Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo pháp luật hiện hành

   Con cái là món quà quý giá nhất mà bất cứ một ông bố bà mẹ nào cũng muốn bảo vệ và dành tặng những điều tốt đẹp nhất. Đặc biệt là với người phụ nữ. Hơn 9 tháng mang nặng, ngày ngày cảm nhận một sinh mệnh đang sinh trưởng và phát triển trong cơ thể để rồi cái khoảnh khắc người mẹ được nhìn ngắm đứa con bé bỏng chào đời là điều thiêng liêng và tuyệt vời hơn bao giờ hết. Do đó, khi mà cuộc hôn nhân không thể tiếp tục kéo dài, khi tình yêu dành cho đối phương đã "hết hạn" thì vấn đề làm thế nào để giành quyền nuôi con sau khi ly hôn luôn là điều khiến các cặp vợ chồng phải băn khoăn, lo lắng. 

     Qua những gì bạn chia sẻ thì bạn và chồng bạn có sinh được một bé trai và hiện đang 26 tháng tuổi. Hiện nay, về vấn đề giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, pháp luật hôn nhân gia đình cũng đã có những quy định rất cụ thể.  [caption id="attachment_46122" align="aligncenter" width="460"]Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi[/caption]

     1. Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo pháp luật hiện hành.

     Khoản 3 Điều 81; Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom; chăm sóc; nuôi dưỡng; giáo dục sau khi ly hôn quy định như sau :

     “Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

     3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp    trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

     Như vậy, từ quy định trên quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên cho người mẹ. Bởi trẻ trong giai đoạn này còn cần sữa mẹ, người cha khó có thể thay thế thiên chức này. Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi chỉ không hoàn toàn thuộc về người mẹ trong hai trường hợp sau đây:

     + Thứ nhất, người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Điều kiện nuôi con chủ yếu xem xét dựa vào các yếu tố sau:

  • Điều kiện về vật chất : Đảm bảo được nhu cầu ăn; ở; sinh hoạt; điều kiện học tập…của con. Các yếu tố đó dựa trên thu nhập; tài sản của bạn;
  • Các yếu tố về tinh thần: Thời gian chăm sóc; dạy dỗ; giáo dục con; tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay; điều kiện cho con vui chơi giải trí; nhân cách đạo đức; trình độ học vấn… của bạn.
  • Ngoài ra, Tòa án còn xem xét các điều kiện khác như: chỗ ở; điều kiện sinh hoạt; điều kiện học tập; thời gian chăm sóc cho con,... 

     + Thứ hai, giữa hai với chồng có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Trường hợp này; con bạn mới có 26 tháng tuổi thuộc trường hợp con dưới 36 tháng tuổi nên pháp luật sẽ ưu tiên cho bạn là mẹ bé quyền được trực tiếp nuôi bé. Nếu chồng bạn muốn ly hôn đơn phương bạn và giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì chồng bạn phải chứng minh rằng bạn không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con như không có nhà ở; không có công việc; thường xuyên bỏ bê việc chăm bé; tư cách đạo đức không tốt…. Mà như bạn đã chia sẻ bạn hiện đang có một công việc ổn định; có thể lo được cho con nên phần thắng nghiêng về phía bạn khá lớn. Nếu bạn việc giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi nghiêng về phía bạn thì chồng bạn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng.

     Đó là trong trường hợp chồng bạn đã nộp đơn lên Tòa án. Tức anh chồng bạn xuất trình được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho bạn xem. Trong trường hợp chồng bạn chưa nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Hãy suy nghĩ thật kỹ; nếu bạn không còn tình cảm với chồng mình; không thể kéo dài cuộc hôn nhân này nữa  thì bạn có thể tự mình nộp đơn ly hôn đơn phương chồng và yêu cầu tòa án giải quyết việc nuôi con. Vì có thể thấy rằng trong cuộc hôn nhân này bạn đã phải chịu biết bao thiệt thòi thì hà cớ gì phải mang tiếng xấu "ngoại tình" vào bản thân? 

