Người thừa kế di sản theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015
14:17 27/03/2019
Tóm lại, BLDS 2015 đã quy định rất cụ thể các trường hợp người nào được hưởng di sản thừa kế, người nào không được hưởng di sản thừa kế.
- Người thừa kế di sản theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015
- Người thừa kế di sản
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Người thừa kế di sản
Câu hỏi về người thừa kế di sản
Chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi là bố mẹ tôi vừa mới mất, vậy thì những ai có quyền được hưởng di sản của bố mẹ tôi ạ? Mong sớm nhận được câu trả lời từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời về người thừa kế di sản
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi về người thừa kế di sản. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về người thừa kế di sản như sau:
1. Cơ sở pháp lý về người thừa kế di sản
2. Nội dung tư vấn về người thừa kế di sản
Thừa kế là một cụm từ "nóng" được rất nhiều người quan tâm. Khi nói đến thừa kế, mọi người thường hay quan tâm đến: Ai là người để lại di sản? Ai là người được hưởng di sản đó? Khối lượng tài sản để lại là bao nhiêu? Mỗi người được hưởng sẽ nhận được bao nhiêu phần?... Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người ta không biết hay không biết rõ về đối tượng được hưởng di sản thừa kế (hay còn gọi là người thừa kế). Họ không biết rõ cuối cùng di sản đó sẽ thuộc về cá nhân hay tổ chức nào? Cụ thể, những nội dung về người nào được hưởng di sản thừa kế, người nào không được hưởng di sản thừa kế được quy định như sau:
2.1. Thế nào là người thừa kế
Theo điều 613 BLDS 2015 quy định:
"Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế".
Thông thường chúng ta hiểu, người thừa kế là người được hưởng di sản thừa kế do người đã chết để lại theo di chúc hoặc theo quy định pháp luật.
Nếu thừa kế theo di chúc thì những đối tượng được đề cập trong bản di chúc sẽ được hưởng di sản theo di chúc. Còn trường hợp không có di chúc thì khối di sản đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Trường hợp chia di sản thừa kế theo pháp luật như thế nào thì sẽ được chúng tôi đề cập ở phần 2.2 dưới đây.
2.2. Những đối tượng được hưởng di sản thừa kế
Theo quy định của BLDS 2015 quy định, người thừa kế di sản có thể là cá nhân hoặc người thừa kế không phải là cá nhân.
2.2.1. Người thừa kế là cá nhân
Cá nhân là chủ thể không thể loại trừ khi nhắc đến đối tượng có thể được hưởng di sản thừa kế. Cá nhân có thể hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
- Theo di chúc: Mọi cá nhân được xác định đều được hưởng di sản theo di chúc. Những cá nhân này có thể là bất cứ ai mà không bị xét về mối quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng,...
- Theo pháp luật: Pháp luật xác định người thừa kế dựa trên quan hệ nhân thân với người đã chết: huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng,...
BLDS 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Như vậy, những người thừa kế theo pháp luật được xếp thành ba hàng thừa kế (nhóm người có cùng mức độ quan hệ gần gũi với người chết và cùng được hưởng di sản ngang nhau) như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất: bao gồm mối quan hệ giữa vợ và chồng, mối quan hệ giữa cha, mẹ và con cái
+ Quan hệ giữa vợ và chồng: Căn cứ xác định mối quan hệ giữa vợ - chồng là quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận. Vợ - chồng được hưởng thừa kế của nhau khi một bên mất trong thời điểm mở thừa kế mà quan hệ hôn nhân của họ vẫn còn tồn tại về mặt pháp luật. Khi người này chết thì người kia sẽ được hưởng theo kế theo hàng thừa kế thứ nhất và ngược lại.
+ Quan hệ giữa cha, mẹ và con: Căn cứ xác định mối quan hệ này bao gồm: Quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Trong mối quan hệ huyết thống, cha mẹ mà sinh ra mình mà được pháp luật thừa nhận thì đều là những người được hưởng thừa kế hàng thứ nhất theo pháp luật khi người con chết. Và ngược lại, nếu cha mẹ chết thì người con dù là trong hay ngoài giá thú đều được hưởng di sản thừa kế mà cha, mẹ để lại theo hàng thừa kế thứ nhất. Trong quan hệ nuôi dưỡng, pháp luật sẽ xét trong quan hệ giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi. Cha nuôi, mẹ nuôi là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hưởng di sản thừa kế của con nuôi khi con nuôi chết và con nuôi cũng là người thừa kế di sản thuộc hàng thừa kế thứ nhất kho cha nuôi, mẹ nuôi chết.
- Hàng thừa kế thứ hai: bao gồm quan hệ giữa ông, bà và cháu, quan hệ giữa anh ruột, chị ruột và em ruột.
+ Quan hệ giữa ông, bà và cháu: Căn cứ để xác định mối quan hệ thừa kế này chỉ dựa vào quan hệ huyết thống. Pháp luật không đương nhiên thừa nhận giữa cha mẹ đẻ của một người với con nuôi của người đó có quan hệ thừa kế. Pháp luật chỉ thừa nhận ông bà nội ngoại là cha mẹ của cha mẹ mình mới có quan hệ thừa kế. Khi người cháu chết, nếu còn sống thì ông bà nội ngoại sẽ được hưởng di sản của người cháu theo hàng thừa kế thứ hai. Ngược lại, nếu ông bà nội ngoại chết thì người cháu này sẽ là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai.
+ Quan hệ giữa anh ruột, chị ruột và em ruột: Anh, chị, em ruột có thể là những người cùng cha mẹ, có thể là những người cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Nếu anh hoặc chị hoặc cả anh, cả chị chết thì em ruột sẽ là người hưởng di sản thừa kế của anh chị ruột theo hàng thừa kế thứ hai. Ngược lại, nếu mà em chết thì anh chị ruột sẽ là người thuộc hưởng di sản của em theo hàng thừa kế thứ hai.
- Hàng thừa kế thứ ba: bao gồm mối quan hệ giữa cụ và chắt; giữa bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột và cháu ruột.
+ Quan hệ giữa cụ và chắt: Căn cứ để xác lập quyền thừa kế dựa vào quan hệ huyết thống. Cũng giống như mói quan hệ giữa ông, bà với cháu, khi chắt chết, các cụ nội ngoại là người thừa kế thuộc hàng thừa ké thứ ba của chắt và khi các cụ nội ngoại chết thì chắt ruột là người thừa kế được hưởng di sản thừa kế của người cụ đó theo hàng thừa kế thứ ba.
+ Quan hệ giữa bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột và cháu ruột: Căn cứ để xác lập mối quan hệ thừa kế này dựa vào quan hệ huyết thống. Họ đều là những người anh, chị, em, con ruột của mình. Khi bác, chú, cô, dì, cậu ruột chết thì cháu ruột là người thừa kế theo hàng thừa kế thứ ba. Nếu cháu ruột chết trước thì bác, chú, cô, dì, cậu ruột đang còn sống sẽ là người thuộc hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật.
[caption id="attachment_145297" align="aligncenter" width="428"] Người thừa kế di sản[/caption]
2.2.2. Người thừa kế không phải là cá nhân
Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân chỉ được hưởng di sản thừa kế theo di chúc, không được hưởng thừa kế theo pháp luật.
Điều kiện để người thừa kế không phải là cá nhân được hưởng di sản thừa kế là họ phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế theo điều 613 BLDS 2015. Người thừa kế không phải là cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
BLDS 2015 quy định người thừa kế có thể không phải cá nhân là một điểm mới đáng chú ý của nhà làm luật so với BLDS 2005. Người thừa kế không phải là cá nhân ở đây được hiểu là bất kì ai không phải là cá nhân được đề cập trong di chúc thì đều được hưởng thừa kế. Người thừa kế không phải là cá nhân ở đây có thể hiểu rộng ra bao gồm: pháp nhân, cơ quan, tổ chức khác không phải pháp nhân. Bởi lẽ, BLDS 2015 quy định chủ thể quan hệ dân sự chỉ có cá nhân và pháp nhân. Nhưng trong điều 631 quy định về nội dung di chúc thì BLDS 2015 cũng đề cập đến việc "cơ quan, tổ chức được hưởng di sản thừa kế". Tuy nhiên, không phải lúc nào những trường hợp trên cũng được hưởng di sản thừa kế. Có những trường hợp đặc biệt bị tước bỏ quyền thừa kế. Những trường hợp không được hưởng quyền thừa kế sẽ được đề cập trong phần 2.3 sau đây.
2.3. Những đối tượng không được hưởng di sản thừa kế
Những đối tượng không được hưởng di sản thừa kế được quy định tại điều 621 như sau:
"Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc."
Như vậy, người thừa kế bị tước quyền hưởng di sản nếu vi phạm một trong các trường hợp: Khi họ bị kết án hình sự đã có hiệu lực pháp luật; khi người thừa kế bị coi có hành vi không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; hoặc khi người thừa kế có hành vi phạm tội với động cơ hưởng phần di sản mà thuộc quyền hưởng thừa kế của người khác; hoặc có thể là họ có hành vi lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản, giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy, che giấu di chúc mà người để lại di sản đã lập để hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ không được quyền hưởng di sản.
Kết luận: Tóm lại, BLDS 2015 đã quy định rất cụ thể các trường hợp người nào được hưởng di sản thừa kế, người nào không được hưởng di sản thừa kế. Theo đó, chủ thể được hưởng di sản thừa kế là cá nhân hoặc không phải là cá nhân. Chủ thể không được hưởng di sản thừa kế là những người bị kết án hình sự, vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản, người có những hành vi xấu, trái với ý chí của người để lại di sản...
Bài viết có thể tham khảo:
Để được tư vấn chi tiết về Người thừa kế di sản, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 24/7: 1900 6500 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất. Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.
Chuyên viên: Kiều Trinh