• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

      Nuôi con nuôi là quy định hết sức nhân văn, thể hiện tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của con người Việt Nam. Luật Nuôi con nuôi năm 2010 ra đời nhằm tạo điều kiện về pháp lý cho hoạt động nuôi con nuôi, trong đó có quy định về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • Trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em theo quy định hiện hành
  • Trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em
  • Hỏi đáp luật dân sự
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

1. Gia đình thay thế là gì?

     Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, gia đình thay thế được định nghĩa là gia đình nhận trẻ em làm con nuôi. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

      Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

2. Trường hợp phải tìm gia đình thay thế cho trẻ em

     Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, trường hợp trẻ em không được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gốc (gia đình của những người có quan hệ huyết thống) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ.

     Việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em nhằm bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi,...) có cơ hội được nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng và lớn lên trong điều kiện sống và học tập tốt hơn. Từ đó, bảo đảm trẻ em có điều kiện hòa nhập tốt vào đời sống cộng đồng dân tộc, với bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo... của Việt Nam và trở thành công dân có ích cho xã hội.

     Quy định về nhận con nuôi cũng nhằm đảm bảo nguyên tắc “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” theo quy định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 và “bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình” theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016.

3. Ai có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em?

     Căn cứ Điều 15 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em được quy định như sau:

  • Đối với trẻ em bị bỏ rơi

     - Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

  • Đối với trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng

     - Người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

  • Đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế: 

      - Cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. 

     - Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo 03 lần liên tiếp trên báo viết hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp;

     - Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Bộ Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

4. Câu hỏi liên quan đến vấn đề “Trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em”

Câu hỏi 1: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi?

Căn cứ Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

Điều 9. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

3. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

     Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

Câu hỏi 2: Có thể nộp hồ sơ nhận con nuôi ở đâu?

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

Câu hỏi 3: Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được quy định thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

Điều 5. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế

1. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện quy định sau đây:

a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178