Khách hàng vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không?
14:12 09/08/2022
Có một số trường hợp người dân khi vay tiền ngân hàng bị bắt mua bảo hiểm. Vậy vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không? Ngân hàng ép người vay tiền phải mua bảo hiểm có đúng luật không? Hãy cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu trong bài viết này bạn nhé.
- Khách hàng vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không?
- vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
VAY TIỀN NGÂN HÀNG CÓ BẮT BUỘC MUA BẢO HIỂM KHÔNG?
Câu hỏi của bạn:
Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: hiện tại tôi có nhu cầu thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng. Nhưng trong quá trình làm việc thì tôi lại được nhân viên ngân hàng tư vấn là muốn vay vốn ngân hàng tôi phải tham gia một gói bảo hiểm. Vậy Luật sư cho tôi hỏi nhân viên ngân hàng tư vấn như vậy có đúng không? Có quy định nào bắt buộc người vay tiền phải tham gia bảo hiểm không? Mong Luật sư tư vấn giúp! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không về cho chúng tôi, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không như sau:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật kinh doanh bảo hiểm 2000;
- Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Công văn số 7928/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm.
1. Thực trạng việc ngân hàng bắt người vay vốn phải mua bảo hiểm
Vay vốn ngân hàng là một hoạt động đang diễn ra rất phổ biến hiện nay nhằm đáp ứng các nhu cầu như kinh doanh, mua nhà, sửa nhà, mua xe, thậm chí là vay cho nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây phần lớn người dân khi liên hệ với các ngân hàng để được giải quyết nhu cầu vay vốn thì đều được tư vấn là khi vay vốn tại ngân hàng, khách hàng sẽ phải tham gia một gói bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm mà ngân hàng có liên kết. Bảo hiểm này có thể là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay hoặc các loại bảo hiểm khác.
Những điều này đang dẫn đến sự bức xúc với phần lớn người dân, nhiều người cho rằng mình đang bị “ép” phải tham gia bảo hiểm khi không thực sự có nhu cầu và điều kiện không cho phép. Bởi lẽ khi phải đi vay ngân hàng tức là tình hình tài chính của họ đang gặp khó khăn, nên việc tham gia một gói bảo hiểm vào thời điểm đó chưa thực sự phù hợp và có thể sẽ lại trở thành gánh nặng đối với họ. Tuy nhiên, nếu không đồng ý mua gói bảo hiểm đó thì người dân có thể không được ngân hàng cho vay vốn, nên cho dù không mong muốn thì vẫn phải chấp nhận kí giấy mua bảo hiểm để giải quyết vấn đề trước mắt. Bởi số tiền bảo hiểm mà họ phải chi trả là không hề nhỏ, thông thường sẽ được xác định theo một tỉ lệ nhất định tính trên số tiền mà ngân hàng cho vay, có thể lên đến vài chục triệu một năm, thậm chí có những gói bảo hiểm phải duy trì nhiều năm, nếu chỉ đóng một năm đầu và những năm sau không có khả năng để đóng tiếp thì có thể sẽ bị mất toàn bộ số tiền đó.
2. Vay tiền ngân hàng có bắt buộc mua bảo hiểm không?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN điều kiện để ngân hàng quyết định cho khách hàng vay vốn đó là:
- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
- Có phương án sử dụng vốn khả thi.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, với các quy định nêu trên, có thể dễ dàng nhận thấy việc mua bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc khách hàng phải đáp ứng khi vay vốn ngân hàng.
3. Ngân hàng “ép” khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm có vi phạm pháp luật không?
Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định bên mua bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, việc mua bảo hiểm phải dựa trên sự tự nguyện, xuất phát từ chính nhu cầu của người mua và phải phù hợp với điều kiện kinh tế của người mua, có như vậy bảo hiểm mới phát huy được hết giá trị của mình.
Còn đối với khách hàng vay vốn ngân hàng, có thể họ chưa thực sự có nhu cầu hoặc điều kiện không cho phép nhưng vì để được giải quyết nhu cầu về vốn mà họ đã phải tự nguyện mua bảo hiểm do ngân hàng chỉ định nhưng sự tự nguyện này xuất phát từ chính những điều kiện mà ngân hàng đưa ra, không hoàn toàn xuất phát từ mong muốn của họ nên việc họ mua bảo hiểm cũng chẳng mấy vui vẻ, thoải mái.
Điều 9 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022, cấm đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, hành vi ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm có thể được coi là một hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
4. Ngân hàng “ép” người vay tiền mua bảo hiểm bị xử lý như thế nào?
Tại Công văn số 7928/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có yêu cầu:
Rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của TCTD và xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Như vậy, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc, quản lý chặt chẽ và yêu cầu xử lý đối với các ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.
Tại Điều 15 Nghị định 98/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Can thiệp trái pháp luật vào việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm;
Căn cứ quy định trên, hành vi “ép’ khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm để được hưởng ưu đãi về lãi suất hoặc để được duyệt khoản vay có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Bài viết tham khảo: