• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải đảm bảo 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm sau: chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan.

  • Phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ BLHS 2015
  • Phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ
  • Pháp luật hình sự
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

Phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ

Câu hỏi về phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ

     Chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi trường hợp như sau: anh A đi xe máy vượt đèn đỏ đã đâm vào anh B đang đi bộ qua vạch đường dành cho người đi bộ khiến anh B bị bất tỉnh và đưa vào bệnh viện. Vậy trong trường hợp này, anh A phải có phải chịu trách nhiệm hình sự nào không ạ? Hay chỉ cần phải bồi thường thiệt hại thôi ạ? Mong sớm nhận được câu trả lời từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời về phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ

      Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ như sau:

1. Căn cứ pháp lý về phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ

2. Nội dung tư vấn về phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ

     Trên thực tế ngày nay, số lượng tai nạn giao thông diễn ra ngày càng tăng. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, hay phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành đúng luật giao thông. Kết quả là có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả rất nặng nề: chết người, trở thành người thực vật, gãy tay chân,... và chưa kể là hỏng hóc xe cộ, tài sản khác. Những người gây tai nạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự 2015 có quy định về vấn đề này tại điều 260 với tội danh: "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Vậy khi nào người gây tai nạn bị truy cứu với tội danh này? Cụ thể nội dung tư vấn như sau:

2.1. Khái niệm về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

     Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng trong BLHS 2015. Thông thường người ta hiểu, "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi, để thực hiện những hành vi vi phạm các quy định và quy tắc về đảm bảo an toàn, trật tự chung của xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho con người, tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác.

2.2. Cấu thành tội phạm "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ"

     Một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này khi thỏa mãn 4 dấu hiệu sau:

  • Chủ thể về phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
     Là chủ thể thường, là bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định tại điều 12 BLHS 2015. Người phạm tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện, không thuộc trường hợp mất năng lực hình sự như người mắc bệnh tâm thần, mắc các bệnh khác làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi ( như: viêm màng não, bệnh mộng du…). Họ là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
  • Khách thể về phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
      Đây là tội phạm xâm phạm đến quy định, trật tự an toàn giao thông đường bộ, an toàn công cộng, trật tự công cộng. Đối tượng tác động của loại tội phạm này chính là các quy định, quy tắc về việc an toàn khi tham gia giao thông đường bộ. Ví dụ như: không được dừng đèn đỏ, đi đúng phần đường quy định,...
  • Mặt chủ quan về phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
- Người này phải có lỗi. Thường thường, người thực hiện tội phạm này với hình thức lỗi vô ý. Vô ý ở đây có thể là vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cầu thả. Người phạm tội biết được hành vi của mình có thẻ gây hậu quả nguy hiểm nhưng không mong muốn hậu quả xảy ra, tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có xảy ra nhưng có thể ngăn ngừa được.  - Mục đích và động cơ của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
  • Mặt khách quan về phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
- Hành vi khách quan: Đa số các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này thể hiện dưới hình thức hành động cụ tể. Đó là các hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ, như: điều khiển xe vượt quá tốc độ, không đi đúng phần đường quy định; lạng, lách, đánh võng,... Các quy định này được quy định tại các văn bản pháp luật quy định về giao thông đường bộ. Ví dụ như: Luật giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật khác... - Hậu quả: Đây là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Hậu quả ở đây là hậu qủa nghiêm trọng, có thể gây thiệt hại về tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe và tài sản của người khác. Đối với thiệt hại về sức khỏe, chỉ tính thiệt hại về sức khỏe cho người khác, không tính thiệt hại về sức khỏe cho chính mình. Đối với tài sản, chỉ tính thiệt hại về tài sản do người phạm tội trực tiếp gây ra, không tính thiệt hại gián tiếp do phải chữa trị.  - Mối quan hệ giữa hành vi khách quan và hậu quả: Đây là mối quan hệ nhân quả. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác chính là hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ.  - Ngoài ra còn có 1 số dấu hiệu như: địa điểm (nơi vi phạm là cơ sở vật chất thuộc giao thông đường bộ), công cụ là phương tiện giao thông,... [caption id="attachment_147710" align="aligncenter" width="480"]Phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ        Phạm tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ[/caption]

2.3. Hình phạt đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ


Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
..."

      Những người phạm tội này phải chịu hình phạt theo quy định tại điều 260 BLHS 2015 như sau:

  • Khoản 1 điều 260 quy định về khung hình phạt cơ bản: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng cho một trong các trường hợp sau: 
    - Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%. - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. - Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
  • Khoản 2 quy định về khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, áp dụng cho một trong các trường hợp sau:
    - Không có giấy phép lái xe theo quy định. - Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng (Người này có trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40mg/1 lít khí thở hoặc bị phát hiện là suer dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác). - Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. - Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông. - Làm chết 02 người. - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên. - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%. - Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
  • Khoản 3 quy định về khung hình phạt tăng nặng thứ 2: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, áp dụng cho một trong các trường hợp sau: 
    - Làm chết 03 người trở lên. - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên. - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên. - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
  • Khoản 4 quy định sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm áp dụng cho những trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời.
  • Khoản 5 quy định về hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự:

"Điều 29: Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự ...

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự."

     Như vậy, người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 29 BLHS 2015 nếu họ đã biết lỗi và tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. 

     Với câu hỏi của bạn đưa ra, vì bạn không nói rõ anh B sau khi va chạm đã bị cụ thể ra sao nên cần phải xem xét, theo dõi tình hình của anh B để xét xem anh A có đủ điều kiện để cấu thành tội phạm này không mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, anh A cũng phải bồi thường thiệt hại về dân sự cho anh B. Việc xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản dưới luật khác có liên quan.

Kết luận: Tóm lại, một người bị buộc tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khi đảm bảo 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm về chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan như đã nêu. Và người phạm tội phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, người phạm tội này cũng phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác. 

Bài viết tham khảo: 

 Để được tư vấn chi tiết về phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hình sự 24/7: 1900 6500 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: lienhe@luattoanquoc.comChúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.

                                                                                                                                       Chuyên viên: Kiều Trinh

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178