Thủ tục khiếu nại hành vi giữ lương người lao động hiện nay
09:26 25/07/2018
Khiếu nại hành vi giữ lương người lao động... Nguyên tắc trả lương...Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt hợp đồng...Thủ tục khiếu nại hành vi giữ lương...
- Thủ tục khiếu nại hành vi giữ lương người lao động hiện nay
- Khiếu nại hành vi giữ lương người lao động
- Pháp luật lao động
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Khiếu nại hành vi giữ lương người lao động
Câu hỏi của bạn:
Công ty giữ lại 50% lương không có văn bản xử lý vi phạm hợp đồng. Giờ kết thúc hợp đồng nói đơn phương chấm dứt hợp đồng. Và đuổi việc không trả lương. Em muốn hỏi làm thế nào để khiếu nại và lấy lại tiền lương công sức của mình. Em cảm ơn.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012
- Nghị định 24/2018/NĐ-CP giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực lao động
Nội dung tư vấn về khiếu nại hành vi giữ lương người lao động:
1. Nguyên tắc trả lương người lao động (NLĐ).
Điều 96 BLLĐ 2012 quy định về vấn đề trả lương như sau:
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, về cơ bản người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trong trường hợp chậm trả lương vì 1 số lí do đặc biệt, bất khả kháng thì phải có nghĩa vụ trả thêm cho NLĐ một khoản tiền bằng với lãi suất của ngân hàng nhà nước. [caption id="attachment_103424" align="aligncenter" width="400"] Khiếu nại hành vi giữ lương người lao động[/caption]
2. Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ vào khoản 2 điều 47 BLLĐ 2012 thì: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Như vậy, kết hợp với quy định liên quan đến nguyên tắc trả lương có thể thấy công ty không được phép giữ lương NLĐ khi đã chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ các khoản tài chính liên quan đến quyền lợi NLĐ mà một trong số đó là lương của NLĐ. Có thể mặc dù trong quá trình làm việc, NLĐ gây ra sai phạm làm thiệt hại tới công ty nhưng công ty cũng không thể lấy lí do đó để tự ý giữ lương NLĐ, nhất là trong trường hợp NLĐ đã nghỉ việc.
3. Thủ tục khiếu nại hành vi giữ lương người lao động.
Việc giữ lương NLĐ khi đã chấm dứt hợp đồng của NSDLĐ là hoàn toàn trái với quy định pháp luật. Vì vậy, để khiếu nại hành vi này, lấy lại được tiền lương mình đáng được hưởng, NLĐ có thể thực hiện thủ tục khiếu nại hành vi giữ lương người lao động được quy định tại nghị định 24/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết. Theo điều 15 nghị định, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần thứ nhất thuộc về chính NSDLĐ bạn đang làm việc. Trong trường hợp bạn vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết ấy, bạn có thể gửi khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động thương binh xã hội nơi công ty đặt trụ sở để giải quyết khiếu nại lần 2.
Thứ hai, về thời hiệu khiếu nại. Thời hiệu khiếu nại lần đầu với công ty là 180 ngày kể từ ngày bạn biết được hành vi bị giữ lương.
Thứ ba, về hình thức khiếu nại. Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức khiếu nại sau đây:
- Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn: đơn khiếu nại gồm các nội dung ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại.
- Khiếu nại bằng hình thức trực tiếp: người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại như trên và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.
Thứ tư, về thủ tục thực hiện khiếu nại.
- Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày biết được hành vi bị giữ lương, bạn gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp với những nội dung đã quy định ở trên đến công ty. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại điều 20 Nghị định 24/2018 không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, không quá 45 ngày đối với những trường hợp phức tạp.
- Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khiếu nại lần đầu không được giải quyết, người lao động có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Hoặc bạn có thể gửi khiếu nại lần hai đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại. Thời hạn giải quyết là 45 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với những trường hợp phức tạp là không quá 60 ngày.
- Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khiếu nại lần hai không được giải quyết trong thời hạn quy định thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết sau:
- Trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án lao động theo quy định của pháp luật
- Thủ tục khiếu nại lao động theo pháp luật hiện hành như thế nào?
Để được tư vấn về thủ tục khiếu nại hành vi giữ lương người lao động hiện nay quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật bảo hiểm 24/7: 1900 6178 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.