Phân chia tài sản của cha đã mất không có di chúc
14:35 16/04/2018
Phân chia tài sản của cha đã mất không có di chúc. Ông bà nội tôi có 3 người con, đã chia tài sản cho cả 3. Còn phần ông bà ở thì tên chủ tài sản là tên ông
- Phân chia tài sản của cha đã mất không có di chúc
- phân chia tài sản của cha đã mất
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
PHÂN CHIA TÀI SẢN CỦA CHA ĐÃ MẤT
Câu hỏi của bạn:
Kính gửi Luật sư! Xin được Luật sư tư vấn giúp trường hợp của gia đình cha tôi:
Ông bà nội tôi có 3 người con, đã chia tài sản cho cả 3. Còn phần ông bà ở thì tên chủ tài sản là tên ông nội tôi. Ông đã mất còn bà thì cũng lẫn rồi. Ông nội có hứa sẽ cho cháu đích tôn với điều kiện cháu phải chăm sóc ông bà. Nhưng lời nói không có văn bản nào làm bằng chứng. Hiện tại bà nội đang sống cùng cô ruột của tôi. Tuy nhiên, bác hai tôi một mực nói phần đất đó sẽ thuộc về con bác hai (cháu đích tôn). Trong khi đó ba tôi và cô tôi thì không đồng ý. Vì bà nội đang sống cùng cô tôi nên muốn cô tôi được hưởng phần của ông bà mà trong giấy tờ hiện còn tên của ông tôi là chủ sở hữu. Ba tôi và cô tôi đã xin chính quyền địa phương can thiệp nhưng chỉ dừng lại ở hòa giải và tự thỏa thuận. Chính quyền nơi tôi ở nói nếu muốn giải quyết rõ ràng thì phải thưa ra toà nhưng nghe nói án phí 30 triệu cho bên thưa kiện. Nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên không biết có cách nào khác giảm án phí không? Mong Luật sư tư vấn giúp! Trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án
Nội dung tư vấn về phân chia tài sản của cha đã mất
1. Phân chia tài sản của cha đã mất
Đầu tiên bạn cần xác định phần đất mà gia đình đang định phân chia là tài sản chung của ông bà bạn hay là tài sản riêng của ông bạn. Bởi lẽ, việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa khẳng định chắc chắn được đó là chủ sở hữu tài sản. Theo quy định của tại khoản 4 Điều 98 Luật đất đai về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì tài sản chung của vợ chồng có thể ghi tên một người nếu hai vợ chồng có thỏa thuận: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.
Nếu phần đất là tài sản chung của ông bà bạn thì khi ông bạn mất, bà bạn có quyền sở hữu ½ giá trị tài sản, phần còn lại là di sản thừa kế mà ông bạn để lại. Trường hợp phần đất là tài sản riêng của ông bạn thì đó chính là di sản thừa kế xem xét phân chia. Khi ông bạn mất sẽ phát sinh quyền thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế hiện nay có 2 phương thức là: phân chia di sản theo di chúc và phân chia di sản theo pháp luật.
Việc phân chia di sản theo di chúc chỉ được tiến hành khi người có tài sản để lại di chúc. Theo quy định tại Điều 627 BLDS thì di chúc có thể bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Theo như thông tin bạn cung cấp, ông bạn có hứa sẽ cho cháu đích tôn phần đất, tuy nhiên lại không hề lập văn bản mà chỉ nói miệng. Trong trường hợp này chúng ta có thể xét ý chí của ông bạn theo di chúc miệng nhưng theo quy định tại Điều 629 BLDS di chúc miệng chỉ được xem xét có hiệu lực khi đáp ứng được các điều kiện:
- Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
- Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Nếu ông bạn định đoạt di sản vào thời điểm đang bị cái chết đe dọa và không lập được bằng văn bản thì di chúc miệng có thể có hiệu lực nhưng nếu chỉ là lời nói lúc mọi người đang tụ họp, sức khỏe ổn định thì sẽ không được xem xét. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 650 BLDS. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất của ông bạn gồm: bà bạn và 3 người con, mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau khi phân chia. [caption id="attachment_83616" align="aligncenter" width="420"] Phân chia tài sản của cha đã mất[/caption]
2. Án phí khởi kiện phân chia di sản
Đối với sự việc của gia đình bạn, chính quyền địa phương chỉ có thể can thiệp hòa giải cũng như giải thích pháp luật cho các bên mà không có quyền quyết định. Do đó, nếu như các bên không thương lượng được với nhau, xảy ra tranh chấp thì cách giải quyết triệt để duy nhất là gửi đơn để Tòa án thụ lý.
Khi nộp đơn lên Tòa án thì đương sự sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định tại BLTTDS, một trong các nghĩa vụ đó là đóng án phí dân sự sơ thẩm. Theo các quy định tại BLTTDS và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xem xét qua các trường hợp, cụ thể tại khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
“7. Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch;
b) Trường hợp đương sự đề nghị chia tài sản chung, chia di sản thừa kế mà cần xem xét việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba từ tài sản chung, di sản thừa kế đó thì:
Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba; các đương sự phải chịu một phần án phí ngang nhau đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết định của Tòa án.
Người thứ ba là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hoặc có yêu cầu nhưng yêu cầu đó được Tòa án chấp nhận thì không phải chịu án phí đối với phần tài sản được nhận.
Người thứ ba có yêu cầu độc lập nhưng yêu cầu đó không được Tòa án chấp nhận phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.”
Theo đó, khi 3 người con của ông bạn không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần di sản của mình trong phần đất ông bạn để lại là khác nhau và ba bạn cùng cô bạn yêu cầu Tòa án giải quyết chia phần đất thì mỗi bên đương sự (bao gồm bà bạn và 3 người con) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối di sản thừa kế. Do đó, không phải tất cả án phí đều do người khởi kiện đóng, mà ai được phân chia đất thì sẽ phải đóng án phí tương ứng với phần mình được nhận. Vì bạn không cung cấp thông tin về giá trị phần di sản nên chúng tôi không tính cụ thể được mức án phí mà gia đình phải đóng khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về việc gia đình bạn có điều kiện kinh tế khó khăn, nếu rơi vào một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì sẽ được xem xét miễn nộp tiền án phí như: trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ… Hoặc bạn có thể tham khảo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về giảm án phí Tòa án: khi người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp án phí Tòa án, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức án phí mà người đó phải nộp.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
- Không khởi kiện nhưng vẫn phải đóng án phí?
- Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể
Để được tư vấn chi tiết về phân chia tài sản của cha đã mất, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 24/7: 19006500 để được luật sư tư vấn hoặc Gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Xin chân thành cảm ơn.