Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
09:32 25/11/2023
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác..thế nào là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
- Pháp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC
Câu hỏi của bạn:
Thưa luật sư!
Mẹ tôi sinh năm 1961 chuyên làm nghề kinh doanh mua bán. Thường ngày không có mâu thuẫn gì với ai.
Vào ngày 4/9/2015 bà Thu sinh năm 1974 tới nhà tôi hành hung mẹ tôi và kiếm kế chửi mẹ tôi, nói mẹ tôi trai gái, xúc phạm danh dự nhân phẩm và làm mất hạnh phúc gia đình tôi. Lúc này, tôi đang sinh em bé mới có được 2 tháng tuổi, bà lao vào phòng tôi hành hung mẹ tôi, trong lúc giằng co bà thu đánh trúng tôi 1 cây vào tay, thấy vết thương cũng nhẹ nên tôi bỏ qua.
2 ngày sau khi hành hung mẹ tôi xong thì ba tôi nhận được thư nặc danh (nội dung ghi mẹ tôi trai gái) rải khắp cái xóm nơi nhà tôi sinh sống. Tôi làm đơn gửi công an xã điều tra nét chữ viết trên nhưng công an xã không điều tra cũng không trả lời lại đơn thư của tôi.
Rồi đến 27/8/2016 mẹ tôi đến nhà cậu ăn giỗ, nơi đây có gặp bà Thu, 2 người có lời qua tiếng lại. Trên đường đi ăn giỗ về mẹ tôi đang tham gia giao thông bị bà Thu dùng hung khí (khúc cây cứng dài 1m) đánh 3 cây vào lưng, mẹ tôi ngã xuống xe bà tiếp tục đánh vào mặt mẹ tôi, vì tuổi già sức yếu không chống trả được bà ngất xỉu và được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Kết quả của bệnh viện nói mẹ tôi bị đa chấn thương phần mềm.
Từ khi xảy ra sự việc gia đình tôi trình báo cơ quan công an, nhưng cơ quan công an không cho mẹ tôi đi giám định thương tích cũng không giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài gần 1 năm, tôi trình đơn lên công an huyện thì mới được giải quyết, nhưng không thỏa đáng
Ban đầu thì điều tra viên cho mẹ tôi đi giám định nhưng sau đó nói là không nên đi vì vết thương nhẹ, bảo mẹ tôi ký vào biên bản đền bù cơm thuốc để chuyển qua tòa án xét xử.
Tôi băn khoăn liệu khi qua tòa án xét xử rồi bà Thu có chịu thi hành án không, nếu bà Thu không chịu thi hành án thì tôi phải làm gì?
Hành vi của bà Thu là cố ý đánh người gây thương tích, dùng hung khí để đánh người, tại sao không cho mẹ tôi giám định thương tích để kết hợp xử án hình sự và dân sự để răn đe bà Thu tái phạm.
Dùng thư nặc danh để làm nhục, bôi bác danh dự của người khác cũng là vi phạm pháp luật tại sao cơ quan công an không làm việc để dẫn đến sự việc đánh người, sao cơ quan điều tra thờ ơ với những hành vi sai trái của bà Thu? Mong luật sư tư vấn giúp tôi lấy lại danh dự cho mẹ tôi,
Xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Trường hợp câu hỏi của bạn về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009
- Nghị quyết 02/2003/NQ- HĐTP của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự.
- Nghị quyết 01/2006/NQ- HĐTP của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự.
Nội dung tư vấn:
Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp và yêu cầu tư vấn chúng tôi xin giải đáp các thắc mắc cụ thể trong trường hợp của bạn như sau:
1. Cấu thành tội phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
1.1. Nội dung tội phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
Trước khi giải đáp rõ ràng trường hợp của bạn chúng tôi phân tích về cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà bạn cho rằng bà Thu đã vi phạm. Cụ thể:
Nội dung điều luật được quy định tại điều 104, bộ luật hình sự:
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
- Điểm a, khoản 1 điều 104 quy định dùng “hung khí nguy hiểm” là sử dụng vũ khí, phương tiện được giải thích cụ thể tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP
“2. Về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự
2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”
- Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân tại điểm b, khoản 1, điều 104 được giải thích cụ thể tại bởi điều 1 phần 1 nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP như sau:
“1. Về tình tiết "gây cố tật nhẹ cho nạn nhân" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
"Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân" là hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân để lại trạng thái bất thường, không thể chữa được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% khi thuộc một trong các trường hợp: làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân.
Có thể lấy một số trường hợp sau đây trong Bản quy định tiêu chuẩn thương tật (ban hành kèm theo Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội "quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới") để làm ví dụ:
a. Về trường hợp làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân
Ví dụ: gây thương tích làm mất đốt ngoài (đốt 2) của ngón tay cái hoặc làm mất hai đốt ngoài (2+3) của ngón tay trỏ có tỷ lệ thương tật từ 8% đến 10% (các điểm a và b mục 5, phần IV, Chương I);
b. Về trường hợp làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân
Ví dụ: gây thương tích làm cứng khớp các khớp liên đốt ngón tay giữa (III) ở tư thế bất lợi có tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9% (điểm c mục 5, phần IV, Chương I);
c. Về trường hợp làm giảm chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân
Ví dụ: gây thương tích làm một mắt giảm thì lực từ 4/10 đến 5/10, mắt kia bình thường có tỷ lệ thương tật từ 8% đến 10% (mục 7, phần II, Chương VIII);
d. Về trường hợp làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân
Ví dụ: gây thương tích để lại sẹo to, xấu ở vùng trán, thái dương có tỷ lệ thương tật từ 6% đến 10% (điểm b, mục 1, phần I, Chương IV).”