      Trong trường hợp bạn là người nộp đơn; theo những gì bạn chia sẻ; chồng bạn đã có hành vi ngoại tình cả xã đều biết,; hành vi đánh đập bạn và chửi rủa gia đình bên ngoại. Ngoài ra, anh chồng cũng không chăm sóc con khi con sốt đến 40 độ. Tất cả những hành vi trên có thể coi là tình trạng hôn nhân của bạn đời đã trầm trọng; mục đích hôn nhân không đạt được và luật pháp cho phép ly hôn.

     Tuy nhiên vì Tòa án xem xét vấn đề dựa trên chứng cứ; nên để có thể ly hôn bạn phải cung cấp được chứng cứ chứng minh. Ví dụ: Chứng cứ có thể là băng ghi âm ghi hình việc chồng đánh đập bạn, xúc phạm bạn; hay hàng xóm có thể trở thành người làm chứng cho hành vi vũ phu; chửi bới và ngoại tình của chồng bạn.

     Trường hợp bạn là người nộp đơn; thì về nguyên tắc bạn có thể yên tâm về phần Tòa án luôn ưu tiên con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ chăm sóc. Nhưng để chắc chắn thêm phần bạn sẽ thành công giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; bạn nên chuẩn bị các giấy tờ chứng minh về thu nhập hay điều kiện kinh tế (như bạn có tài sản riêng; nhà ở,....); điều kiện tinh thần như thời gian chăm sóc con; sự hỗ trợ bên ngoại để chứng minh rằng bạn hoàn toàn có đủ điều kiện nuôi con.

     2. Kháng cáo trong trường hợp giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

     Bạn nói rằng nhà chồng bạn có quen biết với quan chức, cán bộ. Chúng tôi có thể hiểu được bạn lo lắng mình sẽ bị chịu thiệt thòi.

     Nếu trong quá trình giải quyết ly hôn và giải quyết việc nuôi con, chồng bạn thắng trong việc giành  quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Nhưng lý do chồng bạn đưa ra để chứng minh bạn không có điều kiện chăm nom; chăm sóc; nuôi dưỡng giáo dục con là không đúng. Hay bạn có chứng cứ chứng minh được bé ở với mẹ sẽ có điều kiện tốt hơn ở với bố vì bên chồng bạn không phải là môi trường thích hợp để chăm sóc cháu (như vấn đề đạo đức; lối sống; kinh tế; bên chồng lơ là trong việc chăm sóc cháu...) thì bạn hoàn toàn có thể làm đơn kháng cáo bản án của Tòa án để giành lại quyền nuôi con. Điều 273, BLTTHS 2015 quy định về thời hạn kháng cáo như sau:

     "1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

     Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

     2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

     3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận."

     Như vậy, trong thời hạn 15 ngày bạn vẫn có thể làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án để thay đổi về người trực tiếp nuôi con.

     Bạn nên nhớ rằng, pháp luật luôn bảo vệ công lý và lẽ phải. Nếu bạn đủ điều kiện nuôi con, pháp luật lại ưu tiên giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ thì bạn nên yên tâm. Cán bộ, hay quan chức cấp cao thế nào thì cũng phải làm theo quy định của pháp luật.

     Chúc bạn sớm giải quyết được vấn đề của mình!

     Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết: 

     Trên đây là tư vấn của chúng tôi về giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Nếu có bất cứ vướng mắc gì  bạn vui lòng liên hệ tới  Tổng đài tư vấn luật hôn nhân miễn phí 24/7: 1900 6178 để gặp trực tiếp luật sư tư vấn và  để  yêu cầu cung cấp dịch vụ. Hoặc Gửi nội dung tư vấn qua email: [email protected]. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của bạn để chúng tôi ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn.

     Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của anh; chị. 

     Trân trọng ./.

     Liên kết ngoài tham khảo:

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178