Quy định về thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ
17:18 26/01/2021
Thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ được thực hiện trong trường hợp không xác định được cha cho con hoặc cha mẹ không có đăng ký kết hôn với nhau
- Quy định về thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ
- thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
THỦ TỤC KHAI SINH CHO CON MANG HỌ MẸ
Câu hỏi của bạn:
Chào Luật sư, em chuẩn bị sinh con thì phát hiện cha của con em đã có vợ; anh ấy không muốn đứng ra nhận con và không muốn con mang họ anh ấy. Vậy cho em hỏi con em sinh ra không có cha có được khai sinh không ạ? Em chỉ khai sinh cho con mang họ em có được không? Em xin cảm ơn.
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi về thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ; chúng tôi xin được tư vấn về thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ như sau:
Căn cứ pháp lý:
- BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Luật hộ tịch 2014;
- Nghị định 123/2015 NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
1. Thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ được hiểu như thế nào?
Mặc dù pháp luật không có quy định bắt buộc, tuy nhiên, theo phong tục của người Việt Nam từ xưa đến nay, con sinh ra thường mang họ cha chứ không mang họ mẹ.
Vậy trong trường hợp đứa trẻ sinh ra không được người cha thừa nhận hoặc không xác định được cha là ai thì có thể được đăng kí khai sinh không? Trong trường hợp này có thể khai sinh cho trẻ mang họ mẹ được không? Thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ như thế nào?
2. Quyền được khai sinh của trẻ em
Khai sinh là một trong những sự kiện hộ tịch để xác định đứa trẻ là thực thể của tự nhiên, của xã hội và là thủ tục pháp lý đầu tiên do cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện cho đứa trẻ vừa sinh ra. Cha mẹ hoặc người giám hộ có nghĩa vụ khai báo và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đứa trẻ được sinh.
2.1 Quyền được khai sinh
Điều 30 BLDS 2015 quy định như sau:
Điều 30. Quyền được khai sinh, khai tử
1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
2. Cá nhân chết phải được khai tử.
3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
Khai sinh chính là sự kiện pháp lý để chứng minh một người được sinh ra và tồn tại, giấy khai sinh sinh chính là căn cứ pháp lý cho người vừa sinh ra tồn tại trong xã hội gắn liền với quyền nhân thân của con người. Vì vậy, bất kỳ trẻ em nào sinh ra đều có quyền được khai sinh
2.2 Trách nhiệm khai sinh cho con
Điều 15 Luật Hộ tịch cũng quy định, cha, mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Cụ thể:
Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
Có thể thấy, khai sinh cho trẻ không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân ngay sau khi được sinh ra mà còn là trách nhiệm của cha, mẹ hoặc ông, bà, người thân thích, cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ thậm chí cả công chức tư pháp, hộ tịch.
Vì vậy, với trường hợp của bạn dù bố của con bạn đang trong quan hệ hôn nhân với người khác và không thừa nhận con chung với bạn, nhưng quyền được khai sinh là quyền của con bạn, nên con bạn vẫn được đăng ký khai sinh theo quy định pháp luật.
3. Thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn và bố của bé không có đăng ký kết hôn, bố của bé đang trong quan hệ hôn nhân và có gia đình riêng, hiện tại không thừa nhận con do bạn sinh ra. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể khai sinh cho con theo họ mẹ theo hình thức khai sinh cho con chưa xác định được cha.
Thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, hồ sơ gồm có:
- Tờ khai đăng ký khai sinh;
- Giấy chứng sinh (bản chính). Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Giấy tờ cần xuất trình: Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, giấy tờ bạn cần xuất trình là bản chính một trong các giấy tờ: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về thân nhân. Và giấy tờ chứng minh nơi cư trú như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú...
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tại Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đi đăng ký khai sinh, bạn có thể nộp trực tiếp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Số lượng: 01 bộ.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú.
Bước 3: Thực hiện khai sinh
Ngay sau khi nhận được đầy đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ, phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.
Về nội dung đăng ký khai sinh, khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch quy định gồm: Thông tin của trẻ như họ, chữ đệm, tên, giới tính, ngày tháng, năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch; thông tin về cha, mẹ của trẻ; số định danh cá nhân.
Trong đó, với trường hợp chưa xác định được cha thì khoản 2 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP nêu rõ:
Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Bước 4: Nhận giấy khai sinh
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho trẻ.
Kết luận:
Như vậy, nếu có con với người đã có gia đình, chính xác là đã đăng ký kết hôn với người khác thì con sinh ra vẫn được đảm bảo quyền được khai sinh, người mẹ có quyền và trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày từ ngày sinh con. Khai sin là quyền của mỗi cá nhân sinh ra, là sự kiện pháp lý cho sự tồn tại của mỗi người, vì vậy trong hoàn cảnh nào pháp luật cũng đảm bảo lợi ích của trẻ em được sinh ra được khai sinh.
Chào Luật sư, vì không biết rõ về hoàn cảnh người yêu nên em đã trót có con với một người đã có vợ. Mà nghe nói trường hợp của em sẽ bị phạt rất nặng. Nhờ anh chị tư vấn giúp là em sẽ bị phạt như thế nào? Em xin cảm ơn!
4. Tình huống tham khảo:
Nguyên tắc của hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ, tôn trọng và ghi nhận tại Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
Đồng thời, việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ là hành vi bị nghiêm cấm nêu tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình.
Theo đó, trường hợp của bạn có thể bị xử phạt như sau:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Theo đó đối với hành vi sống chung như vợ chồng với người đã đăng ký kết hôn thì tùy từng mức độ và hậu quả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ:
Tư vấn qua Tổng đài 19006500: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về vấn đề có được đăng ký khai sinh không có cha, thủ tục đăng ký khai sinh cho con… Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cư thời gian nào , tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về có con với người đã có gia đình. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.
Dịch vụ thực tế: Luật Toàn Quốc cung cấp dịch vụ pháp lý về thủ tục như: kê khai hồ sơ khai sinh, đại diện thực hiện thủ tục khai sinh cho con mang họ mẹ, khai sinh cho con khi bố mẹ không có đăng ký kết hôn…
Luật Toàn Quốc xin cảm ơn./.
Chuyên viên: Minh Huyền