Điều kiện và thủ tục lập di chúc theo quy định
10:16 14/09/2019
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Hình thức của di chúc: bằng miệng hoặc văn bản....
- Điều kiện và thủ tục lập di chúc theo quy định
- Điều kiện và thủ tục lập di chúc
- Pháp Luật Đất Đai
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Điều kiện và thủ tục lập di chúc
Câu hỏi của bạn về điều kiện và thủ tục lập di chúc:
Chào Luật sư, tôi muốn hỏi Luật sư một vấn đề như sau: Mẹ tôi có đất ở, diện tích: 80 m2 và đất vườn, diện tích: 253,6 m2. Mẹ tôi có 3 người con. Nay mẹ tôi dự định lập di chúc cho tôi thừa kế 2 khu đất nêu trên. Mẹ tôi hiện giờ vẫn mạnh khỏe và còn đủ sáng suốt để đến Văn phòng Công chứng lập di chúc. Như vậy, tôi xin hỏi điều kiện, thủ tục lập di chúc để mẹ tôi lập di chúc để lại 2 khu đất ở và khu đất vườn, có nhà trên đất là như thế nào theo quy định của pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư về điều kiện và thủ tục lập di chúc:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về điều kiện và thủ tục lập di chúc, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về điều kiện và thủ tục lập di chúc như sau:
1. Căn cứ pháp lý điều kiện và thủ tục lập di chúc
2. Nội dung tư vấn về điều kiện và thủ tục lập di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Hình thức của di chúc được xác định: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong trường hợp của bạn, nếu mẹ bạn vẫn khỏe mạnh và minh mẫn có thể đến văn phòng Công chứng để tiến hành thủ tục lập di chúc, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
2.1 Điều kiện về người lập di chúc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều kiện của người lập di chúc như sau:
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Như vậy, tại thời điểm lập di chúc nếu mẹ bạn minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì hoàn toàn được tự mình định đoạt khối tài sản theo ý chí và nguyện vọng của cá nhân. Ý chí này sẽ được ghi nhận một cách chính xác và đầy đủ trong nội dung của di chúc. Bên cạnh đó, pháp luật cũng ghi nhận quyền của người lập di chúc theo Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
2.2 Điều kiện một di chúc được coi là hợp pháp
Mặc dù di chúc là sự ghi nhận ý chí định đoạt của người để lại di sản thừa kế với khối tài sản của mình. Tuy nhiên, để một di chúc được coi là hợp pháp thì cần đáp ứng những điều kiện sau theo quy định tại điều 630 Bộ luật dân sự 2015:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2.3 Thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng
Theo Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015, việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:
Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.
Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng quy định những trường hợp không được công chứng, chứng thực di chúc, theo điều 637 Bộ luật dân sự năm 2015, công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
Trong trường hợp, mẹ bạn có lý do chính đáng không thể đến phòng/ văn phòng công chứng, mẹ bạn có thể yêu cầu công chứng lập di chúc tại chỗ ở theo Điều 639 Bộ luật dân sự 2015:
Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 636 của Bộ luật này.
Tóm lại, trong trường hợp của bạn, nếu mẹ bạn có mong muốn lập di chúc để định đoạt số tài sản của mình thì mẹ bạn có thể tới phòng/văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã/phường để lập di chúc bằng văn bản có công chứng theo đúng quy định của pháp luật.
Bài viết tham khảo:
- Có cần công chứng chực thực di chúc quyền sử dụng đất không?
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất là di sản thừa kế không có di chúc
Để được tư vấn chi tiết về điều kiện và thủ tục lập di chúc, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn đất đai 24/7 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./
Chuyên viên: Nguyễn Dung