BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
14:54 22/09/2020
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định nhằm bảo đảm các nhu cầu cấp bách của đương sự về các vấn đề xảy ra trong quá trình giải quyết vụ án
- BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Biện pháp khẩn cấp tạm thời
Câu hỏi của bạn về biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Thưa Luật sư, tôi có vấn đề cần được lời tư vấn của Luật sư như sau: Tôi làm việc tại một công ty tên là Công ty TNHH MTV X. Trong quá trình làm việc, dù đã thực hiện đúng các quy chế về chế độ thực hiện công việc, nhưng do lý do khách quan mà xảy ra tai nạn lao động. Ngay sau đó, công ty hứa sẽ lo viện phí và bồi thường thiệt hại cho tôi. Nhưng sau đấy 1 tuần thì hai bên chúng tôi không có thỏa thuận được khoản chi phí bồi thường.
Hiện nay tôi khởi kiện ra Tòa án, tôi là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ lúc xảy ra tai nạn, vợ tôi phải nghỉ làm để chăm sóc cho tôi và 1 bé ở nhà. Tôi có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người sử dụng lao động bồi thường, hỗ trợ cho tôi được không? Xin trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư về biện pháp khẩn cấp tạm thời
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn về biện pháp khẩn cấp tạm thời, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau
1. Căn cứ pháp lý về biện pháp khẩn cấp tạm thời
2. Nội dung tư vấn về biện pháp khẩn cấp tạm thời
Trong bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định nhằm bảo vệ các yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Điều này là một kế thừa từ bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và được bổ sung thêm một số biện pháp khẩn cấp tạm thời. Dưới đây là một số căn cứ pháp lý về quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2.1 Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 111 bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Điều 111. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
3. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đương sự khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật này.
Khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về trường hợp có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều 187. Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước
1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2.2 Thời điểm, thẩm quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều 112 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Điều 112. Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Như vậy, đối với trường hợp yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa sẽ do một Thẩm phán xem xét, quyết định
Nếu như sau khi bắt đầu mở phiên tòa, tại phiên tòa sẽ do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
2.3 Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự có thể yêu cầu được quy định như sau:
- Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.
- Kê biên tài sản đang tranh chấp.
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
- Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
- Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
- Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
- Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
- Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.
- Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.
- Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.
- Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
- Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.
Dựa theo quy định trên, việc bạn thực hiện công việc và bị xảy ra tai nạn lao động trong khi làm việc tại công ty, công ty có trách nhiệm bồi thường, thanh toán chi phí cho người lao động, cụ thể
Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người; 8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;
10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. 11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau
- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
Kết luận: Dựa trên các căn cứ pháp lý trên, trong quá trình giải quyết vụ án, bạn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhằm đảm bảo sinh hoạt hàng ngày đồng thời chi trả viện phí và các khoản khác dựa trên quy định của pháp luật.
Bài viết tham khảo:
Để được tư vấn chi tiết về biện pháp khẩn cấp tạm thời, quý khách vui lòng liên hệ tới để được luật sư tư vấn Tổng đài tư vấn pháp luật 24/7: 19006500 hoặc Gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected] Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Việt Anh