Quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật
11:49 15/02/2020
Quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật, nội dung các quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, quyền nào là quan trọng nhất...
- Quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật
- Quyền sở hữu tài sản
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Quyền sở hữu tài sản
Câu hỏi của bạn về quyền sở hữu tài sản:
Chào luật sư! Nhờ các luật sư tư vấn pháp lý trả lời giúp em câu hỏi như sau: Trong 3 quyền sở hữu gồm (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt). Quyền nào là quan trọng nhất? Vì sao? Em xin cảm ơn các luật sư tư vấn pháp lý.
Câu trả lời của luật sư về quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật như sau:
1.Căn cứ pháp lý về quyền sở hữu tài sản
2. Nội dung tư vấn về quyền sở hữu tài sản
Quyền sở hữu đối với tài sản hiện nay được chia thành quyền sử dụng, quyền chiếm hữu và quyền định đoạt. Bộ luật dân sự 2015 hiện nay còn có quy định về quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Trong số các quyền nêu trên của chủ sở hữu tài sản, sẽ có một số những quyền có tầm quan trọng lớn hơn so với các quyền còn lại. Cụ thể như sau:
2.1. Các quyền tài sản theo quy định pháp luật hiện hành
Điều 158 BLDS 2015 quy định về quyền sở hữu, trong đó :
- Quyền chiếm hữu: Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với một tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.
- Quyền sử dụng: Điều 189 BLDS 2015 quy định : Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Hay nói cách khác, quyền sử dụng là quyền khai thác những lợi ích mang lại từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Quyền định đoạt: Điều 192 BLDS 2015 quy định Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Trong đó quyền định đoạt có thể thực hiện bằng hai cách: quyết định số phận về mặt thực tế hoặc quyết định số phận về mặt pháp lý của tài sản.
- Quyền hưởng dụng: điều 257 BLDS 2015 quy định Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Theo đó Luật cũng quy định thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.
- Quyền bề mặt: Điều 267 BLDS 2015 quy định Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Có thể hiểu đơn giản quyền của Chủ thể quyền bề mặt như sau: có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan
2.2. Quyền nào là quan trọng nhất
Bộ luật dân sự 2015 không quy định quyền nào là quan trọng nhất. Quyền dù khác nhau nhưng không tách rời nhau trong suốt quá trình thực hiện quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản. Tuy nhiên, theo quan điểm tư vấn của Luật Toàn Quốc, quyền định đoạt là quan trọng nhất, bởi:
Thứ nhất, chỉ có chủ sở hữu tài sản mới có quyền định đoạt tài sản. Với quyền chiếm hữu thì chủ sở hữu hoặc người được giao tài sản đều có quyền chiếm hữu với tài sản đó. Với quyền sử dụng, chủ sở hữu hoặc người không phải chủ sở hữu đều có quyền sử dụng tài sản trong phạm vi thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Còn với quyền định đoạt thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt tài sản. Ví dụ A có một chiếc xe máy. Sau khi A kết hôn với B, đây vẫn là tài sản riêng của A, tuy nhiên B vẫn được phép sử dụng, chiếm hữu chiếc xe này. Như vậy, tuy B không phải chủ sở hữu của chiếc xe nhưng vẫn có quyền sử dụng, chiếm hữu với chiếc xe này. Nhưng với quyền định đoạt với chiếc xe thì chỉ A có quyền.
Thứ hai, chỉ khi có quyền định đoạt mới có thể quyết định số phận tài sản. Theo như nội dung khái niệm đã nêu trên, người có quyền chiếm hữu tài sản có quyền nắm giữ, chi phối tài sản. Người có quyền sử dụng tài sản có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Còn với quyền định đoạt, chủ sở hữu có quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ khi có quyền định đoạt với tài sản, chủ sở hữu tài sản mới có quyền quyết định số phận tài sản. Nghĩa là khi một người có quyền định đoạt tài sản mới có thể quyết định ai có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản. Còn những người có quyền sử dụng, chiếm hữu tài sản( không phải chủ sở hữu) thì không thể nào định đoạt tài sản được.
Thứ ba, quyền định đoạt tài sản là cơ sở làm phát sinh, thực hiện những quyền còn lại. Như trên đã nói, chỉ khi có quyền định đoạt tài sản mới có quyền quyết định ai có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản. Nếu không có quyền định đoạt không thể quyết định ai có những quyền gì đối với tài sản. Ví dụ như A mượn trâu của B để đi cày. Lúc này, A có quyền chiếm hữu và sử dụng trâu của B. Tuy nhiên, khi B lấy lại trâu đi bán thì A không còn những quyền này với tài sản là con trâu nữa mà những quyền này được chuyển cho người khác.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết sau:
- Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự
- Quyền hưởng dụng theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành
- Các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo Bộ luật dân sự 2015
Để được tư vấn chi tiết về quyền sở hữu tài sản, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 24/7: 1900 6500 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Trần Thảo