Luật lao động và các quy định chung về hợp đồng lao động
08:59 20/09/2019
Khái niệm Luật lao động và các quy định chung về hợp đồng lao động :Luật lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp...
- Luật lao động và các quy định chung về hợp đồng lao động
- quy định chung về hợp đồng lao động
- Pháp luật lao động
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
LUẬT LAO ĐỘNG VÀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Câu hỏi của bạn:
Khái niệm luật lao động, và các quy định chung về hợp đồng lao động ví dụ như : nội dung, đặc điểm và các loại hợp đồng lao động?
Câu trả lời của luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Phòng tư vấn pháp luật qua Email – Luật Toàn Quốc với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012.
- Nghị định 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật lao động 2012
Nội dung tư vấn :
-
Khái niệm Luật lao động
Luật lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Luật lao động là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động, hình thành trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
-
Các quy định chung về Hợp đồng lao động
Trước hết cần hiểu được hợp đồng lao động là gì? Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động 2012
Theo quy định tại điều 15 Bộ luật lao động 2012:
Điều 15. Hợp đồng lao động Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
a) Quy định chung về hợp đồng lao động trong vấn đề nội dung của hợp đồng lao động.
Bộ luật lao động 2012 tại Điều 23 – Khoản 1 đã có quy định về nội dung của hợp đồng lao động như sau:
"1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.”
Đây là những nội dung chủ yếu cần phải có trong một bản hợp đồng lao động thông thường, nếu thiếu đi một trong số các nội dung trên đây sẽ dẫn đến hợp đồng lao động không có hiệu lực, hay không đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Tiếp đó, tại Khoản 2 điều này, bộ luật lao động 2012 cũng có quy định thêm về nội dung đảm bảo bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong trường hợp người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến các bí mật này theo quy định của pháp luật đó là “người lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.”
Hay như trong trường hợp người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì pháp luật cũng cho phép “hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hường của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết” tùy theo loại công việc của hợp đồng lao động. Bởi đây là những công việc thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn – những điều có thể xảy đến bất ngờ trong quá trình lao động dù không ai mong muốn.
Ngoài ra riêng đối với trường hợp người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước thì Khoản 4 điều này cũng đã quy định là nội dung của hợp đồng lao động ở trường hợp này sẽ “do Chính phủ quy định”
b) Quy định chung về hợp đồng lao động trong vấn đề đặc điểm của hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động cũng là một loại hợp đồng nên có có đầy đủ đặc điểm cơ bản của hợp đồng, đó là:
- Hợp đồng là sự thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa các chủ thể (cá nhân, tổ chức) tham gia giao kết.
- Sự thỏa thuận của các bên là căn cứ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ hợp đồng.
- Các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chủ yếu gắn liền với lợi ích vật chất của các bên
Ngoài ra hợp đồng lao động còn có những đặc trưng như sau:
- Hợp đồng lao động có sự phụ thuộc pháp lý của Người lao động với Người sử dụng lao động:
Đây là đặc trưng được coi là tiêu biểu nhất của hợp đồng lao động mà các hệ thống pháp luật khác nhau nên thừa nhận. Khi tham gia quan hệ hợp đồng lao động, mỗi người lao động thực hiện các nghĩa vụ có tính cá nhân, đơn lẻ nhưng lao động ở đây là lao động mang tính xã hội hóa, vì thế hiệu quả cuối cùng lại phụ thuộc vào sự phối hợp của cả tập thể, của tất cả các quan hệ lao động. Vì vậy, cần thiết phải có sự thống nhất, liên kết, điều phối bằng các yêu cầu, đòi hỏi, rằng buộc, mệnh lệnh… của chủ sở hữu doanh nghiệp.
- Đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm có trả công:
Mặc dù hợp đồng lao động là một loại quan hệ mua bán đặc biệt. Một trong những khía cạnh đặc biệt của quan hệ này thể hiện ở chỗ hàng hóa mang trao đổi – sức lao động, luôn tồn tại gắn liền với cơ thể người lao động. Do đó, khi người sử dụng lao động mua hàng hóa sức lao động thì cái mà họ được “sở hữu” đó là một quá trình lao động biểu thị thông qua thời gian làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thái độ, ý thức…. của người lao động và để thực hiện được những yêu cầu nói trên, người lao động phải cung ứng sức lao động từ thể lực và trí lực của chính mình biểu thị qua những thời gian đã được xác định (ngày làm việc, tuần làm việc…). Như vậy, lao động được mua bán trên thị trường không phải là lao động trừu tượng mà là lao động cụ thể, lao động thể hiện thành việc làm
- Hợp đồng lao động do đích danh người lao động thực hiện:
Đặc trưng này xuất phát từ bản chất của quan hệ hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động thường được thực hiện trong môi trường xã hội hóa, có tính chuyên môn hóa và hợp tác hóa rất cao, vì vậy, khi người sử dụng lao động thuê mướn người lao động, người ta không chỉ quan tâm tới đạo đức, ý thức, phẩm chất … tức nhân thân của người lao động. Do đó, người lao động phải trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, không được chuyển dịch vụ cho người thứ ba.
- Trong hợp đồng lao động có sự thỏa thuận của các bên thường bị khống chế bới những giới hạn pháp lý nhất định
Đặc trưng này của hợp đồng lao động xuất phát từ nhu cầu cần bảo vệ, duy trì và phát triển sức lao động trong điều kiện nền kinh tế thị trường không chỉ với tư cách là các quyền cơ bản của công dân mà còn có ý nghĩa xã hội đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mặt khác, hợp đồng lao động có quan hệ tới nhân cách của người lao động, do đó quá trình thỏa thuận, thực hiện hợp đồng lao động không thể tách rời với việc bảo vệ và tôn trọng của nhân cách người lao động.
- Hợp đồng lao động được thực hiện liên tục trong thời gian nhất định hay vô định:
Thời hạn của hợp đồng có thể được xác định rõ từ ngày có hiệu lực tới một thời điểm nào đó, xem cũng có thể không xác định trước thời hạn kết thúc. Ở đây, các bên – đặc biệt là người lao động không có quyền lựa chọn hay làm việc theo ý chí chủ quan của mình mà công việc phải được thi hành tuần tự theo thời gian đã được người sử dụng lao động xác định ( ngày làm việc, tuần làm việc).
c) Quy định chung về hợp đồng lao động trong vấn đề các loại hợp đồng lao động.
Điều 22 Bộ luật lao động 2012 đã chia hợp đồng lao động thành 3 loại là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng và quy định chi tiết về các loại hợp đồng lao động này như sau:
"1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”
Việc quy định rất rõ ràng về 3 loại hợp đồng lao động giúp người lao động hay người sử dụng lao động hiểu rõ và chọn lựa được loại hình hợp đồng lao động khi ký kết sao cho phù hợp với điều kiện lao động hay nhu cầu sử dụng lao động của mình nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tối đa.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
Các loại hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật
Ký lại hợp đồng lao động thì có được thay đổi loại hình lao động
Luật Toàn Quốc hy vọng những gì chúng tôi tư vấn nêu trên sẽ giúp quý khách hàng lựa chọn được phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề của mình, còn bất cứ vướng mắc gì quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật Lao Động miễn phí 24/7: 19006500 để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc gửi email: [email protected]. Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ và ý kiến đóng góp của mọi người dân trên cả nước để chúng tôi ngày càng trở lên chuyên nghiệp hơn.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách!
Trân trọng./.
Liên kết tham khảo:
- Tải bộ luật lao động 2016 và hướng dẫn áp dụng
- Tải luật bảo hiểm xã hội mới nhất 2017 và hướng dẫn áp dụng
- Tải bộ luật bảo hiểm y tế mới nhất và hướng dẫn áp dụng
- Tải luật bảo hiểm thất nghiệp 2016 và hướng dẫn áp dụng
- Tư vấn bảo hiểm xã hội
- Tư vấn luật lao động luật sư tư vấn miễn phí gọi 1900 6178
- Tư vấn pháp luật lao động