• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

 Có rất nhiều hành vi bị truy tố về các tội danh tham nhũng như: Tham ô, Nhận hối lộ, Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản..

  • Dịch vụ luật sư riêng của công viên chức trong các vụ án tham nhũng
  •  LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG VIÊN CHỨC TRONG VỤ ÁN THAM NHŨNG
  • Dịch vụ nổi bật
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

 LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG VIÊN CHỨC TRONG VỤ ÁN THAM NHŨNG

    Thực tiễn hiện nay các vụ án liên quan đến các hành vi tham nhũng bị khởi tố, truy tố, xét xử khắp nơi. Mỗi vụ án ngoài các chức danh quản lý thì có hàng chục cán bộ công chức dưới quyền bị liên quan. Lại do quy định của pháp luật hình sự 2015 đã cụ thể hóa chủ thể của các hành vi tham nhũng bao gồm cả các cá nhân giữ chức danh quản lý nhưng không phải là công chức, viên chức nên phạm vi càng rộng, đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử bao gồm rất nhiều các giám đốc, kế toán trưởng của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.      Có rất nhiều hành vi bị truy tố về các tội danh tham nhũng như: Tham ô, Nhận hối lộ, Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…các hành vi này được liệt kê, mô tả trong các điều luật từ điều 353 đến 366 Bộ luật hình sự 2015 là bộ luật đang có hiệu lực hiện nay.      Một vấn đề hết sức thời sự là các vụ án tham nhũng đều có sự tham gia đầy đủ của các luật sư nhiều kinh nghiệm, được lựa chọn dựa trên các mối quan hệ có sẵn các luật sư được tham gia bảo vệ, bào chữa từ những giai đoạn rất sớm của vụ án, tuy nhiên kết quả không cao. Các bản án có mức hình phạt được tuyên không có nhiều thay đổi so với đề nghị của bản cáo trạng. Qua các vụ đại án như : Đinh La Thăng,  Vũ Nhôm, Bắc Son, Trịnh Xuân Thanh, Ngân hàng…vv có thể thấy cách lựa chọn luật sư truyền thống không phản ánh đúng hết giá trị thật sự của các luật sư. Có thể do hệ thống pháp luật có rất nhiều thay đổi, bổ sung, cập nhật mới, sự phức tạp của hệ thống pháp luật chuyên ngành  ngày càng cao (về ngân hàng, tiền tệ, xây dựng BT, về đấu giá, về đấu thầu, đặc biệt là đất đai....); sự phổ biến của ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị điện tử ngày càng có liên hệ mật thiết trong quá trình vụ án xảy ra, các chứng cứ không còn đơn thuần là các giấy tờ văn bản, USB.. mà nằm rất nhiều ở dạng email, tin nhắn zalo, facebook, instagram…., các mối quan hệ đã có sẵn với cơ quan tiến hành tố tụng cũng là trở ngại của các luật sư truyền thống trong những vấn đề cần đối kháng trực diện.      Để nhận diện cho sát với thực tế hiện nay, luật sư Công ty luật Toàn Quốc bằng kiến thức, kỹ năng, kết hợp với thực tiễn của luật sư trong các vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử thời gian qua phân tích, bình luận một số tội danh trong nhóm tội danh tham nhũng, qua đó nhận diện đa chiều, chuyên sâu về các quá trình giải quyết những vụ án này. Đặc biệt là qúa trình điều tra, truy tố, từ đó luật sư công ty luật Toàn Quốc nêu lên phương pháp riêng để bào chữa hiệu quả cao cho từng tội phạm cụ thể.   

I – TỘI THAM Ô

Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng.  Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.

     Theo quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015 thì Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này (từ Điều 353 đến Điều 359), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, do người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015) với lỗi cố ý trực tiếp.

