Tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở
14:40 21/11/2023
Hợp đồng xây dựng nhà ở..giải quyết tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở..các điều khoản ghi nhận trong hợp đồng xây dựng nhà ở
- Tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở
- Hợp đồng xây dựng nhà ở
- Pháp Luật Đất Đai
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
TRANH CHẤP GIỮA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG NHÀ Ở
Câu hỏi của bạn:
Thưa luật sư! vào ngày 16/3/2017 tôi và chủ thầu có làm 1 biên bản xây dựng nhà và kỳ hạn trong vòng 3 tháng sẽ giao nhà..! Tuy nhiên sau hơn 3 tháng chỉ mới hoàn thành 60% ngôi nhà và còn khoảng hơn 2 tháng nữa mới hoàn tất.. thưa luật sư trong hợp đồng tôi có ghi ngày hoàn thành ngôi nhà nhưng không có ghi là đền bù bao nhiêu % .. vậy tôi cần làm gì để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Xin chân thành cảm ơn
Luật Toàn Quốc: để đảm bảo bảo mật thông tin về các bên trong hợp đồng, chúng tôi sẽ chỉ thể hiện các điều khoản của hợp đồng giữa bạn (bên A) và bên chủ thầu (bên B)
- Hợp đồng được ký kết giữa bạn với bên chủ thầu chính thức vào ngày 16/3/2017 về việc bên chủ thầu tiến hành hoàn thành tất cả các khâu, các giai đoạn trong quá trình xây dựng căn nhà cấp 4 cho bên bạn (ghi chi tiết các khâu, yêu cầu cần hoàn thành); hoàn thiện căn nhà theo bản vẽ có sẵn.
-
Nghĩa vụ của bên chủ thầu theo ghi nhận là:
- Bàn giao các loại hồ sơ theo đúng thời hạn đã quy định.
- Thi công đúng hồ sơ thiết kế và hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng thời hạn hợp đồng.
- Thời hạn thực hiện từ 16/3/2017 đến 30/5/2017.
-
Các điều khoản giải quyết tranh chấp được ghi nhận:
- Hai bên cam kết thực hiện đúng theo các điều khoản được ghi nhận trong hợp đồng, bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.
- Nếu có phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng hai bên chủ động thương lượng giải quyết, có thể tiến hành lập phụ lục hợp đồng hoặc bổ sung hợp đồng
- Hợp đồng có giá trị tới thời điểm thanh lý hợp đồng.
Câu trả lời của luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua địa chỉ Email: [email protected]. Với câu hỏi của bạn tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn:
1. Phân tích nghĩa vụ phải thực hiện của các bên và điều kiện để được đòi bồi thường trong hợp đồng xây dựng nhà ở
Nội dung hợp đồng: có ghi nhận về các công việc cụ thể phải được hoàn thành trong thời gian bắt đầu từ 16/3/2017 tới 30/5/2017 nhưng bên B không hoàn thành công việc đã thỏa thuận. Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 thì bên A hoàn toàn có căn cứ để yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại cho mình theo quy định tại điều 361 và điều 419:
“Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”
Và “Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng
1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
(Trong đó: Điều 13. Bồi thường thiệt hại: Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 360: Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.)
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”
Theo quy định trên, các căn cứ, nguyên tắc để bên A yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại trong hợp đồng do hành vi không hoàn thành nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng gồm có:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng nhà ở
- Có thiệt hại phát sinh trên thực tế: thiệt hại này là thiệt hại về vật chất là thiệt hại về tinh thần
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Bên B đã không bàn giao toàn bộ công trình nhà ở cho bên A vào thời hạn đã được ký kết trong hợp đồng; gây tổn thất về mặt vật chất hoặc tinh thần cho bên A (bạn cần phải chỉ ra các thiệt hại thực tế đã có từ hành vi không thực hiện theo đúng hợp đồng của bên B); cần lưu ý: các thiệt hại, tổn thất (các lợi ích mà đáng lẽ ra bên A được hưởng) này là hệ quả phát sinh thực tế từ hành vi vi phạm hợp đồng của bên B.
Và theo quy định của pháp luật bên vi phạm nghĩa vụ không thực hiện hợp đồng sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gồm: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý tới trường hợp nếu như bên B vi phạm nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng do có lỗi của bên bị vi phạm (bên A) thì bên B có quyền bên bạn vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc bên B có quyền hủy bỏ hợp đồng hoặc yêu cầu bạn phải bồi thường thiệt hại cho họ. Vì thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đầy đủ nên sẽ không loại trừ tình huống này được. Cụ thể tại điều 413 bộ luật tố tụng dân sự:
“Điều 413. Nghĩa vụ không thực hiện được do lỗi của một bên
Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
2. Phương hướng giải quyết tranh chấp về hợp đồng xây dựng nhà ở trong trường hợp của bạn
Thứ nhất, trường hợp các bên có sự thỏa thuận với nhau trong hợp đồng xây dựng nhà ở
Bên bạn và chủ thầu có thỏa thuận trong hợp đồng nếu phát sinh tranh chấp thì hai bên chủ động thương lượng giải quyết, có thể tiến hành lập phụ lục hợp đồng hoặc bổ sung hợp đồng => đây là các cách thức được hai bên thỏa thuận với nhau.
Thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật vì vậy, luật sẽ tôn trọng sự thỏa thuận này. Bạn và bên chủ thầu đã thực hiện các thỏa thuận trong phần giải quyết tranh chấp của hợp đồng đã được ký kết hay chưa. Đây là bước đầu tiên được pháp luật ưu tiên thực hiện trước khi tiến hành giải quyết theo cách thức khác.
Thứ hai, trường hợp không thể thực hiện thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhà ở
Khi hai bên không thể thỏa thuận, thương lượng được với nhau nữa thì bạn có quyền gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp quận, huyện yêu cầu bên chủ thầu bồi thường thiệt hại cho mình. Các căn cứ tính thiệt hại như chúng tôi đã tư vấn cho bạn ở trên.
Bài viết tham khảo:
- Tải mẫu văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại
- Có bắt buộc phải công chứng hợp đồng về nhà ở không?
Liên hệ Luật sư tư vấn tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở
- Tư vấn qua Tổng đài 19006500: Đây là hình thức tư vấn hiệu quả và nhanh nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết;
- Tư vấn qua Zalo: Tư vấn về tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở qua số điện thoại zalo Luật Sư: 0931191033;
- Tư vấn qua Email: Gửi câu hỏi về tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng xây dựng nhà ở tới địa chỉ Email: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn.
Liên kết tham khảo: