Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
09:38 10/11/2017
Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam: Để tiến hành bạn nộp hồ sơ lên TAND cấp tỉnh nơi công dân Việt Nam cư trú gồm các giấy tờ sau....
- Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
- ly hôn với người nước ngoài
- Pháp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
THỦ TỤC LY HÔN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Câu hỏi của bạn:
Xin chào Luật Sư
Tôi tên là T. H. năm nay 30 tuổi. Tôi kết hôn vào tháng 3/2015 với chồng tôi là người Việt mang quốc tịch Mỹ và đang sinh sống tại Mỹ.
Chúng tôi đăng kí kết hôn ở tỉnh BR vì hộ khẩu của tôi ở BR
Hiện vợ chồng tôi ko còn tình cảm với nhau nên muốn li hôn. Nhưng hiện giờ anh ấy ở Mỹ nên bây giờ cho tôi hỏi tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì cần thiết để nộp ra toà. Xin hướng dẫn cho tôi vì tôi cũng không rành về giấy tờ cho lắm. Tôi phải làm như thế nào từng bước ra sao. Và nếu anh ấy thuận tình li hôn và xin tòa giải quyết vắng mặt thì trong bao lâu. Còn nếu anh ấy về được thì trong bao lâu mới xong thủ tục li hôn.
Xin Luật sư hãy hướng dẫn cụ thể từng bước và giấy tờ tôi phải cần làm như thế nào.. tôi xin chân thành cảm ơn.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Nội dung tư vấn
1. Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Để tiến hành ly hôn với người nước ngoài hay cụ thể ở trong tình huống của bạn, chồng bạn có quốc tịch Mỹ bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn yêu cầu giải quyết ly hôn
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu của hai bên ( bản sao có chứng thực )
- Giấy khai sinh của các con ( bản sao có chứng thực )
- Giấy tờ liên quan đến tranh chấp tài sản ( nếu có )
Đơn yêu cầu giải quyết ly hôn đối với trường hợp hai bạn thuận tình ly hôn và ký vào đơn yêu cầu giải quyết ly hôn. Trường hợp chồng bạn không thể về Việt Nam và muốn xét xử vắng mặt thì hồ sơ của bạn cần có thêm Đơn đề nghị xét xử vắng mặt nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
"Theo khoản 5 Điều 477 BLTTDS 2015 quy định. Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều 474 của Bộ luật này, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và đương sự đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ;
b) Tòa án đã thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 474 của Bộ luật này;
c) Tòa án không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều này về kết quả thực hiện việc tống đạt cho đương sự ở nước ngoài."
Chú ý:
- Người khởi kiện, người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó.
- Trường hợp không ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài hoặc thiếu những nội dung trên thì phải bổ sung trong thời hạn do Tòa án ấn định, hết thời hạn đó mà không cung cấp được thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
- Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
- Đơn xin yêu cầu xét xử vắng mặt bạn lên Tòa án để xin mẫu, trong đơn cần ghi rõ thời gian Tòa án thụ lý vụ việc, tên vụ việc, nội dung thỏa thuận của vợ chồng được giữ nguyên hay có gì thay đổi không, sau đó chồng bạn đến xin xác nhận tại Đại sứ quán Việt Nam xác nhận đơn đó là do tự đương sự viết. [caption id="attachment_60428" align="aligncenter" width="394"] ly hôn với người nước ngoài[/caption]
2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền của TAND cấp Tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Cụ thể điều này được quy định tại khoản 3, điều 35 BLTTDS 2015 : "3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này"
3. Thời gian giải quyết ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, tòa án quyết định thụ lý vụ việc. Tòa án sẽ gửi thông báo thụ lý việc dân sự, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho hai bên đương sự…
Theo quy định tại khoản 3 Điều 476 BLTTDS quy định: "Phiên họp phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý việc dân sự. Ngày mở lại phiên họp giải quyết việc dân sự (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp lần đầu chậm nhất là 01 tháng."
Trường hợp vợ chồng bạn thuận tình ly hôn thì thời gian giải quyết ly hôn với người nước ngoài sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 8 tháng kể từ ngày hoặc có thể lâu hơn nếu chồng bạn thực hiện xét xử ly hôn vắng mặt phụ thuộc thời gian tòa án tống đạt, thu thập chứng cứ, tài liệu.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
- Thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài theo quy định hiện nay
- Ly hôn với người nước ngoài không biết địa chỉ xử lý ra sao?
- Ly hôn đơn phương với người nước ngoài
Để được tư vấn chi tiết về Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.