Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế mới nhất 2020
16:10 14/07/2017
Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế. Để được bảo hộ, sáng chế phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định. Những tiêu chuẩn đó là tính mới ... Liên hệ 1900.6500
- Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế mới nhất 2020
- điều kiện bảo hộ đối với sáng chế
- Pháp luật sở hữu trí tuệ
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ
Chào Luật sư, tôi có một câu hỏi mong được Luật sư tư vấn giúp. Tôi đang muốn đăng ký bảo hộ cho một sản phẩm dưới dạng sáng chế nhưng tôi chưa hiểu rõ điều kiện để được bảo hộ sáng chế là gì? Rất mong Luật sư có thể giải đáp.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về điều kiện bảo hộ đối với sáng chế, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn về điều kiện bảo hộ sáng chế như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp
1. Sáng chế là gì? Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế như thế nào?
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Giải pháp kỹ thuật là gì?
Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.
Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
(i) Sản phẩm:
- Sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc
- Sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;
(ii) Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.):
- Được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.
Việc bảo hộ sáng chế phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, không phải mọi sáng chế đều có thể được bảo hộ. Điều kiện, trình tự, thủ tục bảo hộ sáng chế được chúng tôi tư vấn chi tiết như sau:
2. Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế
Theo điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định như sau:
Điều 58. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ
1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có trình độ sáng tạo;
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Bên cạnh đó, tại điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ quy định những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế như sau:
Điều 59. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
3. Cách thức thể hiện thông tin;
4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
5. Giống thực vật, giống động vật;
6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Những đối tượng được liệt kê không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nên được hiểu theo nghĩa hoặc là những đối tượng đó được bảo hộ dưới hình thức khác hoặc đây là những đối tượng có tính phổ biến, hay đơn giản, hay có vai trò chung đối với cộng đồng xã hội. Vì vậy nếu bảo hộ thì sẽ hạn chế quyền sử dụng, khai thác các lợi ích của những đối tượng đó.
2.1. Có tính mới
Theo điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:
Điều 60. Tính mới của sáng chế
1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
2. Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.
3. Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ.
4. Quy định tại khoản 3 Điều này cũng áp dụng đối với sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.
2.2. Có trình độ sáng tạo
Vấn đề có trình độ sáng tạo chỉ được đặt ra nếu đã có tính mới. Theo đó điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
Điều 61.Trình độ sáng tạo của sáng chế
1. Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
2. Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 60 của Luật này không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.
Việc tạo ra sáng chế là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Như vậy, sáng chế phải được tạo ra từ quá trình đầu tư nhất định, là thành quả của ý tưởng sáng tạo nổi trội hơn so với các giải pháp thông thường dựa trên những hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực kỹ thuật.
Nếu bất kỳ người nào có kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn đăng ký thì sáng chế đó không được coi là có tính sáng tạo. Trong các trường hợp sau, giải pháp kỹ thuật là nội dung của sáng chế được coi là không có tính sáng tạo:
- Giải pháp kỹ thuật là tập hợp các dấu hiệu cơ bản mang tính hiển nhiên (bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng cũng biết rằng để thực hiện chức năng đã định hoặc để đạt được mục đích đã định tất yếu phải sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó và ngược lại khi sử dụng tập hợp các dấu hiệu đó thì tất yếu phải đạt được mục đích hoặc thực hiện được chức năng tương ứng);
- Giải pháp kỹ thuật là tập hợp các dấu hiệu cơ bản khác biệt đã được bộc lộ dưới dạng đồng nhất hoặc tương đương trong một hay một số giải pháp kỹ thuật nào đó đã biết trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc;
- Giải pháp kỹ thuật là sự kết hợp đơn giản của các giải pháp kỹ thuật đã biết với chức năng, mục đích và hiệu quả cũng là sự kết hợp đơn giản chức năng, mục đích và hiệu quả của từng giải pháp kỹ thuật đã biết;
2.3. Có khả năng áp dụng công nghiệp
Theo Điều 62 Luật sở hữu trí tuệ, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu:
Điều 62. Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế
Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
Như vậy, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định. Giải pháp kỹ thuật là nội dung của sáng chế được coi là có thể thực hiện được nếu các thông tin về bản chất của giải pháp cùng các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật cần thiết được trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tạo ra, sản xuất và có thể lặp lại quy trình mà vẫn thu được kết quả giống kết quả bên trong bản mô tả sáng chế. Giải pháp kỹ thuật bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bản chất của đối tượng hoặc các chỉ dẫn nhằm thực hiện đối tượng đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học (ví dụ không tuân theo nguyên lý bảo toàn năng lượng...);
- Đối tượng bao gồm các yếu tố, thành phần không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc không thể liên hệ (ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc ...) được với nhau;
- Đối tượng có chứa mâu thuẫn nội tại;
- Chỉ có thể thực hiện được các chỉ dẫn về đối tượng trong một số giới hạn lần thực hiện (không thể lặp đi lặp lại được);
- Để có thể thực hiện được giải pháp, người thực hiện phải có kỹ năng đặc biệt và kỹ năng đó không thể truyền thụ hoặc chỉ cho người khác được;
- Kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất với nhau;
- Kết quả thu được khác với kết quả nêu trong đơn;
- Không có hoặc thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp;
Như vậy, tùy vào yêu cầu bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mà điều kiện bảo hộ khác nhau. Nhưng không phải bất kì sáng chế nào cũng được bảo hộ, cũng được cấp bằng độc quyền. Để được bảo hộ đối với sáng chế với hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế thì phải đáp ứng các điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Đối với bảo hộ Sáng chế dưới hình thức giải pháp hữu ích thì đó không phải là hiểu biết thông thường và có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp. Để đăng ký bảo hộ sáng chế, quý vị có thể tham khảo thêm các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp về bảo hộ sáng chế dưới đây:
Tư vấn qua điện thoại: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về hồ sơ, trình tự, thủ tục,đăng ký hoặc các vấn đề khác liên quan đến bảo hộ sáng chế mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.
Dịch vụ thực tế: Luật Toàn Quốc cung cấp dịch vụ pháp lý về điều kiện bảo hộ đối với sáng chế như: soạn thảo hồ sơ đăng ký sáng chế; soạn thảo và thực hiện thủ tục tác đơn, chuyển giao đơn, chuyển nhượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích; thực hiện thủ tục chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích; thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế,....Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về điều kiện bảo hộ đối với sáng chế:
Bài viết tham khảo:
- Tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp
- Tư vấn pháp luật doanh nghiệp
- Tư vấn thành lập công ty trọn gói
- Luật sư tư vấn quản lý doanh nghiệp
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Văn Chung