Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn- Luật Toàn Quốc
00:12 14/11/2018
Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn, quy định của pháp luật về quyền thăm nom con sau ly hôn yêu cầu thay đổi người nuôi con...
- Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn- Luật Toàn Quốc
- Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
- Pháp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
Câu hỏi của bạn về làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn được hỏi Luật sư như sau:
Tôi và vợ ly hôn năm 2016, chúng tôi có 1 đứa con chung tên Trần Đình Uyên Thư sinh ngày 05/12/2014. Khi ly hôn 2 bên thỏa thuận sẽ chia ra mỗi người chăm sóc con 1 tuần. Sau đó vợ cũ tái hôn và không cho tôi thăm con, tôi có gửi đơn lên tòa yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, trong phiên hòa giải cô ấy hứa sẽ tạo điều kiện cho tôi chăm sóc con, cho tôi rước về vào thứ 7, chủ nhật. Nên tôi rút đơn kiện. Nhưng sau đó cô ấy lại đổi ý, chỉ cho tôi thăm con vào chiều chủ nhật từ 14h đến 17h, không cho rước đi đâu, không cho tới trường thăm con. Tôi nhờ Ủy ban nhân dân xã can thiệp và chỉ lập biên bản.
Luật sư cho tôi hỏi với biên bản trên thì tôi phải làm gì để đảm bảo quyền chăm sóc con, rước con mà không bị gây khó khăn. Mong nhận được sự trả lời của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của luật sư về làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
1. Cơ sở pháp lý về làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
2. Nội dung tư vấn về làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
2.1. Quy định của pháp luật về quyền thăm con sau ly hôn
Trong trường hợp của bạn, vợ bạn là người trực tiếp nuôi con. Bạn không phải người trực tiếp nuôi con, vì vậy quyền và nghĩa vụ của bạn được quy định trong Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom; chăm sóc; nuôi dưỡng; giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Như vậy, không ai được cản trở việc thăm nom con của bạn, ngay cả người trực tiếp nuôi con, trừ trường hợp bạn lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom; chăm sóc; nuôi dưỡng; giáo dục con.
Dựa vào căn cứ này, bạn có thể thỏa thuận, yêu cầu vợ không cản trở việc bạn thăm nom con; vì hành vi này là trái pháp luật. Đồng thời thỏa thuận với vợ về việc gặp con, chăm sóc cho con. Nếu vợ bạn vẫn không đồng ý, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng.
2.2. Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn
Hành vi của vợ bạn chỉ cho bạn thăm con vào chiều chủ nhật từ 14h đến 17h, không cho rước đi đâu, không cho tới trường thăm con, trong khi 2 bên đã thỏa thuận cho bạn rước con về vào thứ 7, chủ nhật đã vi phạm quyền thăm nom con của bạn.
Theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì: " Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau". Điều này đồng nghĩa với việc vợ bạn có thể bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với hành vi của mình.
Theo quy định của pháp luật, khi bản án, quyết định được thi hành mà một bên không thực hiện, bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết. Tuy nhiên với trường hợp của bạn, ban đầu với quyết định công nhận thuận tình ly hôn 2 bên thỏa thuận sẽ chia ra mỗi người chăm sóc con 1 tuần, sau đó bạn đã khởi kiện yêu cầu thay đổi người nuôi con, kết quả là hai bên hòa giải thành và thỏa thuận cho bạn chăm sóc con, rước con về vào thứ 7, chủ nhật. Như vậy Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự. Mà đây lại không thuộc trường hợp quyết định, bản án sơ thẩm của Tòa án. Vì vậy, bạn không thể yêu cầu cơ quan thi hành án giúp bạn.
Như vậy, với trường hợp của bạn chỉ có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quyền thăm nom con của vợ bạn, từ đó răn đe, yêu cầu vợ bạn cho bạn thăm con theo như đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy mức xử phạt hành chính với hành vi ngăn cản việc thăm nom con thường rất nhẹ, không thể đảm bảo việc vợ bạn có tiếp tục hành vi đó hay không. Vì vậy, bạn có thể khởi kiện yêu cầu thay đổi người nuôi con. [caption id="attachment_132562" align="aligncenter" width="450"] Làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn[/caption]
2.3. Khởi kiện yêu cầu thay đổi người nuôi con
Việc giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
Theo quy định trên, căn cứ để Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con là: cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp của bạn, nếu muốn giành lại quyền nuôi con, bạn cần đưa ra được những chứng cứ chứng minh rằng mẹ cháu không có đủ điều kiện chăm sóc con hay đảm bảo được lợi ích của con như về: Kinh tế; đạo đức; nhân cách; môi trường sống; trong khoảng thời gian sống với mẹ con bạn bị xâm hại về sức khỏe; vợ bạn bỏ bê không chăm sóc con…
Để tiến hành yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con; bạn cần chuẩn bị các giấy tờ như sau:
- Đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
- Quyết định ly hôn của Tòa án
- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực)
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực)
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp
Sau đó, bạn đến nộp tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi mà vợ bạn đang làm việc hoặc cư trú. Tiếp đó bạn sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí cho cơ quan thi hành án. Và mang biên lai nộp tiền tạm ứng án phí nộp cho Tòa án có thẩm quyền.
2.4. Thời gian giải quyết thay đổi quyền nuôi con khi vợ không cho gặp con sau ly hôn.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; đối với trường hợp thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn:
Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án;
Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bài viết tham khảo:
- Vợ không cho gặp con sau ly hôn thì phải làm gì theo quy định của pháp luật?
- Phải làm gì khi vợ không cho chồng đã đi tù gặp con?
- Giành lại quyền nuôi con sau ly hôn
Để được tư vấn chi tiết về làm gì khi bị ngăn cản thăm con sau ly hôn, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.