Thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài năm 2020
16:31 09/03/2020
Công dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn tại nước đang học tập thông qua ..
- Thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài năm 2020
- Thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài
- Pháp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài
Câu hỏi của bạn về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nướcngoài:
Hiện tại em đang là thực tập sinh tại nước B (1 năm). Bạn trai em đi theo diện kỹ sư. Chúng em muốn đăng ký kết hôn tại nước B trước khi em về nước vào tháng 8.2020.
Trường hợp nếu trong hợp đồng em có điều khoản không được đăng ký kết hôn trong thời gian thực tập. Thì em nên làm thế nào? Trường hợp trong hợp đồng em không ghi thì làm thế nào? Thủ tục cần những gì?
Em cũng không có nhu cầu sau khi đăng ký sẽ chuyển visa. Mà em muốn về nước sau đó mới xin visa lại rồi mới sang.
Có thể tư vấn cho em được không ạ. Em cảm ơn.
Câu trả lời của Luật sư về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài như sau:
1. Căn cứ pháp lý về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Luật hộ tịch 2014
- Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP đăng ký hộ tịch tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài
2. Nội dung tư vấn về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài:
Theo yêu cầu tư vấn của bạn, cần chúng tôi hỗ trợ về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài. Cụ thể bạn muốn biết, bạn và bạn trai bạn hiện đang học tập và làm việc tại nước B, hai bạn muốn kết hôn tại đây nhưng chưa rõ thủ tục kết hôn như thế nào? Nếu trong hợp đồng thực tập mà có điều khoản không được kết hôn trong thời gian thực tập thì có được kết hôn không? Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Trong trường hợp của bạn bạn kí hợp đồng thực tập sinh với bên đơn vị nước B thì bạn cần thực hiện theo đúng những điều khoản trong hợp đồng mà bạn đã kí (quyền lợi và nghĩa vụ của thực tập sinh). Hợp đồng là văn bản thỏa thuận giữa hai bên, khi bạn đã chấp nhận kí tức là bạn tự nguyện lựa chọn chấp hành theo đúng mọi điều khoản đã được ghi trong hợp đồng. Vậy nên trong trường hợp, hợp đồng có ghi điều khoản cấm kết hôn trong thời gian thực tập thì bạn sẽ phải lựa chọn hoặc bạn chấp hành hợp đồng không kết hôn trong thời gian này. Hoặc bạn vẫn kết hôn trong thời gian thực tập tức là vi phạm hợp đồng thì bạn sẽ phải bồi thường hợp đồng theo các quy định về nghĩa vụ bồi thường đã quy định trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không có quy định cấm kết hôn trong thời gian thực tập thì hai bạn có thể thực hiện thủ tục kết hôn mà không cần lo lắng việc bồi thường hợp đồng.
2.1. Thẩm quyền đăng kí kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài
Do bạn chưa cung cấp đủ thông tin hai bạn muốn đăng kí kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước B hay muốn đăng kí kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại đây, nên chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn trong cả hai trường hợp.
Trường hợp hai bạn muốn đăng kí kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước B thì hai bạn cần thực hiện theo pháp luật của nước B và đến cơ quan có thẩm quyền của nước B để được hướng dẫn chi tiết thủ tục.
Trong trường hợp hai bạn muốn đăng kí kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nước B thì hai bạn cần chấp hành theo đúng quy định kết hôn của Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 02/2016/TTLT-BNG-BTP, quy định về đăng kí kết hôn như sau:
Điều 7. Đăng ký kết hôn
1. Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với người nước ngoài.
Trường hợp đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thì việc đăng ký kết hôn đó không được trái với pháp luật của nước sở tại.
Về nguyên tắc cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là công dân Việt Nam thực hiện đăng kí kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
Vì vậy, hai bạn có thể thực hiện việc đăng kí kết hôn tại cơ quan đại điện Việt Nam ở nước B. Hai bạn có thể lựa chọn cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ để thực hiện thủ tục đăng kí kết hôn. [caption id="attachment_191383" align="aligncenter" width="449"] Thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài[/caption]
2.2. Hồ sơ làm thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài
Hai bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 02/2016/TTLT-BNG-BTP, cụ thể:
- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định); hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của cả hai bên nam nữ:
- Trường hợp công dân Việt Nam có thời gian thường trú tại Việt Nam, trước khi xuất cảnh đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi người đó thường trú trước khi xuất cảnh cấp.
- Trường hợp công dân Việt Nam đã có thời gian cư trú ở nhiều nước khác nhau thì phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi đã cư trú cấp. Trường hợp không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi đã cư trú trước đây thì người đó phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú ở các nơi đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
- Trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp.
- Trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài không đồng thời có quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng thường trú ở nước thứ ba thì phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó thường trú cấp;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp không quá 06 tháng, xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của cả hai bên nam nữ;
- Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của hai bên nam nữ;
- Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp tại nước ngoài, hộ chiếu của cả hai bên nam nữ.
2.3. Thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài
Bước 1: Hai bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp về cơ quan đại diện Việt Nam tại nước B.
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cán bộ lãnh sự nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, trường hợp cần thiết thì tiến hành các biện pháp xác minh. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy các bên đăng ký kết hôn có đủ Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì cán bộ lãnh sự báo cáo Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Cơ quan đại diện tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Khi đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Cơ quan đại diện. Cán bộ lãnh sự hỏi ý kiến hai bên nam nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn; hướng dẫn hai bên nam, nữ ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ đăng ký kết hôn. Mỗi bên vợ, chồng được nhận một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Trích lục kết hôn (bản sao) được cấp theo yêu cầu.
Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn theo thông báo của Cơ quan đại diện thì phải có văn bản đề nghị được gia hạn thời gian tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn. Thời gian gia hạn không quá 60 ngày, kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Hết thời hạn 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì cán bộ lãnh sự báo cáo Thủ trưởng Cơ quan đại diện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký. Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Như vậy, hai bạn nếu muốn kết hôn tại nước B thì hai bạn cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật, đồng thời hai bạn cần lưu ý các điều khoản trong hợp đồng thực tập sinh đã kí để tránh vi phạm hợp đồng phải bồi thường hợp đồng.
Bài viết tham khảo:
- Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự để kết hôn với người nước ngoài 2020
- Đã đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì có phải về nước đăng ký kết hôn
Để được tư vấn chi tiết về thủ tục kết hôn của công dân Việt Nam tại nước ngoài, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Hải Anh