1.2. Phân tích cấu thành tội phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác
- Khách thể của tội cố ý gây thương tích
Khách thể tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ, bị kẻ phạm tội xâm phạm.
- Mặt khách quan của tội cố ý gây thương tích
Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác trái pháp luật có thể được hiểu là bất kỳ hành vi nào của người phạm tội mà hành vi đó gây hậu quả thương tích, thương tật cho người bị hại trong các trường hợp luật định. Cụ thể:
- Trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nếu thuộc ít nhất một trong các trường hợp:
+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người (VD dùng dao nhọn)
+ Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân để lại trạng thái thất thường, không thể chữa trị được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% khi thuộc một trong các trường hợp: làm mất bộ phận cơ thể của nạn nhân, làm mất chức năng bộ phận cơ thể của nạn nhân, làm ảnh hưởng đến thẩm mĩ của nạn nhân…
+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng 1 người hoặc đối với nhiều người
- Hậu quả gây thương hoặc tổn hại sức khỏe của người khác ở mức mà điều luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
- Chủ thể của tội phạm
Là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) [caption id="attachment_38001" align="aligncenter" width="219"] Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác[/caption]
2. Tư vấn trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo thông tin bạn cung cấp
Thứ nhất, “băn khoăn” của bạn về việc liệu khi có quyết định của tòa thì bà Thu có chấp hành hay không?. Theo quy định của pháp luật quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án là quyết định mà các bên bắt buộc phải thi hành. Nếu như không thực hiện theo quyết định, bản án đó thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo luật. Cho nên, bà Thu nếu như bị tòa ra quyết định xử phạt thì chắc chắn sẽ phải thực hiện theo quyết định xử phạt của tòa đã có hiệu lực thi hành. Nếu bạn có căn cứ để chứng tỏ bà Thu không thực hiện quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án mà chưa bị đơn vị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thi hành thì bạn có thể gửi đơn trình báo lên cho cơ quan thi hành án hoặc tòa án về hành vi đó.
Thứ hai, hành vi của bà Thu có bị xử lý vi phạm hình sự hay không thì phải có sự điều tra của cơ quan điều tra tiến hành theo quy định pháp luật. Và theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành (điều 105), mẹ bạn phải có đơn trình báo lên cơ quan công an điều tra thì mới có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Thu. Đồng thời, qua điều tra xác minh, cơ quan điều tra phải có căn cứ rõ ràng chứng minh hành vi trên của bà Thu đã cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo quy định của luật thì mới có điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của bà Thu được. Mặt khác, để truy tố, xét xử hình sự về hành vi của bà Thu thì cần phải tiến hành theo quy định của luật; đúng trình tự, đủ điều kiện khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; điều tra có đủ chứng cứ chứng minh tội phạm… thì mới xử lý hình sự được.
Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn đã ký “biên bản đền bù cơm thuốc”, đây cũng có thể giống như biên bản thỏa thuận đồng ý của mẹ bạn đối với bà Thu để hòa giải câu chuyện phát sinh giữa hai bên, có thể là căn cứ để cơ quan công an cho rằng mẹ bạn rút yêu cầu khởi tố bà Thu. Chỉ giải quyết theo trình tự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong dân sự; mà trong trường hợp này các bên có thể tự thỏa thuận với nhau mà không cần yêu cầu tòa phân xử => Dẫn đến việc cán bộ điều tra khuyên mẹ bạn không nên yêu cầu giám định. Tuy nhiên, nếu như muốn giám định trong vụ án hình sự thì gia đình bạn cũng cần phải có yêu cầu với bên điều tra, chứng tỏ vết thương mà cán bộ điều tra thấy “nhẹ” thực ra không hề nhẹ, giám định thương tích có thể sẽ phải khởi tố vụ án hình sự.
Thứ ba, thông tin “dùng thư nặc danh để dẫn đến hành vi đánh người”: như chúng tôi đã tư vấn, xác thực trong trường hợp trên, bà Thu đã có hành vi cố ý gây thương tích, làm hại mẹ bạn, nhưng thư nặc danh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích hoặc nội dung thư đó có được làm chứng cứ trong vụ việc của mẹ bạn hay không (vụ án hình sự) thì cần phải có sự điều tra của cơ quan điều tra. Chứng cứ đó phải được điều tra, xác thực theo quy định pháp luật. Không thể tùy tiện kết luận một người là tội phạm chỉ qua suy đoán chủ quan mà không được chứng minh bằng những chứng cứ xác thực; và được xét xử, có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Cần lưu ý: đối với trường hợp người bị hại khi bị cố ý gây thương tích thì người bị hại cần phải nhanh chóng trình báo lên cơ quan điều tra, cơ quan công an có thẩm quyền để được giải quyết. Nếu để quá lâu mới trình báo thì rất khó để giám định thương tích, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Các hình phạt đối với người phạm tội trong bộ luật hình sự
Giảm thời hạn chấp hành hình phạt
Liên hệ Luật sư tư vấn về: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
- Tư vấn qua Tổng đài 19006500: Đây là hình thức tư vấn hiệu quả và nhanh nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết.
- Tư vấn qua Zalo: Tư vấn về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác qua số điện thoại zalo Luật Sư: 0931191033
- Tư vấn qua Email: Gửi câu hỏi về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác tới địa chỉ Email: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Liên kết ngoài tham khảo: