• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Thủ tục Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu hay còn gọi là li xăng nhãn hiệu được thực hiện bằng hợp đồng và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ....

  • Thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (Li xăng nhãn hiệu) mới nhất
  • Thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
  • Pháp luật sở hữu trí tuệ
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

THỦ TỤC CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU

Câu hỏi của bạn:      Chào Luật sư, tôi đang muốn chia sẻ quyền sử dụng nhãn hiệu của mình cho một số người bạn để cùng nhau phát triển và khai thác các lợi thế của nhãn hiệu đang có. Nhưng do không có kiến thức và kĩ năng trong vấn đề này nên chưa biết làm cách nào để thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Vì vậy, tôi rất mong được Luật sư giải đáp cho tôi được rõ. Xin cảm ơn Luật sư. 

Câu trả lời của Luật sư:

      Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn về thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu như sau:

Căn cứ pháp lý

1. Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là gì? 

      Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác được sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Hiện nay, khi đề cập tới nhãn hiệu có một thuật ngữ "Li xăng nhãn hiêu", thuật ngữ này cũng được hiểu với nghĩa chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

      Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Theo Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) thì: “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên và có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ vẫn rất cần thiết.

2. Điều kiện hạn chế việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

     Theo điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

Điều 142. Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

5. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật này.

    Như vậy, điều kiện hạn chế chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu bao gồm:

  • Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
  • Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền nhãn hiệu cho phép.
  • Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

3. Các dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

  •  Dạng 1: Hợp đồng độc quyền sử dụng nhãn hiệu 

 Hợp đồng độc quyền sử dụng nhãn hiệu là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.

  • Dạng 2: Hợp đồng không độc quyền sử dụng nhãn hiệu

Hợp đồng không độc quyền sử dụng nhãn hiệu là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác.

  • Dạng 3: Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp

Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.

4. Trình tự, thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

   Về cơ bản, việc chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu được thực hiện như sau:

   Bước 1: Các bên thỏa thuận và kí hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

   Việc các bên kí hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tuân theo quy định của BLDS năm 2015 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Khi soạn thảo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cần lưu ý những nội dung sau:

  Thứ nhất: Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
  • Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
  • Dạng hợp đồng;
  • Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
  • Thời hạn hợp đồng;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

  Thứ hai: Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:

  • Buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến nhãn hiệu do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;
  • Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu nhãn hiệu tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hóa đó;
  • Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;
  • Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU

  Bước 2: Đăng ký hợp đồng sử dụng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ

   Hồ sơ yêu cầu chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu bao gồm những giấy tờ sau:

  • Tờ khai yêu cầu chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (theo mẫu 02-HĐSD tại Phụ lục D của Thông tư 01/2007);
  • Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (02 bản);
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, nếu quyền sử dụng nhãn hiệu tương ứng thuộc sở hữu chung;
  • Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
  • Tài liệu khác (nếu cần).

  Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ giải quyết và thông báo kết quả

    Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không có các thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây:

  • Ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
  • Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho người nộp hồ sơ; đóng dấu đăng ký vào 02 bản hợp đồng và trao người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản;
  • Công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

    Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển sử dụng nhãn hiệu có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây:

  • Ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
  • Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc có sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.

5. Phí, lệ phí thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu:

Tình huống tham khảo:

     Chào Luật sư, tôi đang có dự định chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho một người bạn để làm thương hiệu nhà hàng. Tôi cũng được biết là việc chuyển quyền phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Tôi rất muốn biết chi phí cho việc đăng ký này là bao nhiêu?

      Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Chi phí cho việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu gồm các khoản sau đây:

  • Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: 120.000 đồng/đơn
  • Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: 230.000 đồng/Văn bằng bảo hộ
  • Phí công bố Quyết định ghi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: 120.000 đồng/đơn
  • Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: 120.000 đồng/Văn bằng bảo hộ

   Kết luận: Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chia sẻ quyền sử dụng và khai thác các lợi ích của nhãn hiệu từ chủ sở hữu nhãn hiệu cho chủ thể khác. Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không làm mất đi quyền sở hữu nhãn hiệu của chủ sở hữu. Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có thể thực hiện dưới các dạng hợp đồng độc quyền sử dụng nhãn hiệu, hợp đồng không độc quyền sử dụng nhãn hiệu và hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp. Để thực hiện việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu thì các bên phải tiến hành kí kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với nhau và tiến hành đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Để được tư vấn và giải đáp các vấn đề về chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, bạn có thể tham khảo thêm các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp dưới đây:

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu:

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6500Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian và chi phí chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cũng như các vấn đề có liên quan đến chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.  

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu về địa chỉ: lienhe@luattoanquoc.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.  

Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.  Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.  

Dịch vụ thực tế: Luật Toàn Quốc cung cấp dịch vụ pháp lý về thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu như: Soạn hồ sơ, giấy tờ về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu , soạn hồ sơ chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu; thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền và các dịch vụ khác có liên quan khi khách hàng có yêu cầu.

Chuyên viên: Tiến Anh

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178