Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm
13:34 13/09/2019
Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm..điều kiện, trình tự thủ tục bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm
- Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm
- Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm
- Pháp Luật Đất Đai
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
BỒI THƯỜNG KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRỒNG CÂY LÂU NĂM
Câu hỏi của bạn:
Chào tổng đài tư vấn luật đất đai!
Em là Trần Hồng Hoa, em có một vài vấn đề cần hỏi mong tổng đài giải đáp. Việc là gia đình em có một mảnh đất trồng cây lâu năm (3 công đất), được nhà nước thu hồi để tiến hành dự án, họ đã thỏa thuận việc bồi thường với gia đình em là lấy toàn bộ mảnh đất đó với số tiền bồi thường mà họ đặt ra và buộc gia đình em ký giấy lăn tay để chứng nhận, họ còn nói là trong tháng 5 / 2017 này sẽ đưa tiền bồi thường nhưng hôm nay họ đến và nói là chỉ thu hồi 32 m vuông .
Mặt khác họ thật sự không lấy thì ảnh hưởng rất lớn đến gia đình em nếu xả đê hay mưa nhiều thì mảnh đất sẽ bị ngập nước và không thoát nước ra được bởi các dự án bao boc xung quanh (họ thổi cát cao lên) như vậy sẽ làm cho cây trồng trên mảnh đất của gia đình em chết hết, cũng như không còn trồng cây gì được nữa, mảnh đất đó là gánh mưu sinh của gia đình em, họ làm như vậy gia đình em sẽ sống bằng làm sao? gia đình em không hiểu rõ về luật pháp đất đai trong việc bồi thường thì em nên làm thế nào khi gặp khó khăn về luật pháp em có thể tìm ai giúp đỡ?
Xin chân thành cám ơn!
Câu trả lời của luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ Email: [email protected]. Với câu hỏi của bạn về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật đất đai 2013
- Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Nội dung tư vấn: Khoản 11, Điều 3 Luật đất đai quy định:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...11. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
1. Nguyên tắc và điều kiện để được bồi thường
Theo quy định của luật đất đai 2013, nguyên tắc để bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất là: nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường; Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất (điều 74). Dựa trên nguyên tắc bồi thường về đất tương ứng sẽ có các điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất để được bồi thường theo quy định tại điều 75 như sau:
"Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp."
Khoản 2, điều 77 quy định: "2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này."
Ngoài ra, điều kiện để được bồi thường về đất đối với trường hợp đất sử dụng không có giấy tờ về đất được hướng dẫn tại điều 13, nghị định 47/2014/NĐ- CP:
“Điều 13. Bồi thường về đất cho người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất.
2. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng tiền thì số tiền bồi thường phải trừ khoản tiền nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.”
Đủ điều kiện cấp trong trường hợp này là: đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai; được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.
Thứ hai, trình tự thực hiện việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ tái định cư
Việc thu hồi đất phải được tuân thủ theo một trình tự được luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định. Tất cả các quyết định liên quan đến thu hồi, bồi thường..đều phải do cơ quan có thẩm quyền lập, ban hành theo đúng thẩm quyền của mình. Thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi liên quan đến quy trình, thẩm quyền thu hồi đất còn thiếu, vì vậy không đủ căn cứ để chúng tôi nhận định tốt nhất trường hợp của bạn. Tuy nhiên, dựa trên thông tin bạn cung cấp chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn một cách tổng quát nhất để từ tình hình thực tế của gia đình bạn có thể xem xét lựa chọn phương án giải quyết tối ưu.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi được quy định tại điều 69 luật đất đai như sau:
Bước 1: Thông báo thu hồi đất
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi ban hành thông báo thu hồi đất tới từng cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sử dụng đất (gửi văn bản; Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm); đồng thời niêm yết trên trụ sở ủy ban nhân dân xã, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 2: Thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm
Người sử dụng đất phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện điều tra, đo đạc, kiểm đếm, xác định diện tích đất thu hồi, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật này.
Bước 3: Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổng hợp ý kiến, kết hợp với ủy ban nhân dân xã đối thoại với những trường hợp không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi trình ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Bước 4: Ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định tại điều 66 luật đất đai 2013 ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong cùng một ngày.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Bước 5: Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt
Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt; Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.
Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.
Chi tiết bạn có thể tham khảo tại:
Trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định pháp luật hiện hành
=> Theo quy định và những tư vấn trên bạn cần xem lại trong thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất được gửi tới gia đình mình ghi nhận những thông tin gì; diện tích và mức giá bồi thường, diện tích bồi thường như thế nào? Phương án hỗ trợ, bồi thường khác được nêu ra sao?
- Nếu như trên thực tế phần diện tích, giá và phương thức, cách thức bồi thường không được thực hiện như trong văn bản thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi, phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư thì bạn có thể làm đơn yêu cầu lên cơ quan ra quyết định, nội dung nêu rõ các vấn đề liên quan đến trường hợp thu hồi và bồi thường trong trường hợp của gia đình để được giải đáp. Nếu trong trường hợp cơ quan trực tiếp ra quyết định và Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng không giải đáp cho bạn thì bạn có thể gửi đơn lên cấp trên trực tiếp của những cơ quan tổ chức này để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Các mức bồi thường cụ thể
Thửa đất của gia đình bạn là đất trồng cây lâu năm (theo thông tin bạn cung cấp), nếu có đủ điều kiện để được bồi thường, tùy các trường hợp cụ thể mà có những thay đổi nhất định nhưng trên nguyên tắc chung thường bao gồm các mức bồi thường đối với thu hồi đất trồng cây lâu năm như sau:
- Bồi thường về đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Mức giá đất dùng để bồi thường cũng có thể được thỏa thuận nếu như việc thu hồi đất không nhằm mục đích phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích phát triển quốc phòng- an ninh (điều 61, 62 luật đất đai).
- Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (điều 77 luật đất đai)
- Bồi thường đối với cây trồng vật nuôi (điều 90 luật đất đai): trường hợp gia đình bạn là trồng cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất
- Ngoài việc được nhận bồi thường thì người bị thu hồi đất còn có thể được các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (điều 83 luật đất đai)…
Một số bài viết cùng chuyên mục bạn có thể tham khảo:
Xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất
Bồi thường khi doanh nghiệp thu hồi đất làm dự án
Trên đây là tư vấn của chúng tôi trong trường hợp Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trồng cây lâu năm. Nếu còn bất cứ vướng mắc gì bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí 24/7: 19006500 hoặc Gửi nội dung tư vấn qua email: [email protected] để gặp luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ. Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được ý kiến đóng của quý khách hàng để chúng tôi ngày một hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách hàng!
Trân trọng.
Liên kết tham khảo: