VỢ ĐẦU ĐỘC CHỒNG BẰNG THUỐC TRỪ SÂU NHƯNG CHƯA CHẾT BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Câu hỏi của bạn:
Thưa luật sư, luật sư cho tôi hỏi hành vi đầu độc bằng thuốc trừ sâu nhưng được mọi người phát hiện và cho đi cấp cứu và chưa chết. Trường hợp này người vợ bị xử lý như thế nào ?
Câu trả lời của luật sư:
Chào bạn !. Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi qua email- Phòng tư vấn luật của công ty luật Toàn quốc. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn: Vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu nhưng chưa chết phạm tội gì?
Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định về tội giết người như sau:
Điều 93: Tội giết người
1.Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Trường hợp vợ đầu độc chồng nhưng chưa chết đã cấu thành tội giết người theo quy định điều 93 Bộ luật hình sự. Người phạm tội đã cố ý thực hiện các hành vi cần thiết để tước đoạt tính mạng của người khác. Hậu quả chết người chưa xảy ra là nằm ngoài ý chí của người phạm tội .
[caption id="attachment_45205" align="aligncenter" width="500"]
Vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu[/caption]
1. Cấu thành tội giết người
a) Khách thể của hành vi giết người
Khách thể của hành vi giết người là việc xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Cụ thể đó là quyền sống, quyền được bảo vệ tính mạng của con người.
b) Mặt khách quan của hành vi giết người
Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác nhằm chấm dứt sự sống của họ. Biểu hiện cụ thể: thể hiện dưới dạng hành động như : Bỏ thuốc độc, đâm, chém .. hoặc cũng có thể là không hành động: người mẹ không cho con bú...
c) Mặt chủ quan của hành vi giết người
Người phạm tội thực hiện hành vi giết người một cách cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Cố ý trực tiếp trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây hậu quả xấu cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện để mong muốn nạn nhân chết. Cố ý gián tiếp tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình người phạm tội đã để mặc cho hậu quả đó xảy ra, họ có ý thức chấp nhận hậu quả xảy ra.
=> Đối chiếu với hành vi vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu nhưng chưa chết thì người phạm tội đã cấu thành tội giết người tuy nhiên ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành. Tội giết người là tội có cấu thành vật chất. Chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi giết người thì hành vi đó đã cấu thành tội giết người. Ở đây hành vi vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu nhưng chưa chết thì hành vi giết người đã cấu hoàn thành trong cấu thành tội giết người nhưng chưa đạt về mặt hậu quả chết người xảy ra.
+ Về mặt hành vi khách quan: Người vợ đã có sự chuẩn bị công cụ gây ra việc giết chồng đó chính là thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu là loại thuốc có nhiều lân hữu cơ, dễ tan trong mỡ, độc tố cao chỉ cần một chút miligam là đã có thể gây ra chết người.
+ Về mặt chủ quan: Ở đây thì người vợ đã thực hiện đầu độc chồng với lỗi cố ý trực tiếp. Người vợ thấy trước được hậu quả xảy ra, mong muốn điều đó. Nhưng vì lý do khách quan ( người chồng được mọi người đưa đi cấp cứu ) nên hậu quả chết người chưa xảy ra.
Về mặt hậu quả: Việc người chồng ( nạn nhân) được cấp cứu và chưa chết thì hậu quả chết người chưa xảy ra. Hành vi vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu với mong muốn chồng chết đã chưa được hoàn thành.
d) Về hình phạt
- Người thực hiện hành vi giết người có hai khung hình phạt:
+ Khung cơ bản: phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi quy định ở khoản 1 điều 93.
+ Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm khi người phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 93.
+ Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Đối với hành vi vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu nhưng chưa chết cấu thành tội giết người nhưng chưa đạt thì Bộ luật hình sự quy định về quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội chưa đạt như sau:
Tại điều 52 của Bộ luật hình sự quy định quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
"1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định."
Do bạn không cung cấp rõ ràng cho chúng tôi biết cách thức mà người vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu được thực hiện như thế nào : bỏ thuốc độc vào thùng chứa nước trong nhà, trực tiếp tiêm thuốc vào người... Để xác định giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người hay không, hay vì động cơ đê hèn.. Cho nên tùy vào trường hợp căn cứ vào mục đích phạm tội; nguyên nhân dẫn đến phạm tội cũng như nhân thân của họ mà hành vi vợ đầu độc chồng bằng thuốc trừ sâu nhưng chưa chết mà xác định trách nhiệm hình sự đối với người vợ. Đối với trường hợp phạm tội giết người nhưng chưa đạt này, nếu Tòa án áp dụng mức hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vợ đầu độc chồng bằng thuốc sâu nhưng chưa chết phạm tội gì ? Nếu có bất cứ vướng mắc gì xin liên hệ cho chúng tôi qua tổng đài 24/7 Hình sự miễn phí 19006500 để được cung cấp dịch vụ và gặp trực tiếp luật sư. Hoặc gửi qua gmail [email protected]. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được ý kiến đóng góp của anh chị để chúng tôi ngày càng trở lên chuyên nghiệp hơn.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của anh; chị.
Trân trọng ./.
Liên kết ngoài tham khảo: