Dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật
11:12 11/09/2017
Cưỡng đoạt tài sản là hành vi bị cấm, được quy định trong Bộ luật Hình sự. Luật Toàn Quốc chia sẻ dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật để bạn đọc hiểu thêm về tội này
- Dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật
- Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật
- Pháp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
DẤU HIỆU CẤU THÀNH CỦA TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Kiến thức của bạn:
Dọa tung ảnh khỏa thân và ép người đó phải đưa một khoản tiền để “mua lại” những bức ảnh đó thì có phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật?
Kiến thức của luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn: Nội dung và cấu thành tội phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật
1. Nội dung điều luật quy định tội cưỡng đoạt tài sản.
Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cưỡng đoạt tài sản như sau:
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật
Thứ nhất, khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm phạm. Do đó, đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì cùng một lúc xâm phạm tới hai khách thể là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản nhưng xâm phạm tới quan hệ tài sản là chủ yếu.
Thứ hai, mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản
Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan sau:
- Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực
Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể được thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc.
Ví dụ: Chị A là chủ một cửa hàng tạp hóa, trong lúc bán hàng có B xông vào dọa đánh, dọa chém (tay cầm dao) nếu như chị A không đưa tiền cho B. Như vậy, B đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Những thủ đoạn uy hiếp tinh thần người bị hại nằm chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn uy hiếp tinh thần là những việc làm tác động vào tâm lý của người bị hại, khiến cho người bị hại lo sợ, bất an hay thậm chí là hoảng loạn.
Như dọạ sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết. Ví dụ: A biết B có ngoại tình với chị H, nên A viết thư yêu cầu B phải giao cho y một số tiền, nếu không y sẽ nói cho vợ của B biết về việc ngoại tình của B. Hay dọa đưa những hình ảnh khỏa thân cho mọi người biết nếu như không đưa tiền như nêu ở trên. Giả danh là cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Thuế vụ, Hải quan... để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản…và rất nhiều thủ đoạn khác.
Thứ ba, chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản
- Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản là người có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.
- Phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được chia như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ các quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304. (Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Thứ tư, mặt chủ quan của tội cưỡng đoạt tài sản
Mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, mục đích và động cơ.
Hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội luôn gắn liền với các biểu hiện bên ngoài. Do đó, các hành vi đe dọa dùng vũ lực hay thủ đoạn uy hiếp tinh thần nêu trên đều là biểu hiện của lỗi cố ý, dù người phạm tội nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người bị hại. Một số tội phạm cũng được thực hiện với lỗi vô ý, tuy nhiên đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì phải là lỗi cố ý.
Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Dù cho người phạm tội có dùng thủ đoạn uy hiếp hay đe dọa dùng vũ lực tác động vào tâm lý, tinh thần làm cho người bị hại lo lắng hay có những tổn hại về sức khỏe vì phải suy nghĩ và lo sợ thì mục đích cuối cùng của người phạm tội hướng tới luôn là chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Nếu như việc sử dụng thủ đoạn uy hiếp tinh thần hay đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm mục đích khác thì lúc này sẽ không cấu thành tội phạm khác chứ không phải tội cưỡng đoạt tài sản nữa.
3. Hình phạt của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật hiện hành
- Khung hình phạt cơ bản: phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Khung hình phạt tăng nặng: Tùy vào khung hình phạt quy định tại khoản 2, 3,4 sẽ có các mức hình phạt tương ứng là 3-10 năm tù; 7-15 năm tù hay 12-20 năm tù.
- Người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Tư vấn về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật hiện hành dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp
Theo như thông tin mà bạn cung cấp ở phía trên thì đã có hành vi dọa tung ảnh khỏa thân của một người và ép người đó phải đưa một khoản tiền để “mua lại” những bức ảnh đó.
Với những gì tôi đã phân tích phía trên thì người thực hiện hành vi dọa tung ảnh khỏa thân đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm nêu trên. Cần xác định rõ độ tuổi của người thực hiện việc dọa tung ảnh khỏa thân và đòi tiền “mua lại” những bức ảnh để có thể xác định được năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người đó.
Một số bài viết có liên quan:
Liên kết ngoài tham khảo: