Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc
18:15 15/03/2018
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc.1. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại điểm a khoản 1điều 2 Luật bảo h
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc
- Trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội
- Pháp luật lao động
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội
Câu hỏi của bạn:
Tôi làm công ty được 1 năm, đã hết hợp đồng, tôi không kí hợp đồng tiếp theo và xin nghỉ việc. Vậy nếu tôi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội thì mất bao lâu thời gian? Mức nhận bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn!
Kiến thức của luật sư:
Căn cứ pháp lý:
- Luật việc làm năm 2013
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm bắt buộc
- Nghị quyết số 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động
Nội dung tư vấn về trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc
1. Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Bạn là người lao động theo hợp đồng có thời hạn 01 năm, bởi vậy, bạn thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Vì thời gian tham gia bảo hiểm của bạn mới chỉ được tối đa 01 năm nên muốn hưởng bảo hiểm xã hội, bạn chỉ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Theo đó, người thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội, được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi có yêu cầu nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội
- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội
- Ra nước ngoài để định cư
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
Như vậy, bạn đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu sau 01 năm bạn nghỉ việc và bạn không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Sau một năm bạn nghỉ việc, nếu bạn có yêu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH. Theo đó:
- Nếu bạn có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm, mức hưởng được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
- Nếu bạn có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ một năm, từ năm 2014 trở đi, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Bạn có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
3. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại điều 49 Luật việc làm năm 2013, người lao động theo khoản 1 điều 43 Luật này đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
Thứ hai, Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
Thứ ba, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Thứ tư, Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Như vậy, bạn cần xem bạn đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng trở lên hay chưa, nếu chưa đủ thời gian trên thì bạn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn đã đủ điều kiện, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nghỉ việc bạn phải gửi hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm. Nếu quá 03 tháng, bạn cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
4. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Nếu hồ sơ của bạn nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm đủ điều kiện, ngày thứ 15 kể từ ngày bạn nộp hồ sơ, bạn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bạn đóng đủ 12 tháng bảo hiểm xã hội thì bạn sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Mức trợ cấp thất nghiệp là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số bài viết sau:
- Hưởng chế độ thai sản có cần tham gia bảo hiểm xã hội liên tục không?
- Mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là bao nhiêu?
Để được tư vấn vấn chi tiết về trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật bảo hiểm 24/7: 19006500 để được luật sư tư vấn về trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Hy vọng đây sẽ là kênh tư vấn hiệu quả nhất.
Xin chân thành cảm ơn./