1.1. Dấu hiệu pháp lý của Tội tham ô tài sản

     Khách thể: là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.      Mặt khách quan: Hành vi khách quan của Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.
  • Người tham ô tài sản thuộc 01 trong 03 trường hợp sau đây mới phạm tội tham ô tài sản:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản mà còn vi phạm. - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ. - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.      Người nào tuy tham ô tài sản nhưng trị giá dưới 2.000.000 đồng và chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, cũng chưa bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác hoặc tuy đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác nhưng đã được xóa án tích thì không phạm tội tham ô tài sản.
  • Nếu người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng, tuy trước đó họ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nhưng đã HẾT thời hạn được xoá kỷ luật thì cũng không phạm tội tham ô tài sản.
  • Nếu người phạm tội tuy có ý định chiếm đoạt 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng chưa chiếm đoạt được thì hầu như họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là tham ô tài sản.
     Chủ thể: Chủ thể của Tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015). Đối với Tội tham ô tài sản các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Sự khác nhau giữa Tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu chủ thể của tội phạm.      Chủ thể của Tội tham ô tài sản phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: Độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các điều 12, 21 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với Tội tham ô tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này: - Người phạm Tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 252 BLHS năm 2015) (bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước) (khoản 6 Điều 253 BLHS năm 2015). - Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của Tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản. - Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt. - Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình... Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.
  • Nếu xác định không đúng tư cách của người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt thì dễ nhầm lẫn với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015 như: Tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối nhưng nếu người thực hiện là người có trách nhiệm quản lý tài sản và họ đã chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội tham ô tài sản, nhưng nếu người thực hiện không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc tuy quản lý tài sản nhưng họ không chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
     => Do những đặc điểm riêng nêu trên khoa học luật hình sự cho rằng, chủ thể của Tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới tham ô tài sản được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án tham ô tài sản không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng người thực hành trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.      Mặt chủ quan: Tội tham ô tài sản cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

1.2. Nhận biết quá trình thường diễn ra khi bị can, bị cáo bị điều tra tội tham ô

1.2.1. Quá trình nhận diện đặc điểm về hành vi
Vô cùng đa dạng lắt léo và thường bị xem xét ở các hành vi sau:
  • Lợi dụng các quyết định hành chính về đất đai như phê duyệt quy hoạch, phê duyệt các chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án xây dựng - khai thác- chuyển giao (BOT), dự án xây dựng – chuyển giao (BT), phê duyệt giá, đặc biệt là là các dự án về xây dựng hạ tầng..vv
  • Thông đồng với đấu giá để trúng đấu giá theo kế hoạch
  • Lợi dụng các loại Hợp đồng kinh tế tao ra các điều khoản để đế thanh, quyết  toán trong ngoài sổ sách, phụ lục lắt léo, lợi dụng các cơ chế hướng dẫn về giá để tạo ra chênh lệch giá.
  • Lợi dụng liên doanh, liên kết để huy động các nguồn vốn, tận dụng các thế mạnh từ các đối tác, tận dụng pháp nhân từ bên thứ ba sau đó thông đồng tạo lợi ích để chia.
  • Biển thủ khi được giao quản lý
  • Thông đồng trong nghiệm thu từ đó trích thưởng, rút tài sản chia.
  • Lợi dụng quyền chi tiêu để chi tiêu sai nguyên tắc sau đó chia.
   Ngoài ra trong từng ngành và lĩnh vực thì còn có các thủ đoạn khác tinh vi hơn có sự bàn bạc nhất trí các bên, bàn bạc công khai thành chủ trương, đường lối nhất trí trước khi hành động. Việc che giấu hành vi thường diễn ra theo các cách:
  • Ưu tiên mua suất nhà đất thuộc dự án với giá ảo.
  • Chia đất nhà cho chủ thể được chỉ định.
  • Quà biếu nhận dịp sinh nhật, ma chay, hiếu hỉ…
  • Đồ vật tài sản có giá trị như: Thẻ golf, ô tô, nội thất, đóng quỹ hỗ trợ, trang sức quý.
  • Trả nợ, trúng thưởng, du lịch, cổ phần, chữa bệnh, phiếu mua sắm
1.2.2. Các vấn đề bị can, bị cáo sẽ phải làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án
  • Các lý lẽ, trình bày, thanh minh của các bị can bị cáo.
  • Các sự vụ đã có chứng từ sai chắc chắn phải được làm rõ
  • Giải thích nguồn gốc các hóa đơn, chứng từ tài sản bất minh.
  • Làm rõ các hành vi , động cơ mục đích của các mối quan hệ, liên kết liên quan đến các bên thứ 3.
  • Làm rõ gia cảnh tài sản của gia đình, người thân bị can, bị cáo.
  • Làm rõ nơi chứa chấp tài sản bất minh.
  • Làm rõ sự mâu thuẫn với các bị can bị cáo khác.
1.2.3. Xác định đặc điểm của nguyên nhân
-   Thường bắt nguồn từ sự không đồng bộ,  chồng chéo, thiếu sót, lạc hậu của các quy định pháp luật liên quan đến ngành lĩnh vực mà các chủ thể phạm tội phụ trách. -  Quá trình quản lý, điều hành thực thi công việc có sự buông lỏng quản lý, giám sát, kiểm tra. -  Trình độ nhận thức, bản lĩnh trước các cám dỗ lợi ích, cám dỗ quyền lực, năng lực tự đánh giá, ra quyết định hạn chế của chủ thể được giao chức vụ quyền hạn. -  Chủ thể phạm tội: Là những cá nhân có trình độ nhận thức cao, có cương vị trách nhiệm quyền hạn trong quản lý tiền bạc, tài sản, thông thạo về chế độ, nguyên tắc quản lý. [caption id="attachment_193130" align="aligncenter" width="535"] LUẬT SƯ RIÊNG CỦA CÔNG VIÊN CHỨC TRONG VỤ ÁN THAM NHŨNG[/caption]

