Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài bao gồm những gì
08:01 01/08/2024
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, hồ sơ ly hôn với người nước ngoài cũng bao gồm các loại giấy tờ tương tự như khi ly hôn với người Việt Nam, bao gồm các loại giấy tờ như: đơn xin ly hôn, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy tờ tùy thân…
- Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài bao gồm những gì
- Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài
- Pháp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
HỒ SƠ LY HÔN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Câu hỏi của bạn:
Mình kết hôn với người Trung Quốc và sinh được hai bé. Nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, mình hiện về Việt Nam gần 1 năm nay và có dẫn 1 bé về. Hiện mình muốn làm đơn ly hôn và cần làm giấy khai sinh cho bé để bé đi học thì cần những thủ tục giấy tờ gì. Hiện bé được gần 3 tuổi?
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Luật hộ tịch 2014
- Nghị định 123/2015 NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch
- Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
1. Ly hôn với người nước ngoài
Điều 127, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định các đối tượng áp dụng quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
2. Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài.
- Đơn yêu cầu ly hôn thuận tình/ đơn phương (theo mẫu của Tòa án).
- Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.
- Bản sao có chứng thực giấy CMND hoặc Hộ chiếu của hai bên;
- Bản sao chứng thực hộ khẩu của hai bên.
- Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Theo đó bạn phải chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ như trên để có thể ly hôn với chồng mình là người Trung Quốc.
3. Thẩm quyền giải quyết hồ sơ ly hôn với người nước ngoài.
Theo quy định tại điều Điều 37, Điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Sau khi đã nộp đầy đủ hồ sơ, án phí và nộp đúng Tòa án cấp có thẩm quyền thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án và giải quyết. Thời gian có thể kéo dài từ 9 tháng tới 1 năm.
Tuy nhiên cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nếu bị đơn ở nước ngoài thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (đối với người nước ngoài).
- Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn (là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam) và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn.
- Cần xác định là đã thống nhất tất cả các vấn đề quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản (hoặc đồng ý tách riêng yêu cầu chia tài sản vợ chồng thành một vụ án khác sau khi đã ly hôn).
- Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài : 200.000 đồng
- Lệ phí ủy thác tư pháp của nước ngoài tại Việt Nam: 2 triệu đồng;
- Các tài liệu khi gửi từ nước ngoài về phải có hợp thức hóa lãnh sự và dịch thuật;
4. Giấy khai sinh cho con
Căn cứ khoản 1 điều 15 Luật hộ tịch 2014 quy định trách nhiệm đăng kí khai sinh cho con:
Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Nếu cha mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Do vậy, theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân hay có xác nhận được cha, mẹ của đứa bé hay không thì cha hoặc mẹ của con có trách nhiệm làm giấy khai sinh cho con.
Tuy nhiên hiện tại con bạn đã 3 tuổi và chưa làm giấy khai sinh như vậy khi làm giấy sinh thì bạn sẽ bị phạt hành chính do chậm làm giấy khai sinh cho con.
Bài viết cùng chuyên mục:
- Ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài thực hiện như thế nào?
- Khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật
Để được tư vấn vấn chi tiết về hồ sơ ly hôn với người nước ngoài, quý khách vui lòng liên hệ tới để được luật sư tư vấn Tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình 24/7: 19006500 hoặc Gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected] Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.