Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho NLĐ như thế nào
10:59 30/03/2019
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho NLĐ như thế nào
- Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm
- Pháp luật lao động
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm
Câu hỏi về giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm:
Xin chào luật sư!
Em mong muốn được luật sư tư vấn cho em về cách tính trợ cấp mất việc làm như sau:
Trong ty em có chị A: Công tác tại Công ty Lương thực H từ năm 1988 đến năm 2007 do công ty sáp nhập sắp xếp lại cơ cấu (thời gian công tác này chị A chưa thanh toán tiền chế độ trợ cấp). Do vậy năm 2007 chị A xin chuyển công tác về Công ty Lương thực S. Đến nay Công ty Lương thực S thay đổi lại cơ cấu tổ chức, bố trí sắp xếp lao động không bố trí được việc làm cho chị A, vậy chi A thuộc diện lao động dôi dư. Vậy nay tính chế độ trợ cấp mất việc làm như thế nào ạ?
Như vậy khi tính chế độ trợ cấp mất việc làm chị A có bị trừ thời gian công tác tại công ty lương thực H không ạ. Hay được tính trợ cấp toàn thời gian công tác từ năm 1988 đến nay.
Em trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời về giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm
1. Cơ sở pháp lý về giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm
- Bộ luật Lao động 2012
- Nghị định 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật lao động 2012
- Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động
2. Nội dung tư vấn về giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm
Theo yêu cầu tư vấn của bạn, bạn cần chúng tôi hỗ trợ về cách giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Cụ thể ở đây bạn muốn biết, quãng thời gian người lao động làm việc ở doanh nghiệp khác mà chưa được chi trả trợ cấp mất việc thì có được tính vào khoảng thời gian làm việc để được tính trợ cấp mất việc ở công ty hiện tại hay không. Đối với trường hợp trên, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
2.1. Điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm
Điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm được quy định tại khoản 1 điều 44 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
"1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này."
Việc thay đổi cơ cấu công nghệ được hướng dẫn tại khoản 1 điều 13 nghị định 05/2015:
"1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động."
Do đó áp dụng vào trường hợp của công ty bạn, công ty S do có nhu cầu thay đổi lại cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại lao động của doanh nghiệp, nay dư lại một số người lao động mà dù cố gắng công ty cũng không thể sắp xếp công việc cho chị A. Vì thế công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho chị A theo quy định tại điều 49 Bộ luật lao động. [caption id="attachment_154068" align="aligncenter" width="350"] Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm[/caption]
2.2. Cách tính trợ cấp mất việc làm
Điều 49 Bộ luật lao động có quy định điều kiện và cách tính trợ cấp mất việc làm như sau:
"1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm."
Theo đó đối với cách tính thời gian làm việc để công ty chi trả trợ cấp mất việc làm, điểm a khoản 3 điều 14 nghị định 05/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi nghị định 148/2018/NĐ-CP có hướng dẫn:
“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:
a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động. "
Căn cứ vào các quy định trên có thể thấy, thời gian để tính trợ cấp mất việc làm cho chị A là thời gian chị A đã làm việc thực tế cho công ty S, tức là khi tính trợ cấp mất việc làm, công ty bạn sẽ chỉ tính khoảng thời gian chị A bắt đầu chuyển công tác sang phía doanh nghiệp S mà thôi. Khoảng thời gian từ năm 1988 đến trước năm 2007 khi chị A còn làm việc cho công ty H sẽ không được tính là thời gian chị làm việc thực tế cho công ty của bạn để được tính trợ cấp mất việc làm.
Kết luận: Trợ cấp mất việc làm là 1 khoản bù đắp doanh nghiệp dành cho người lao động vì lí do thay đổi cơ cấu của công ty mà không thể tiếp tục sắp xếp công việc cho họ. Vì thế khi trả trợ cấp mất việc làm cho chị A, công ty sẽ chỉ chi trả dựa trên khoảng thời gian chị đã làm việc cho công ty S (từ năm 2007). Còn khoảng thời gian làm việc cho công ty H mà chị chưa được chi trả trợ cấp mất việc làm sẽ phải do công ty H chi trả, công ty S sẽ không có trách nhiệm gì ở đây.
Tham khảo thêm bài viết:
- Cách tính trợ cấp mất việc làm 2019 có gì thay đổi- Luật Toàn Quốc
- Tư vấn về trợ cấp mất việc làm 2019 mới nhất- Luật Toàn quốc
Để được tư vấn chi tiết về Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật lao động 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Ngọc Linh