II- QUÁ TRÌNH BÀO CHỮA THÔNG THƯỜNG CỦA LUẬT SƯ (CÔNG TY LUẬT TNHH TOÀN QUỐC) 

2.1. Nghiên cứu hồ sơ

     Nắm được khó khăn là cơ quan điều tra thường hạn chế sự tham gia ngay từ đầu của luật sư bởi họ coi những vụ án này là trọng điểm sự tiếp xúc hồ sơ của luật sư có thể gây khó khăn cho quá trình khai báo của bị can bị cáo. Do vậy phải lên kế hoạch chi tiết, nắm chắc lộ trình sau:
Lập tiểu hồ sơ riêng cho vụ án, sau đó:
  • Gặp thân chủ động viên, ổn định tinh thần, hướng dẫn tư vấn cho họ về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Đảm bảo cho họ được bảo vệ tốt nhất về quyền con người theo quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt tư vấn cho họ về những điểm mới của tố tụng hình sự 2015 (quyền được bảo vệ, bào chữa, quyền im lặng, nguyên tắc suy đoán vô tội….)
  • Giúp đỡ họ giải quyết một số khó khăn cá nhân phù hợp với quy định pháp luật. Như yêu cầu được chăm sóc sức khỏe, trình bày về tiền sử, tình trạng khám chữa bệnh….
  • Thu thập tài liệu về pháp nhân, về tổ chức từ các cơ quan chủ quản, đối với doanh nghiệp thì thu thập từ Sở KHĐT, Thuế, TNMT.. sở ban ngành có liên quan.
  • Thu thập các Văn bản quản trị nội bộ từ hệ thống kế toán và văn thư lưu trữ, các phòng ban khác của tổ chức, pháp nhân. Đặc biệt là những văn bản ủy quyền, phân vai, phân việc.
  • Thu thập các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực mà bị can quản lý, chịu trách nhiệm từ nguồn chính thống, trên mạng, cơ quan ban hành…
  • Các chứng cứ, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc tham nhũng;
  • Các tài liệu về nhân thân, thành tích cá nhân của thân chủ..
     Các tài liệu này chỉ là nguồn chứng cứ chưa được thẩm tra, nên việc sử dụng thế nào  để nó thành chứng cứ có giá trị thì phải tùy vào từng giai đoạn tố tụng để:  đề nghị thẩm tra xác minh, đề nghị đối chất, giám định…vv. Phải là chứng cứ thật mới có giá trị sử dụng. Có tài liệu sử dụng ngay, có tài liệu phải cất giữ sử dụng sau.

