Có cần xét nghiệm ADN để xác nhận cha con không
11:46 22/07/2017
Có cần xét nghiệm ADN để xác định cha con không? Trường hợp hai người chung sống với nhau như vợ chồng mà có con chung, xác định cha con như sau:...
- Có cần xét nghiệm ADN để xác nhận cha con không
- xác định cha con
- Pháp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Có cần xét nghiệm ADN để xác định cha con không
Câu hỏi của bạn:
Em và bạn trai không đăng ký kết hôn, nhưng sống chung như vợ chồng từ cuối năm 2013 đến 30/4/2015. Chúng tôi có một đứa con gái sinh 03/9/2015. Hiện tại, bạn trai em bỏ đi và một mình em nuôi con. Rất nhiều lần vì mục đích cá nhân mà anh ta bôi nhọ nhân phẩm của em và con. Không những thế anh ta còn phủ nhận đứa con không phải là con của anh. Bây giờ em muốn kiện bạn trai em và muốn yêu cầu làm thủ tục xét nghiệm ADN để xác định cha con. Em xin nhờ Luật sư tư vấn giúp em về hồ sơ, thủ tục.
Em cảm ơn Luật sư!
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Nội dung tư vấn
1. Có cần xét nghiệm AND để xác định cha con hay không?
Vì bạn và bạn trai chỉ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nên giữa hai bạn không có quyền và nghĩa vụ với nhau. Tuy nhiên giữa hai bạn có con chung, pháp luật bảo vệ quyền lợi của con.
Theo khoản 2 điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Như vậy, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng có con thì pháp luật vẫn bảo vệ quyền lợi của cha mẹ con.
Tuy nhiên, không đăng ký kết hôn thì xác định cha con như thế nào? Trong khi người cha không muốn nhận, cố tình bỏ đi? Có nhất thiết phải xét nghiệm ADN không?
Theo điều 88 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha mẹ:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Trường hợp không đăng ký kết hôn mà có con chung thì căn cứ để xác định con như sau:
- Cha mẹ thừa nhận con là con chung.
- Trường hợp cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Trường hợp 1: Đã khai sinh cho con và có đầy đủ thông tin người cha.
Với trường hợp này giấy khai sinh trở thành căn cứ để xác minh mối quan hệ cha con. Như vậy, bạn không cần phải tiến hành xét nghiệm ADN để xác định mối quan hệ cha con. Bạn làm đơn gửi lên Tòa án yêu cầu người cha cấp dưỡng cho con.
Trường hợp 2: Chưa khai sinh cho con
Căn cứ theo điều 11 thông tư 15/2015/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ con:
"1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng."
Cụ thể với trường hợp chưa có giấy khai sinh, bạn cần đưa ra căn cứ để Tòa án thụ lý. Bạn và bạn trai sống chung như vợ chồng khoảng hơn một năm. Trong thời kỳ sống chung, bạn có thai và sinh em bé. Việc bạn và bạn trai sống chung có sự chứng kiến của hàng xóm, do vậy, bạn có thể lập văn bản xác nhận của hàng xóm về mối quan hệ của bạn và bạn trai. Cần làm rõ vấn đề về thời gian sống chung như vợ chồng, trong thời gian sống chung như vợ chồng thì bạn mang thai,… Nếu có thể, bạn xin xác nhận của cơ quan chức năng về vấn đề tạm trú và sinh sống với nhau. Ngoài ra bạn có thể đưa ra bằng chứng như thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh quan hệ cha, con và văn bản cam đoan về việc nhận con chung có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Tuy nhiên, với vấn đề của bạn việc lập văn bản là không khả thi. Trường hợp người bạn trai không thừa nhận con thì phải có nghĩa vụ chứng minh. Nếu không đưa ra được chứng cứ xác thực thì Tòa án xem xét giải quyết xác định cha con.
Do vậy, việc xác định cha con không nhất thiết phải xét nghiệm ADN. Theo những căn cứ nêu trên, pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người con. Cha mẹ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con theo quy định của pháp luật. Người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng và hình thức cấp do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được Tòa án tiến hành giải quyết. [caption id="attachment_41866" align="aligncenter" width="309"] Có cần xét nghiệm ADN để xác định cha con không[/caption]
Mặc dù không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm ADN nhưng nếu một bên có kết quả xét nghiệm sẽ là một lợi thế khi Tòa án xác định cha con. Tuy nhiên bạn cần lưu ý về thủ tục xét nghiệm ADN như sau:
- Người tham gia xét nghiệm bắt buộc phải đến cơ sở tiến hành xét nghiệm ADN.
- Người tham gia xét nghiệm phải xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh nhân thân (CMND, hộ chiếu,…).
- Đối với người chưa thành niên phải có người giám hộ đi cùng.
Cụ thể trình tự và thủ tục xét nghiệm ADN được quy định theo từng đơn vị tiến hành xét nghiệm.
Vì vậy, trên thực tế bạn trai bạn cố tình bỏ đi và không muốn nhận con thì khó có thể tiến hành xét nghiệm ADN để xác định cha con.
2. Bạn trai xúc phạm về nhân phẩm giải quyết như thế nào?
Trước tiên, bạn tiến hành khai báo với Công an xã về trường hợp của mình. Sau khi cơ quan công an tiến hành giải quyết mà bạn trai bạn vẫn tiếp tục có hành vi xúc phạm thì bạn có thể khởi kiện.
Theo khoản 1 điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."
Với quy định trên, người có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Quy định về mức bồi thường tại điều 592 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 592: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xúc phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Việc giải quyết trách nhiệm dân sự phụ thuộc vào khả năng chứng minh của người khởi kiện. Như vậy, bạn cần chứng minh được thiệt hại do hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của bạn trai. Hành vi gây thiệt hại đến đời sống, đến mức thu nhập, đến tinh thần từ đó ảnh hưởng đến tinh thần. Sau khi chứng minh được những thiệt hại, bạn có thể yêu cầu mức bồi thường là một khoản tiền tương ứng để khắc phục tất cả thiệt hại. Lưu ý: mức bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Theo khoản 1 điều 121 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội làm nhục người khác:
“Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả gây ra mà hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi khởi kiện bạn cần đưa ra những chứng cứ chứng minh hành vi bôi nhọ và xúc phạm của bạn trai đối với bạn. Bạn có thể ghi âm, quay video, lập văn bản có nhân chứng xác nhận,… mặt khác cần phải chứng minh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và danh dự của bạn.
Tuy nhiên việc thu nhập chứng cứ về hành vi bôi nhọ là tương đối khó. Việc chứng minh mức độ nghiêm trọng đến danh dự cũng khó thực hiện. Nhưng nếu người bạn trai cố tình tiếp tục hành vi một cách quá đáng, bạn nên tiến hành khởi kiện. Có thể không đủ chứng cứ vi phạm trách nhiệm hình sự nhưng việc khởi kiện là một cách thức răn đe, đàn áp hành vi gây tác động xấu đến danh dự và nhân phẩm của người khác.
Để được tư vấn chi tiết về xác định cha con quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.
Liên kết tham khảo: