• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Tội lừa dối khách hàng theo Bộ luật Hình sự hiện hành, Tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 162 Bộ Luật Hình Sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

  • Tội lừa dối khách hàng theo Bộ luật Hình sự hiện hành
  • điều 162 bộ luật hình sự
  • Hỏi đáp luật hình sự
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

TỘI LỪA DỐI KHÁCH HÀNG

    Kiến thức của bạn: 

         Quy định của pháp luật Hình sự về tội lừa dối khách hàng

 Kiến thức của luật sư:

Căn cứ pháp lý:

Nội dung tư vấn:     Điều 8 BLHS 1999 quy định:

Điều 8. Khái niệm tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

     Điều 162. Tội lừa dối khách hàng 

Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

    Định Nghĩa: Lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng khi thực hiện hợp đồng mua, bán.

     Tội lừa dối khách hàng là tội phạm đã được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như hành vi lừa dối khách hàng rất ít khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc hành vi này xảy ra tương đối phổ biến.

    So với Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 không có nhiều sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm một số tình tiết là yếu tố định tội như: “ gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng”; “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa dược xoá án tích”; về hình phạt Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999, thêm loại hình phạt cảnh cáo và phạt tiền và tăng hình phạt cải tạo không giam giữ lên ba năm và hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cùng một điều luật. 
     Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về Tội lừa dối khách hàng chi tiết hơn, tăng khung hình phạt nặng hơn, bổ sung các tình tiết, định khung tăng nặng hình phạt, quy định cụ thể về mức thu lợi bất chính, thêm loại hình phạt "cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định" so với Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

     Tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

    Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng cũng không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người tham gia vào quá trình mua bán (thường là người bán) mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

     Các điều kiện khác về chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với các tội phạm khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào, vì cả hai khoản của Điều 162 Bộ luật hình sự không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

     Nếu chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.

Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

    Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong việc mua bán. Bất cứ trong một nền kinh tế nào thì việc mua bán phải bảo đảm tính trung thực, chống việc ăn bớt, cân điêu, mua đầy bán vơi...

     Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tội lừa dối khách hàng quy định tại chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là không phù hợp, vì nó xâm phạm trực tiếp đến lợi ích vật chất của khách hàng.

     Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, hàng hoá, vật phẩm được đưa vào quá trình mua bán trao đổi.

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

     a) Hành vi khách quan

      Để thực hiện thủ đoạn gian dối, người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc có những hành vi khác lừa dối khách hàng.

       Nhà làm luật liệt kê một số hành vi điển hình trong việc mua, bán như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng. Tuy nhiên, để bảo đảm không lọt tội, nhà làm luật quy định có tính chất mở “hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác”, nhưng thủ đoạn bao giờ cũng được thể hiện bằng một hành vi cụ thể, nên ngoài những hành vi đặc trưng đã được liệt kê, người phạm tội lừa dối khách hàng có thể có những hành vi khác.

      Có ý kién cho rằng, để phân biệt với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải căn cứ vào mối quan hệ giữa người phạm tội với bị thiệt hại. Nếu người bị thiệt hại là khách hàng (người mua là khách hàng của người bán, ngược lại người bán là khách hàng của người mua), thì hành vi của người phạm tội là hành vi lừa dối khách hàng. Như vậy, có thể suy ra, nếu người bị thiệt hại không phải là khách hàng thì hành vi gian dối là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy, mà có những trường hợp rõ ràng người mua là khách hàng của người bán, nhưng hành vi gian dối của người bán vẫn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi lừa dối khách hàng. Ví dụ: Một người đem mật gấu giả ra chợ bán và nói dối là đó là mật gấu thật, để lừa người mua. Trong trường hợp này người mua mật gấu giả là khách hàng của người bán, nhưng hành vi của người bán mật gấu giả không phải là hành vi lừa dối khách hàng mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, dấu hiệu khách hàng không phải là dấu hiệu để phân biệt giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lừa dối khách hàng.

        Vậy, dấu hiệu để phân biệt giữa hai tội này là gì ? Đây là vẫn đề không đơn giản. Nếu nhà làm luật không quy định “hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác” thì có thể căn cứ vào hành vi khách quan như: Cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng. Ngoài những hành vi này, nếu người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối khác là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vì nhà làm luật quy định ngoài những hành vi đã liệt kê còn quy định thủ đoạn gian dối khác, nên việc tìm ra dấu hiệu để phân biệt giữa tội lừa đảo với tội lừa dối khách hàng thật không đơn giản. Thực tiễn cho thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lừa dối khách hàng hầu như không có, trong khi đó thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lừa đảo lại khá nhiều, nên những trường hợp cần phân biệt không được đặt ra.

      Có ý kiến cho rằng, hành vi lừa dối khách hàng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xét về bản chất chỉ là một, nên không cần thiết phải quy định tội lừa dối khách hàng, vì trên thực tế chưa có trường hợp nào truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này, nên sự tồn tại của tội phạm này trong Bộ luật hình sự là không cần thiết. Quan điểm này có nhân tố hợp lý cả về lý luận và thực tiễn, hy vọng các nhà làm luật xem xét khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

  b) Hậu quả

    Hậu quả của hành vi lừa dối khách hàng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Hậu quả trực tiếp của hành vi lừa dối khách hàng  là gây thiệt hại vật chất cho khách hàng, làm cho khách hàng mất di một phần số lượng hàng hoá hoặc hàng hoá không bảo đảm chất lượng.

     Đối với tội lừa dối khách hàng, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội phải là người người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.

    c) Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm

    Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội lừa dối khách hàng, nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

    Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, những vẫn thực hiện.

    Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

Phạm tội lừa dối khách hàng không có các tình tiết định khung hình phạt

     Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 162 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lừa dối khách hàng, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

     So với tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì khoản 1 Điều 162 quy định thêm hai loại hình phạt nhẹ hơn so với khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985 và nếu so sánh giữa Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 với Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều luật nhẹ hơn. Vì vậy, hành vi phạm tội lừa dối khách hàng được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì không được quá một năm.

     Khi quyết định hình phạt đối với người phạm theo khoản 1 Điều 162 Bộ luật hình sự, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình cảnh cáo hoặc phạt tiền; Toà án chỉ áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giám nhẹ không đáng kể.

Phạm tội lừa dối khách hàng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự

     Khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự quy định hai trường hợp phạm tội nhưng không quy định thành các điểm khác nhau như ở một số tội phạm khác, hai trường hợp đó là: Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn.

    a) Phạm tội nhiều lần

     Cũng như trường hợp phạm tội nhiều lần đối với các tội phạm khác, lừa dối khách hàng nhiều lần là có từ hai lần lừa dối khách hàng trở lên và mỗi lần lừa dối khách hàng đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

    b) Thu lợi bất lớn

     Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp thu lợi bất chính lớn đối với một số tội phạm khác, là số tiền lời mà người phạm tội thu được do hành vi lừa dối khách hàng. Số tiền thu lợi bất chính là hiệu số của giá trị tiền vốn mà người phạm tội bỏ ra để kinh doanh với số tiền thu được mà người phạm tội do lừa dối khách hàng thu được. Ví dụ: Một người bỏ ra 500 triệu để kinh doanh và thu về được 600 triệu, thì số tiền thu lợi bất chính là 100 triệu đồng (600.000.000 - 500.000.000 = 100.000.000)

    Trong khi chưa có hướng dẫn của các cơ quan chức năng, căn vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm này, đối chiếu với một số tội phạm khác, có thể coi thu lợi bất chính lớn nếu người phạm tội lừa dối khách hàng thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

     Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có thể bị phạt tù từ hai năm đén bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng. So với tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, nhưng nếu so sánh giữa Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 với Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều luật nhẹ hơn. Vì vậy, hành vi phạm tội lừa dối khách hàng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu là phạm tội nhiều lần mà thu lợi bất chính chưa lớn thì chỉ áp dụng khoản 1 của điều luật vì tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt mới.

     Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội đầu cơ theo khoản 2 Điều 162 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì Toà án có thể phạt người phạm tội dưới hai năm tù. Nếu người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

   Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

   So với Điều 185 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này, thì khoản 3 Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt tiền thay cho hình phạt cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc những công việc nhất định. Vì vậy, nếu người phạm tội lừa dối khách hàng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không được áp dụng hình phạt bổ sung, vì hình phạt cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc những công việc nhất định đã bị bỏ, còn hình phạt tiền lại là hình phạt mới.

      Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Nếu còn bất cứ vướng mắc nào, bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật hình sự miễn phí 24/7 : 19006500 để gặp trực tiếp luật sư tư vấn và  để  yêu cầu  cung cấp dịch vụ. Hoặc Gửi nội dung tư vấn qua email: lienhe@luattoanquoc.com. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của bạn.Chúng tôi luôn mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người để chúng tôi ngày càng trở lên chuyên nghiệp hơn.

     Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của mọi người.

     Trân trọng ./.

     Liên kết ngoài tham khảo:

Tư vấn pháp luật hình sự 24/7: 1900.6178

Thủ tục kháng cáo 

Thủ tục kháng nghị

Thủ tục xét xử sơ thẩm

Thủ tục xét xử phúc thẩm

Luật sư  bào chữa vụ án hình sự      

Luật sư tư vấn luật hình sự

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178