Thủ tục tặng di sản thừa kế theo quy định pháp luật
17:26 09/09/2020
Theo bộ Luật dân sự 2015, pháp luật quy định về quyền được hưởng di sản, từ chối nhận di sản, các nghĩa vụ đối với di sản
- Thủ tục tặng di sản thừa kế theo quy định pháp luật
- Tặng di sản thừa kế
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
TẶNG DI SẢN THỪA KẾ
Câu hỏi của bạn về tặng di sản thừa kế
Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi như sau: Bố tôi mất năm 2010, không để lại di chúc, để lại cho mẹ, tôi, em trai một căn nhà 4 tầng và số tiền tiết là 400 triệu đồng. Hiện nay tôi chuẩn bị ra nước ngoài sinh sống, muốn để lại di sản cho em trai tôi. Tôi không biết có được quyền tặng di sản của mình cho em tôi không? Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư về tặng di sản thừa kế
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn về tặng di sản thừa kế, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về tặng di sản thừa kế như sau
1. Căn cứ pháp lý về tặng di sản thừa kế
2. Nội dung tư vấn về tặng di sản thừa kế
Di sản thừa kế là tài sản của cá nhân được hưởng theo quy định của pháp luật, tổ chức được hưởng theo di chúc. Để nhằm đảm bảo tối đa lợi ích về quyền được hưởng di sản thừa kế, Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về quyền được hưởng di sản, đối tượng được hưởng, quyền và trách nhiệm đối với di sản thừa kế.
2.1 Đối tượng được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật
Điều 613 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về những người thừa kế phải là:
Điều 613. Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Đối với trường hợp, người thừa kế di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm người để lại di sản thì người được nhận thừa kế là người thừa kế thế vị và được quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Trong trường hợp, việc chia di sản thừa kế là chia di sản theo pháp luật thì những người thừa kế theo pháp luật theo quy định sau đây sẽ là những người được hưởng phần di sản thừa kế từ người để lại di sản, cụ thể:
Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2.2. Các hình thức nhận thừa kế theo quy định pháp luật
2.2.1. Thừa kế theo di chúc
- Quyền của người lập di chúc
Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Theo như quy định của pháp luật hiện hành, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định di sản cho từng người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế... Đây là loại hình mang chủ yếu ý chí của người để lại di sản. Pháp luật quy định như trên nhằm đảm bảo tính sở hữu về phía tài sản của mình, người dân có quyền quản lý, tự định đoạt tài sản của mình, dựa trên các quy định của pháp luật và không trái với điều cấm.
- Hình thức của di chúc
Hiện nay, di chúc được pháp luật quy định được lập thành văn bản và di chúc miệng
- Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
- Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
- Nội dung có trong di chúc
Di chúc phải có nội dung chủ yếu như sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản.
Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
2.2.2. Thừa kế theo pháp luật
Trường hợp thừa kế theo pháp luật được Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể gồm có:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2.3 Quyền và trách nhiệm của người nhận tài sản thừa kế
Quyền từ chối nhận di sản, Điều 620 Bộ luật dân sự 2015
Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Theo như quy định của pháp luật hiện nay về thừa kế, cá nhân có quyền từ chối nhận di sản nếu không thuộc trường hợp nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Đồng thời, việc từ chối nhận di sản phải được thành lập thành văn bản, gửi đến những người có liên quan. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Theo đó, việc phân chia di sản sẽ được thực hiện như sau
Thứ tự ưu tiên thanh toán
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
- Chi phí cho việc bảo quản di sản.
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
- Tiền công lao động.
- Tiền bồi thường thiệt hại.
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
- Tiền phạt.
- Các chi phí khác.
Trước khi phân chia di sản, tổng giá trị tài sản của người để lại di sản sẽ được thanh toán các chi phí trên. Sau khi thanh toán xong, di sản sẽ được chia như sau.
Trường hợp phân chia di sản theo di chúc:
Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc
1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
Phân chia di sản theo pháp luật
Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật
1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Như vậy, khi đã thanh toán các chi phí đã liệt kê ở trên đồng thời việc bạn từ chối nhận di sản không nằm trong điều cấm của Luật thì bạn có quyền được tặng di sản. [caption id="attachment_202408" align="aligncenter" width="400"] Tặng di sản thừa kế[/caption]
2.4 Thủ tục tặng, cho di sản
Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản:
Căn cứ Điều 57 Luật công chứng 2014
Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản."
KẾT LUẬN: Bạn có thể tặng di sản của mình cho người khác, việc này được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, bạn cần xem xét kĩ các quy định của pháp luật về việc nhận di sản thừa kế, tặng, cho, từ chối di sản thừa kế.
Bài viết tham khảo:
- Phân chia di sản thừa kế cho người mất tích theo quy định pháp luật 2020
- Quy định về phân chia di sản là đất đai theo pháp luật
Để được tư vấn chi tiết về tặng di sản thừa kế, quý khách vui lòng liên hệ tới để được luật sư tư vấn Tổng đài tư vấn pháp luật 24/7: 19006500 hoặc Gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected] Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Việt Anh