Nhiệm vụ của chấp hành viên theo quy định của pháp luật
11:18 06/12/2023
Chấp hành viên là người tiến hành các hoạt động để những phán quyết của Tòa án được thực hiện trên thực tế, đảm bảo quyền nghĩa vụ của các bên
- Nhiệm vụ của chấp hành viên theo quy định của pháp luật
- Nhiệm vụ của Chấp hành viên
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
NHIỆM VỤ CỦA CHẤP HÀNH VIÊN TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Bạn đang tìm hiểu quy định pháp luật về nhiệm vụ của chấp hành viên trong thi hành án dân sự và các vấn đề có liên quan như: định nghĩa về chấp hành viên thi hành án dân sự, bổ nhiệm, miễn nhiệm chấp hành viên, những việc chấp hành viên không được làm... Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp thắc mắc của bạn theo bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí:
1. Định nghĩa về Chấp hành viên thi hành án dân sự
Trong cơ quan Thi hành án dân sự, người có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác do pháp luật quy định được gọi là Chấp hành viên thi hành án dân sự.
Theo Điều 17 Luật thi hành án dân sự năm 2008 có quy định như sau:
Điều 17. Chấp hành viên
1. Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.
2. Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên.
Như vậy, Chấp hành viên là người duy nhất được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án và các quyết định khác do pháp luật quy định, hay nói cách khác, Chấp hành viên nhân danh Nhà nước tổ chức thi hành án dân sự.
2. Bổ nhiệm và miễn nhiệm Chấp hành viên thi hành án dân sự
2.1 Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên
Chấp hành viên thi hành án dân sự là ngạch công chức ngành tư pháp, sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.
Theo Điều 18 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định về các tiêu chuẩn để bổ nhiệm Chấp hành viên như sau:
- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên (khoản 1)
- Người có đủ tiêu chuẩn tại khoản 1 và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp (khoản 2):
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;
- Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.
- Người có đủ tiêu chuẩn tại khoản 1 và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp (khoản 3):
- Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;
- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.
- Người có đủ tiêu chuẩn tại khoản 1 và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên cao cấp (khoản 4):
- Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;
- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.
- Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trong quân đội. Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan thi hành án dân sự có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.
- Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp.
Thực tế hoạt động thi hành án dân sự cho thấy tính chất, mức độ phức tạp của các vụ việc thi hành án cũng khác nhau. Có những vụ việc rất đơn giản nhưng cũng có nhiều vụ việc phức tạp, tài sản phải thi hành án lớn, việc thi hành án có liên quan đến nhiều địa phương hay việc thi hành án có yếu tố nước ngoài,... đòi hỏi cần có những Chấp hành viên có năng lực chuyên sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn để tổ chức thi hành án.
Để đảm bảo sự công bằng giữa công sức mà Chấp hành viên bỏ ra với yêu cầu công việc của họ, Luật thi hành án đã quy định Chấp hành viên có ba ngạch: sơ cấp, trung cấp, cao cấp dựa trên tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ, năng lực, thâm niên, kinh nghiệm công tác,... không phụ thuộc vào đơn vị công tác (cơ quan thi hành án cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án cấp tỉnh ).
2.2 Quy định về miễn nhiệm chấp hành viên
Theo quy định tại Điều 19 Luật thi hành án dân sự năm 2008:
- Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:
- Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;
- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.
Như vậy, Chấp hành viên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc không còn đáp ứng đủ các yêu cầu đối với một Chấp hành viên.
3. Nhiệm vụ quyền hạn Chấp hành viên thi hành án dân sự
3.1 Nhiệm vụ của Chấp hành viên
Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác do pháp luật quy định, Nhà nước trao cho Chấp hành viên một số quyền được quy định tại Điều 20 Luật thi hành án dân sự năm 2008 cụ thể như sau:
- Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
- Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
- Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
- Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
- Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.
- Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
- Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
- Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
- Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
Như vậy, Chấp hành viên là người đóng vai trò quan trọng trong khâu cuối cùng của quá trình giải quyết vụ án, việc dân sự - thi hành bản án, quyết định. Chấp hành viên tiến hành các hoạt động để những phán quyết của Tòa án được thực hiện trên thực tế, đảm bảo quyền nghĩa vụ của các bên.
Những quyền hạn đó chỉ được Nhà nước trao cho Chấp hành viên để tổ chức thi hành các bản án, quyết định mà không trao cho bất cứ một chức danh nào khác trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, người không phải là Chấp hành viên thì không có quyền tổ chức thi hành án dân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
3.2 Những việc mà Chấp hành viên thi hành án dân sự không được làm
Pháp luật không chỉ quy định nhiệm vụ của Chấp hành viên mà còn quy định về những việc Chấp hành viên không được phép làm. Theo Điều 21 Luật thi hành án dân sự năm 2008:
- Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.
- Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.
- Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
- Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.
- Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:
- Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;
- Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
- Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.
- Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
Kết luận: Chấp hành viên có vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, là người giữ vị trí trung tâm trong hoạt động thi hành án. Nếu không có hoạt động của Chấp hành viên thì các bản án, quyết định của Tòa án sẽ chỉ là những quyết định trên giấy
Chấp hành viên khi tiến hành hoạt động thi hành án chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quá trình thi hành án.
Bài viết tham khảo:
- Thẩm quyền ủy thác thi hành án dân sự
- Quy định chung về cưỡng chế thi hành án dân sự
- Dịch vụ soạn đơn khởi kiện
Liên hệ Luật sư tư vấn về nhiệm vụ của chấp hành viên
Nếu bạn đang gặp vướng mắc về nhiệm vụ của chấp hành viên mà không thể tự mình giải quyết được, thì bạn hãy gọi cho Luật sư. Luật sư luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn cho bạn về nhiệm vụ của chấp hành viên. Bạn có thể liên hệ với Luật sư theo những cách sau:
- Luật sư tư vấn miễn phí qua tổng đài: 19006500
- Tư vấn qua Zalo: Số điện thoại zalo Luật sư: 0931191033
- Tư vấn qua Email: Gửi câu hỏi tới địa chỉ Email: [email protected]
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách.
Trân trọng!
Chuyên viên: Phạm Dung