Người đứng tên trên sổ tiết kiệm qua đời thì ai được rút tiền trong ngân hàng?
09:16 05/02/2018
Người đứng tên trên sổ tiết kiệm qua đời thì ai được rút tiền trong ngân hàng? Tôi là người nước ngoài, lấy vợ người Việt Nam, đã đăng ký kết hôn
- Người đứng tên trên sổ tiết kiệm qua đời thì ai được rút tiền trong ngân hàng?
- rút tiền trong ngân hàng
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
RÚT TIỀN TRONG NGÂN HÀNG
Câu hỏi của bạn:
Chào Luật sư. Tôi là người nước ngoài, lấy vợ người Việt Nam, đã đăng ký kết hôn tại Việt Nam, chưa có con. Hiện tôi vẫn cư trú tại nước ngoài. Chúng tôi có gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng Việt Nam nhưng chỉ đứng tên một mình vợ. Xin hỏi trong trường hợp vợ tôi qua đời thì tôi có quyền sở hữu hay rút số tiền đó không? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi, xin cảm ơn.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế về tiền gửi tiết kiệm
- Quyết định 47/2006/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN
Nội dung tư vấn về rút tiền trong ngân hàng
1. Thừa kế tài sản khi vợ qua đời
Trước tiên, bạn cần xác định khoản tiền mà vợ bạn đang đứng tên trong ngân hàng là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của vợ bạn.
Nếu đây là tài sản riêng của vợ bạn thì khi vợ bạn qua đời không để lại di chúc thì tài sản sẽ được phân chia theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự tại Điều 651 BLDS như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, khi vợ bạn qua đời, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: bố, mẹ của vợ bạn, bạn, con của vợ bạn sẽ được hưởng các phần di sản bằng nhau. Trường hợp chỉ có mình bạn thì bạn sẽ được hưởng toàn bộ tài sản mà vợ mình để lại.
Nếu đây là tài sản chung của hai vợ chồng bạn thì theo nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình, thường là mỗi người sở hữu ngang nhau - 50% giá trị tài sản sở hữu chung. Khi đó 50% giá trị tài sản thuộc sở hữu của bạn, 50% giá trị tài sản còn lại của vợ bạn sẽ trở thành di sản thừa kế và được phân chia tương tự như trường hợp tài sản riêng của vợ bạn. [caption id="attachment_73736" align="aligncenter" width="402"] Rút tiền trong ngân hàng[/caption]
2. Người đứng tên trên sổ tiết kiệm qua đời thì ai được rút tiền trong ngân hàng?
Theo Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN (được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 04/2011/TT-NHNN), chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm (sổ tiết kiệm), đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm (khoản 3, khoản 4 Điều 6 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm). Do đó, trên sổ tiết kiệm có thể do một người đứng tên chủ sở hữu hoặc nhiều người cùng đứng tên đồng sở hữu. Cũng theo Quy chế này thì đối tượng gửi tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam là các cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (Điều 3). Vì bạn là người nước ngoài và hiện nay bạn vẫn đang cư trú tại nước ngoài nên không thuộc đối tượng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng Việt Nam.
Theo Điều 17 Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN, thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các quy định về thừa kế tại BLDS và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 BLDS cũng như những phân tích tại phần 1 trên thì bạn là một trong những người thuộc diện hưởng di sản thừa kế của vợ bạn. Nếu bạn muốn rút tiền thì trước tiên cần làm thủ tục thừa kế. Để làm thủ tục thừa kế, những người thừa kế cần phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó có phần di sản là sổ tiết kiệm và thỏa thuận này cần phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật công chứng. Sau khi thực hiện xong thủ tục này thì bạn có quyền đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm là di sản thừa kế theo trình tự, thủ tục, hướng dẫn của ngân hàng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
- Quy định của pháp luật về thủ tục khai nhận di sản thừa kế
- Phân chia di sản thừa kế không có di chúc
Để được tư vấn chi tiết về rút tiền trong ngân hàng, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 24/7: 19006500 để được luật sư tư vấn hoặc Gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Xin chân thành cảm ơn.