• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, Giai đoạn phạm tội chưa đạt của tội giết người

  • Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt theo quy định của BLHS 2015
  • Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt
  • Pháp luật hình sự
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt

Kiến thức của bạn:

     Xin chào Luật sư, do có mâu thuẫn với K từ trước, T định giết K. T cầm dao nhọn đâm 3 nhát liên tiếp vào ngực K để trả thù. Thấy K nằm im, tin rằng K đã chết, T bỏ đi. Được cấp cứu kịp thời, K không chết. Hỏi T có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hay không?

Kiến thức của Luật sư:

     Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Nội dung tư vấn: Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt

1. Phạm tội chưa đạt là gì?

Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về phạm tội chưa đạt như sau:  

Điều 15. Phạm tội chưa đạt

"Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt."

     Như vậy, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Chỉ có các tội được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp thì mới có phạm tội chưa đạt vì người phạm tôị có mục đích thực hiện tội phạm đến cùng, tức là họ mong muốn cho hậu quả xảy ra chứ không phải để mặc cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên vì những nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của người phạm tội nên tội phạm không được thực hiện đến cùng.

Có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt cụ thể như sau:

     - Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội bắt đầu thực hiện tội phạm, tức là người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Ví dụ: A thực hiện hành vi dùng vũ lực tấn công B nhằm chiếm đoạt tài sản – là hành vi được mô tả trong cấu thành tội cướp tài sản. Ngoài ra, cũng được coi là đã bắt đầu thực hiện tội phạm nếu người phạm tội đã thực hiện được hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Đó là những hành vi thể hiện sự bắt đầu của hành vi khách quan và kế tiếp ngay sau đó là hành vi khách quan xảy ra. Ví dụ: A nhặt dao để đâm B trong trường hợp phạm tội giết người. Những hành vi này chưa phải là hành vi khách quan, chưa phải là hành vi tước đoạt tính mạng người khác nhưng nó là sự bắt đầu của hành vi khách quan và ngay sau nó hành vi khách quan sẽ xảy ra. Những hành vi rất gần với hành vi khách quan, không tách ra được nên cũng được coi là hành vi thực hiện tội phạm.

     - Dấu hiệu thứ hai: Người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng (về mặt pháp lý), nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm. Những trường hợp hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm có thể xảy ra ở một trong những dạng dưới đây:

     + Chủ thể chưa thực hiện được hành vi khách quan mà mới chỉ thực hiện được”hành vi đi liền trước”.

     + Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm.

     + Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết.

     + Hậu quả thiệt hại tuy đã xảy ra nhưng không có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan mà chủ thể đã thực hiện.

     - Dấu hiệu thứ ba: Người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Ví dụ: nạn nhân đã chống lại được hoặc đã trách được, người khác đã ngăn chăn được. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm được thực hiện đến cùng.

     Tiếp theo, về phân loại, khoa học pháp lý chia phạm tội chưa đạt thành hai loại là: phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

     - Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó đã không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi). Ví dụ một người có ý định giết người khác, đã dùng súng bắn ba phát vào nạn nhân và tin là nạn nhân đã chết nên bỏ đi, nhưng sau đó nạn nhân được cứu chữa nên không chết. Ờ đây, người phạm tội đã hành động như ý muốn và tin là hậu quả sẽ xảy ra nhưng lại không xảy ra. Trường hợp này người phạm tội dừng lại mặc dù không còn gì ngăn cản nhưng cũng không được coi là tự nguyện nửa chửng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, vì người phạm tội đã thỏa mãn với hành vi nhưng chưa thỏa mãn về hậu quả.

     - Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành: là trường hợp người phạm tội vì nguyên nhân khách quan, chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả. chưa hoàn thành về hành vi). Ví dụ. một người có ý định dùng dao găm đâm nhiều nhát vào một người để tước đoạt tính mạng người đó, nhưng mới đâm được một nhát thì bị người khác giữ tay lại, không đâm tiếp được nữa và nạn nhân không chết, chỉ bị thương. Trường hợp này người phạm tội chưa đâm được như ý muốn, chùn tin vào hậu quả xảy ra và hậu quả cũng không xảy ra. [caption id="attachment_78911" align="aligncenter" width="490"]Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt[/caption]

2. Tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

Bộ luật hình sự quy định về tội giết người như sau:

Điều 123. Tội giết người

"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man r;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."  

     Tuy điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 không mô tả cụ thể thế nào được coi là hành vi giết người nhưng có thể định nghĩa giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.

     - Về khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm đến quyền sống của con người.

     - Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi đó có thể là hành động như bắn, đâm, chém,… hay không hành động như người mẹ không cho con bú (dẫn đến đứa bé bị chết),… Hậu quả của tội giết người là chết người – là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội giết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội có thể là tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt hoặc tội cố ý gây thương tích (tuỳ thuộc vào lỗi của người phạm tội). 

     - Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

     - Về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt

Dựa vào phân tích của chúng tôi ở trên, chúng tôi xin đưa ra giải đáp đối với tình huống của bạn như sau:

     Trong tình huống của bạn, T cầm dao nhọn đâm 3 nhát liên tiếp vào ngực K, thấy T nằm im và tin rằng K đã chết, T bỏ đi. Tuy nhiên do được cấp cứu kịp thời, K không chết. Có thể thấy, hành vi cầm dao nhọn đâm 3 nhát liên tiếp vào ngực K của T là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên hành vi đó chưa gây ra hậu quả của tội phạm là K chết, do đó hành vi của T chưa thoả mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan trong cấu thành tội phạm tội giết người. Nhưng việc K không chết do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của T. Điều này thể hiện ở việc T tin rằng K đã chết nên đã bỏ đi nhưng K không chết do được cấp cứu kịp thời. Do đó, hành vi của T đã thoả mãn các dấu hiệu để xác định đó là trường hợp phạm tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

     Theo quy định tại điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Vì vậy, T vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

     Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các bài viết sau:

     Để được tư vấn chi tiết về Tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hình sự 24/7: 19006500 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Hy vọng đây sẽ là kênh tư vấn hiệu quả nhất.

     Xin chân thành cảm ơn!

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178