Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng theo quy định pháp luật
13:51 03/07/2020
Di chúc miệng; di chúc bằng lời nói; nội dung di chúc; di chúc hợp pháp; thời hiệu thừa kế...Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng....
- Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng theo quy định pháp luật
- Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng
Câu hỏi của bạn về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng:
Xin chào luật sư!
Tôi có một vấn đề liên quan tới Phân chia di sản thừa kế, kính nhờ các Luật sư hỗ trợ tư vấn, giải đáp như sau:
Bà nội tôi mất năm 1978, Ông nội tôi mất năm 1997. Ông bà nội tôi có 6 người con. Trước khi mất thì ông không viết di chúc mà chỉ gọi tất cả các con đến nói di chúc bằng miệng rằng: "mảnh đất A thì cho thằng H (là bác tôi- con trai cả), mảnh đất B thì cho thằng C (là bố tôi); sau này nếu con N (cô út) mà không lấy chồng thì thằng C cắt cho con N 1 mảnh đất, thằng H xây cho con N 1 cái nhà".
Các bác đều đi lập gia đình và sống ở các nơi, chỉ có bố mẹ tôi sinh sống, quản lý mảnh đất B, nộp thuế phí... đầy đủ cho nhà nước. Đến năm 2020, thì bố tôi nhận được giấy triệu tập của tòa án về việc một số bác trong 6 người con đòi phân chia đất đai thừa kế.
Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn: Từ năm 1997 đến nay thì các bác tôi có được đòi phân chia tài sản thừa kế không. Di chúc mà ông nội tôi nói bằng miệng khi họp gia đình có hiệu lực không ?
Xin cảm ơn luật sư!
Câu trả lời của luật sư về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng như sau:
1. Căn cứ pháp lý về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng:
2. Nội dung tư vấn về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng:
Hiện tại câu hỏi của bạn về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Với câu hỏi này, luật Toàn Quốc xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau: [caption id="attachment_198116" align="aligncenter" width="548"] Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng[/caption]
2.1. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế
Pháp luật quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo loại tài sản (động sản hay bất động sản). Cụ thể được quy định tại điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định trên, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Trường hợp của gia đình bạn, di sản thừa kế mà ông bạn để lại là 2 mảnh đất, là bất động sản nên sẽ có thời hiệu thừa kế là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế được quy định tại điều 611 Bộ luật Dân sự:
Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Theo quy định trên, thời điểm mở thừa kế được xác tính từ khi ông nội bạn qua đời là năm 1997. Tính đến năm 2020 là 23 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy năm 2020 có yêu cầu chia thừa kế thì vẫn còn thời hiệu.
2.2. Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, di chúc miệng được coi là hợp pháp khi đáp ứng được các điều kiện về nội dung, hình thức, người làm chứng,... giống như di chúc bằng văn bản, ngoài để di chúc miệng có hiệu lực còn phải đáp ứng các điều kiện về hoàn cảnh lập di chúc, được ghi chép lại sau khi lập bằng miệng. Cụ thể được quy định tại điều 629, 630 và 632 Bộ luật Dân sự:
Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo những quy định trên, để di chúc miệng có hiệu lực cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Thứ nhất, di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Di chúc miệng có hiệu lực thì điều kiện đầu tiên cần đáp ứng là không có đủ thời gian và điều kiện để lập di chúc bằng văn bản. Đối với những trường hợp có đủ điều kiện, thời gian để lập di chúc bằng văn bản thì di chúc miệng không được coi là hợp pháp.
Chú ý: Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ, khi này dù tại thời điểm lập di chúc miệng có đáp ứng điều kiện trên và được coi là có hiệu lực nhưng sau 03 tháng mà người lập di chúc đủ điều kiện lập di chúc bằng văn bản thì di chúc miệng lập trước đó không còn giá trị hiệu lực.
- Thứ hai, Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Điều kiện để một người được làm chứng di chúc miệng được quy định giống như điều kiện một người được làm chứng di chúc bằng văn bản. Mọi người đều có quyền làm chứng di chúc miệng, trừ những người: thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tuy nhiên, người làm chứng đối với di chúc miệng cần thực hiện nhiệm vụ đó để di chúc miệng có hiệu lực là người làm chứng ghi chép lại nội dung di chúc miệng, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Chú ý: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
- Thứ ba, điều kiện về nội dung của di chúc miệng
Ngoài hai điều kiện trên, để di chúc miệng có hiệu lực thì còn phải đáp ứng điều kiện về nội dung của di chúc, cũng giống như di chúc bằng văn bản, điều kiện về nội dung của di chúc miệng là:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Như vậy, đối với trường hợp của gia đình bạn, khi lập di chúc miệng ông bạn vẫn còn minh mẫn và có điều kiện để lập di chúc bằng văn bản. Ngoài ra, theo tình huống bạn nêu thì khi họp gia đình thành phần tham gia gồm các con. Đây là những người thừa kế theo pháp luật, như vậy đã không thoả mãn điều kiện về người làm chứng. Như vậy, di chúc miệng mà ông bạn để lại sẽ không có hiệu lực.
Bài viết tham khảo:
- Quyền thừa kế di sản theo quy định của pháp luật
- Khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật 2020
- Thủ tục lập di chúc theo quy định của pháp luật
Để được tư vấn chi tiết về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 24/7: 19006500 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Email: [email protected] Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Tiến Hảo