Xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ như thế nào?
08:51 08/09/2017
Điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất và xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mua bán nợ
- Xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ như thế nào?
- xử lý quyền sử dụng đất thế chấp
- Pháp Luật Đất Đai
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
XỬ LÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THẾ CHẤP ĐỂ THU HỒI NỢ Kiến thức của bạn:
Xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ như thế nào?
Kiến thức của luật sư:
Cơ sở pháp lý:
- Luật đất đai 2013;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai
Nội dung kiến thức về vấn đề xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ:
Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất theo Điều 167 Luật Đất đai 2013. Đối với trường hợp đất thuê trả tiền thuê hàng năm thì người sử dụng đất chỉ được thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai 2013.
1. Điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất
Điều 188 Luật Đất đai 201 quy định điều kiện người sử dụng đất thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất gồm:
- Có Giấy chứng nhận;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Thời điểm để có thể thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 168 Luật Đất đai 2013:
- Khi người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
- Trường hợp chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của Nhà nước;
- Trường hợp nhận thừa kế QSDĐ thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận.
Nếu người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện việc thế chấp.
Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
2. Xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ
Căn cứ điều 81 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 53 điều 2 nghị định 01/2017/NĐ-CP việc xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ quy định như sau:
2.1. Bên nhận thế chấp không phải là tổ chức được phép mua bán nợ
Được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.
Trường hợp không xử lý được thì bên nhận thế chấp có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp cho người khác để thu hồi nợ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
Người nhận quyền sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; được sử dụng đất theo mục đích đã xác định trong thời hạn sử dụng đất còn lại; đối với đất ở thì người sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
2.2. Bên nhận thế chấp là tổ chức được phép mua bán nợ
Tổ chức đó được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp đã giao kết trong hợp đồng thế chấp. Tổ chức mua bán nợ được quyền xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp đã ký.
Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận
- Tổ chức mua bán nợ của Nhà nước thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức mua bán nợ không phải của Nhà nước được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp cho người khác hoặc đề nghị tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp hoặc khởi kiện tại Tòa án.
2.3. Xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm để thu hồi nợ
Nếu không thực hiện được nghĩa vụ với bên nhận thế chấp thì Nhà nước thu hồi đất của bên thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm để cho người mua tài sản thuê đất, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác.
Người mua tài sản tự thỏa thuận với bên thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm về việc chi trả chi phí đầu tư vào đất còn lại đến thời điểm thu hồi đất. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì các bên có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể và phải sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định. Trường hợp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục theo quy định của Luật đất đai.
Người mua tài sản phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 189 của Luật đất đai:
- Có năng lực tài chính.
- Có ngành nghề kinh doanh phù hợp.
- Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.
Một số bài viết có nội dung tham khảo:
- Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng đất
- Làm thế nào để thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
Trên đây là quy định của pháp luật về vấn đề xử lý quyền sử dụng đất thế chấp để thu hồi nợ. Nếu còn bất cứ vướng mắc gì, bạn vui lòng liên hệ Luật Toàn Quốc qua Tổng đài tư vấn Luật đất đai miễn phí 24/7: 1900.6178 để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc gửi thư về địa chỉ Email: [email protected]. Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để chúng tôi được ngày càng hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách hàng!
Trân trọng./.
Liên kết tham khảo: