• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm có được tiếp tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp không

  • Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm có bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
  • Đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm
  • Pháp luật lao động
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

Câu hỏi của bạn:

    Em đã tham gia bảo hiểm được 4 năm. Em đã hưởng 2 tháng bảo hiểm thất nghiệp giờ em muốn vào công ty làm hỏi như vậy em có nhận được 2 tháng thất nghiệp nữa không khi em vào làm việc tại công ty mới?

Câu trả lời của luật sư:

     Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm như sau:

Cơ sở pháp lý:

1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

      Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy tham gia bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bắt buộc đối với người lao động, nhằm hạn chế những rủi ro mất việc làm, không có việc làm.

      Chế độ bảo hiểm thất nghiệp là chế độ có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động khi mất đi thu nhập. Nhất là trong tình hình hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người lao động mất việt làm, khi đó bảo hiểm thất nghiệp chính là phần thu nhập người lao động sẽ được nhận để phục vụ cuộc sông sinh của mình và gia đình.  

       Nhiều người lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng thì tìm được việc làm mới nhưng họ không biết làm thế nào để giải quyết chế độ thất nghiệp mình đang hưởng cũng những tham gia đóng tiếp bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp. Vậy đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm có bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

2. Các trường hợp chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm năm 2013 quy định về các trường hợp chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
........
3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tìm được việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
d) Hưởng lương hưu hằng tháng;
đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
k) Chết;
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;

- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

3. Đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm thì làm thế nào?

     Khi đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm người lao động sẽ không được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì khi đó người lao động đã bắt đầu có thu nhập. 

3.1 Nghĩa vụ của người lao động khi đã có việc làm

     Bạn cần phải thực hiện nghĩa vụ thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày mà người lao động được xác định là có việc làm.

      Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó.

3.2 Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi có việc làm

      Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp đã có việc làm được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật việc làm 2013.
     Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

      Trường hợp của bạn khi làm việc tại một công ty mới nếu có ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày thiết lập quan hệ lao động mới thì được coi là đã tìm được việc làm. Theo đó, bạn sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không căn cứ bạn đã hưởng hết thời hạn trợ cấp thất nghiệp hay chưa. Do đó, bạn sẽ không được hưởng tiếp trợ cấp thất nghiệp nữa, mà thời hạn 2 tháng còn lại sẽ được bảo lưu cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo của bạn. 

4. Thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm

     Theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định 28/2015 quy định khi người lao động thuộc các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động  có nghĩa vụ thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

Điều 21. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

........

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các Điểm b, c, d, g và h Khoản 1 Điều này, người lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và kèm theo giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (bản chụp), trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện.

.......

 

Theo đó người lao động khi tìm được việc  làm cần chuẩn bị các giấy tờ sau để thông báo chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

  • Mẫu số 23-SHB thông báo có việc làm ban hành kèm theo Thông t­ư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Th­ương binh và Xã hội
  • Bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng,...

     Khi đó trung tâm dịch vụ việc làm nơi bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

5. Tình huống tham khảo:

      Chào Luật sư, anh trai tôi được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 4 tháng, anh hưởng được 02 tháng rồi sau đấy có việc làm. Anh tôi đã đi làm tại công ty khác nhưng không thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm về việc đã tìm được việc làm nên bên bảo hiểm thất nghiệp vẫn chuyển khoản tiền trợ cấp cho anh trai tôi đầy đủ. Luật sư cho tôi hỏi nếu bị phát hiện anh trai tôi có bị xử phạt vi phạm không? Nếu bị mức xử phạt là bao nhiêu?

      Việc người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc là là trường hợp chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có nghĩa vụ thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm về việc đã có việc làm. Trường hợp không thông báo đúng thời hạn hoặc không thông báo người lao đã vi phạm quy định pháp luật.

       Khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Câu hỏi thường gặp về đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm:

Câu hỏi 1: Thử việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định:

Người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

Như vậy, nếu giao kết hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên người lao động được coi là có việc làm và sẽ là căn cứ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu hỏi 2: Đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp có được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

 Khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH đã liệt kê cụ thể trường hợp có quyền tham gia BHXH tự nguyện gồm:

  • Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018;
  • Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;
  • Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
  • Người lao động giúp việc gia đình;
  • Người tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
  • Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
  • Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu;
  • Người tham gia khác.

      Theo đó, nếu người lao động thuộc một trong các trường hợp trên có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu, hơn nữa theo Điều 49 Luật việc làm về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

      Chính vì vậy, khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cũng có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để tích lũy thêm thời gian đóng ảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm:

Tư vấn qua Tổng đài 19006500: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp, hồ sơ, điều kiện, cách tính bảo hiểm thất nghiệp,… và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà có việc làm về địa chỉ: lienhe@luattoanquoc.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.      

Luật Toàn Quốc, xin cảm ơn./.

Chuyên viên: Minh Huyền

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178