Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là gì?
15:21 03/02/2021
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là căn cứ pháp lý để chủ sở hữu NHCN tiến hành các hoạt động cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận...
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là gì?
- quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
- Pháp luật sở hữu trí tuệ
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH về luật sở hữu trí tuệ năm 2019
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 103/2006/NĐ-CP
1. Nhãn hiệu chứng nhận và sự cần thiết xây dựng Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Quy chế sử dụng NHCN là căn cứ pháp lý để chủ sở hữu NHCN tiến hành các hoạt động cấp và thu hồi quyền sử dụng NHCN cũng như quản lý việc sử dụng NHCN. Đồng thời, Quy chế sử dụng NHCN cũng là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ đăng ký bảo hộ NHCN.
2. Thẩm quyền ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Quy chế sử dụng NHCN do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận xây dựng và ban hành. Chủ sở hữu NHCN là người đứng tên trong văn bằng bảo hộ NHCN, phải có chức năng, điều kiện kiểm soát, xác định các tiêu chí chứng nhận cho hàng hoá/dịch vụ. Tổ chức chứng nhận phải đảm bảo không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hoá/dịch vụ mang NHCN và có đủ khả năng huy động nguồn nhân lực và các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết để tiến hành đánh giá chất lượng hàng hoá/dịch vụ mang NHCN.
Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có thể là:
- Các cơ quan quản lý nhà nước: thường là chủ sở hữu NHCN liên quan đến địa danh
- Tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện, chức năng chứng nhận
3. Nội dung của quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Theo khoản 5 điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về nội dung quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như sau:
Điều 105. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu
5. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
b) Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
c) Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
d) Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
đ) Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Như vậy, Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Các thông tin vắn tắt về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Các điều kiện để được người đăng ký nhãn hiệu cấp phép sử dụng nhãn hiệu và các điều kiện chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu;
- Nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…);
- Quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu …);
- Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Cơ chế giải quyết tranh chấp.
Dưới đây, chúng tôi xin đề cập chi tiết hơn một số nội dung trong quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như sau:
3.1. Xác định điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
- Có đơn xin cấp giấy chứng nhận sử dụng NHCN;
- Cam kết tuân thủ các quy định về nội dung chứng nhận;
- Cam kết tuân thủ các quy định về cấp quyền sử dụng NHCN;
- Đáp ứng điều kiện về phí sử dụng NHCN.
- Một số điều kiện đặc thù khác:
- Điều kiện về địa điểm sản xuất, kinh doanh: NHCN có nội dung chứng nhận về nguồn gốc
- Điều kiện về đặc điểm chất lượng, đặc tính sản phẩm: NHCN có nội dung chứng nhận về chất lượng sản phẩm
3.2. Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hoá/dịch vụ
Tuỳ theo loại hàng hoá/dịch vụ được chứng nhận mà quy định phương pháp đánh giá phù hợp. Đối với NHCN có nội dung chứng nhận về chất lượng sản phẩm:
- Phương pháp lấy mẫu kiểm tra: lấy mẫu ngẫu nhiên;
- Phương pháp kiểm tra cảm quan;
- Phương pháp kiểm tra bằng phân tích lý, hoá, vi sinh...;
- Điều kiện về đơn vị, tổ chức thực hiện phân tích, kiểm tra (phòng thử nghiệm đã được chứng nhận VILAS hoặc tổ chức chứng nhận đã được công nhận bởi cơ quan công nhận tổ chức chứng nhận...).
Một số lưu ý:
- Đối với NHCN có nội dung chứng nhận về nguồn gốc sản phẩm: các sản phẩm mang NHCN liên quan đến nguồn gốc thường gắn với chất lượng sản phẩm, vì vậy, ngoài phương pháp kiểm tra, đánh giá để xác định nguồn gốc sản phẩm thì cũng áp dụng các phương pháp đánh giá về chất lượng sản phẩm (có thể ở mức độ thấp hơn như chỉ kiểm tra về mặt cảm quan hoặc kiểm tra thực tế, đối chiếu với tiêu chuẩn cơ sở đã đăng ký...).
- Phương pháp kiểm tra để xác định nguồn gốc dựa trên hệ thống sổ sách quản lý, theo dõi về diện tích sản xuất, canh tác, việc áp dụng quy trình kỹ thuật, nguyên liệu... để dự kiến sản lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn mang NHCN.
3.3. Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là cách thức kiểm soát của chủ sở hữu NHCN đối với các đối tượng sử dụng NHCN nhằm đảm bảo các điều kiện sử dụng NHCN luôn được tuân thủ đầy đủ, đồng thời đảm bảo hàng hoá/dịch vụ đưa ra thị trường đáp ứng các tiêu chuẩn đã được quy định.
Các nội dung kiểm tra, giám sát:
- Kiểm tra lần đầu (trước khi cấp quyền sử dụng NHCN);
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các điều kiện sử dụng NHCN (bao gồm cả kiểm tra về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, kiểm tra quy trình sản xuất, kinh doanh - nếu có);
- Kiểm tra cách thức trình bày nhãn hiệu của các thành viên trước khi đưa hàng hoá, dịch vụ ra thị trường; Hệ thống kiểm tra, giám sát: Căn cứ loại hình hàng hoá, dịch vụ mang NHCN mà thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát gồm thành viên ở các cơ quan, đơn vị phù hợp.
NHCN về chất lượng sản phẩm hoặc nguồn gốc sản phẩm: thành phần ban kiểm soát nên có các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan như Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở NN&PTNT, Sở VH,TT&DL...
3.4. Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Một số quy định cơ bản về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
- NHCN phải được sử dụng theo đúng mẫu đã đăng ký;
- Chỉ sử dụng NHCN cho các sản phẩm, dịch vụ đã được cấp quyền sử dụng NHCN;
- Quy định về việc sử dụng NHCN làm tên, nhãn hiệu chính cho sản phẩm: tuỳ thuộc chủ sở hữu NHCN cho phép hay không cho phép mà người được cấp quyền có thể sử dụng NHCN làm nhãn hiệu chính của sản phẩm.
- Không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng NHCN đã được cấp.
4. Các văn bản khác kèm theo quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Tình huống tham khảo:
Chào Luật sư, tôi được biết để quản lý nhãn hiệu chứng nhận thì một trong những tài liệu rất quan trọng là Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, bên cạnh quy chế này, cần có thêm những văn bản khác để quy định chi tiết hơn các nội dung về nhãn hiệu chứng nhận mà trong Quy chế chưa đề cập. Vì vậy, tôi có câu hỏi gửi tới Luật sư là liệu rằng bên cạnh Quy chế sử dụng NHCN thì có tài liệu hay văn bản nào khác không? Rất mong được sự giải đáp của Luật sư.
Trả lời: Ngoài Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, để có thể vận hành được hệ thống quản lý việc sử dụng nhãn hiệu thì có thể có thêm các văn bản khác hướng dẫn, quy định chi tiết. Tuỳ thuộc nhu cầu, điều kiện của từng địa phương, đơn vị để xây dựng và ban hành các văn bản khác nhau phục vụ công tác quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Cụ thể, các văn bản đó bao gồm:
- Thứ nhất: Quy trình cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Quy trình này quy định cụ thể, chi tiết về các điều kiện, trình tự, thủ tục cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Các nội dung chính của quy trình bao gồm:
- Điều kiện được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Phương pháp đánh giá các tiêu chí chứng nhận (nguồn gốc, chất lượng, kỹ thuật canh tác...) để cấp hoặc từ chối cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Tổ chức quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
- Thứ hai: Quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận
Nội dung chính của quy trình phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
- Quy trình kỹ thuật lựa chọn, chế biến, sản xuất nguyên liệu (nếu có);
- Quy trình kỹ thuật sản xuất thành phẩm hoặc cung cấp dịch vụ;
- Quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm;
- Quy trình kỹ thuật đóng gói, gắn tem nhãn sản phẩm...
- Thứ ba: Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên hàng hoá/dịch vụ
Nội dung chính của quy chế phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
- Tem, nhãn, dấu hiệu gắn trên hàng hoá/dịch vụ: vị trí tem, nhãn, cách thức sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi cung cấp dịch vụ...;
- Phương thức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hoá/dịch vụ của các cơ sở sản xuất khác nhau (mã số, mã vạch...).
Kết luận: Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là một trong những tài liệu rất quan trọng cho việc đăng ký nhãn hiệu cũng như việc vận hành, quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bao gồm các nội dung như chúng tôi đã đề cập ở trên. Với mỗi nội dung trong quy chế cần được xây dựng và quy định chặt chẽ. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thì chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ về quy chế nhãn hiệu chứng nhận như sau:
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận:
Tư vấn qua điện thoại 1900 6500: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về hồ sơ, trình tự, thủ tục, các nội dung và các vấn đề khác của quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận mà bạn còn chưa rõ . Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cư thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tới địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Tiến Anh