2.2. Sau khi có kết luận điều tra

  • Phải xem xét thật kỹ, toàn diện về về mặt tố tụng ở những nội dung sau:
    • Bối cảnh xảy ra vụ án.
    • Các biên bản lời khai có sự tham dự của luật sư không, có chữ ký không, được lấy vào lúc nào, có quay phim chụp ảnh ghi âm quá trình lấy lời khai không..
    • Các chứng cứ khác được thu thập có hợp pháp không
    • Lời khai của người đưa hối lộ mà không được người nhận hối lộ xác nhận thì kết luận như thế nào.
    • Các biên bản đối chất có luật sư tham gia không.
    • Biên bản đối chất mâu thuẫn thì giá trị như thế nào.
    • Các giấy tờ về hành chính, dân sự (vay ,tạm ứng, biên nhận), được thu thập và lý giải như thế nào.
    • Hệ thống kế toán, chứng từ kế toán chưa hợp pháp giá trị thế nào..
    • Lời khai của người làm chứng mà không có các chứng cứ khác thì như thế nào.
    • Mệnh lệnh cấp trên cho thi hành nhưng lại không có văn bản giấy tờ thì giá trị chứng minh như thế nào.
     Phải kiến nghị làm rõ ngay những chứng cứ bất lợi cho thân chủ, khiếu nại ngay cơ quan tiến hành tố tụng nếu có những chúng cứ được tạo lập nhiều sai sót, để đảm bảo quyền của thân chủ đối với các chứng cứ buộc tội.

2.3. Xây dựng bản luận cứ bào chữa

     Bài bào chữa sẽ xây dựng theo từng vụ án cụ thể tuy nhiên Luật sư Công ty Luật Toàn Quốc sẽ lưu ý. - Phải định hướng được phương án bào chữa trước khi ra tòa. Bài bào chữa phải xuyên suốt, bám sát vào định hướng đó để nhấn mạnh và mang tính thuyết phục. - Phải độc lập, trung thành đến cùng đối với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật. Điều này phải hiểu là không phủ định nghĩa vụ luật sư đối với pháp luật, với xã hội. Muốn như vậy phải tôn trọng tuyệt đối sự thật khách quan, lấy sự thật khách quan chứ không phải sứ mệnh chính trị nào  làm thước đo cho sự độc lập và tính trung thành. - Phải phân định rõ hành vi của thân chủ với các bị cáo khác, phân định rõ giới hạn trách nhiệm hình sự của thân chủ với các bị cáo khác. Nhưng tránh lao vào câu chuyện đổ tội cho người mà luật sư không bào chữa. - Không sử dụng phương pháp nước đôi. Vừa bào chữa theo hướng không phạm tội, nếu không được thì xin giảm nhẹ. Nếu chứng cứ là chưa đủ căn cứ buộc tội thì cần quyết liệt đề nghị không phạm tội. - Không sử dụng phương pháp thừa như: Đòi hỏi thêm quyền lợi quá đáng, trì hoãn phiên tòa không chính đáng, thúc đẩy việc khiếu nại tố cáo không có căn cứ, dùng chứng cứ giả, giải thích pháp luật sai lệch, tư vấn cho bị can các hành vi bất hợp pháp.      Trên đây là tư vấn mang tính tham khảo của luật sư thuộc Công ty luật Toàn Quốc, liên quan đến việc bào chữa cho các thân chủ vi phạm vào nhóm tội tham nhũng (điển hình là tội Tham Ô). Vào từng vụ án cụ thể Luật sư công ty Luật Toàn Quốc sẽ sáng tạo, chi tiết để tìm ra những phương pháp đúng. Phương pháp đúng thì người bình thường cũng làm được, phương pháp sai thì người tài cũng hỏng. Hi vọng chúng tôi giúp ích được một chút cho bạn đọc.      Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư, Giám đốc

Vũ Mạnh Hùng Một số bài viết tham khảo:

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178