Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của csvhnn
11:46 14/07/2020
Tải Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động
- Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của csvhnn
- Nghị định 126/2018/NĐ-CP
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Nghị định 126/2018/NĐ-CP
Nghị định này quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam); trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/2018/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ VĂN HÓA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam); trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo điều ước quốc tế về việc thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
2. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được thành lập không theo điều ước quốc tế.
3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam là tên gọi chung của tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận trong lĩnh vực văn hóa và một số lĩnh vực khác liên quan được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép, do tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi là bên nước ngoài) thành lập hoặc tham gia thành lập và tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Người quản lý và nhân viên của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam là công dân của nước đặt trụ sở cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được cử, tuyển dụng đến làm việc tại Việt Nam; công dân Việt Nam và công dân nước thứ ba được tuyển dụng.
3. Người đại diện theo pháp luật của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam là công dân nước đặt trụ sở cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
4. Trụ sở là địa điểm của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
5. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác ngoài nơi đặt trụ sở của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
6. Giấy chứng nhận đăng ký là văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động theo điều ước quốc tế.
7. Giấy phép là văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thành lập và hoạt động đối với cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được thành lập không theo điều ước quốc tế.
8. Giấy chứng nhận là văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thành lập và hoạt động đối với chi nhánh cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động
1. Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép. Chi nhánh của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động sau khi có Giấy chứng nhận. Mọi hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài và chi nhánh tại Việt Nam phải phù hợp với nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép, Giấy chứng nhận.
2. Trong quá trình hoạt động, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phong tục, tập quán, văn hóa của Việt Nam; không được phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng danh nghĩa, cơ sở vật chất của mình để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của nước khác.
3. Trong trường hợp hoạt động trong các lĩnh vực khác có liên quan, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lĩnh vực đó.
4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trong quá trình hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương II
CẤP, CẤP LẠI, GIA HẠN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ, GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ VĂN HÓA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Điều 5. Hồ sơ, trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
1. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Dự kiến cơ cấu tổ chức và bộ máy;
c) Dự thảo Quy chế hoạt động;
d) Lý lịch người được dự kiến bổ nhiệm là người đại diện theo pháp luật.
Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng.
2. Trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:
a) Bên nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho bên nước ngoài để bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký:
a) Nếu điều ước quốc tế có quy định về thời hạn hiệu lực, thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký được căn cứ theo thời hạn hiệu lực của điều ước quốc tế đó và được gia hạn theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
b) Nếu điều ước quốc tế không quy định về thời hạn hiệu lực, thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký là 05 năm và được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Điều 6. Hồ sơ, trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
1. Giấy chứng nhận đăng ký được cấp lại theo một trong các trường hợp sau:
a) Bị rách, hỏng hoặc bị mất;
b) Thay đổi về tên gọi, địa điểm trụ sở, người đại diện theo pháp luật hoặc nội dung hoạt động khi điều ước quốc tế có điều chỉnh.
2. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận đăng ký (đối với trường hợp bị rách, hỏng);
c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký có công chứng và các tài liệu chứng minh việc thay đổi (đối với trường hợp được quy định tại điểm b khoản 1 Điều này).
Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
3. Trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:
a) Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam để bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 7. Hồ sơ, trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
1. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo kết quả hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam kể từ khi có Giấy chứng nhận đăng ký đến thời điểm đề nghị gia hạn.
Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
2. Trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:
a) Ít nhất 45 ngày làm việc, trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký hết thời hạn, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam để bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký. Trường hợp cần lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 8. Điều kiện, hồ sơ, trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
1. Bên nước ngoài được phép thành lập cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng;
b) Có dự án thành lập cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam;
c) Có phương án đảm bảo tài chính cho hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam;
d) Có tư cách pháp nhân (đối với tổ chức).
2. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy chứng nhận tư cách pháp nhân (đối với tổ chức) hoặc lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương (đối với cá nhân) được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Dự kiến cơ cấu tổ chức và bộ máy, dự thảo quy chế hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam;
d) Lý lịch tư pháp (hoặc văn bản có giá trị tương đương) của người dự kiến được bổ nhiệm là người đại diện theo pháp luật của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước đặt cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam cấp và được hợp pháp hóa lãnh sự. Nếu người dự kiến được bổ nhiệm đã cư trú tại Việt Nam trên 06 tháng thì cần có lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng.
3. Trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:
a) Bên nước ngoài đứng tên đề nghị cấp Giấy phép nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho bên nước ngoài để bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy phép theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Thời hạn Giấy phép:
Thời hạn Giấy phép là 05 năm và được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Điều 9. Hồ sơ, trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
1. Giấy phép được cấp lại theo một trong các trường hợp sau:
a) Bị rách, hỏng hoặc bị mất;
b) Thay đổi về tên gọi, địa điểm trụ sở, người đại diện theo pháp luật;
c) Bổ sung nội dung hoạt động ghi trong Giấy phép.
2. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy phép (đối với trường hợp bị rách, hỏng);
c) Bản sao Giấy phép có công chứng và các tài liệu chứng minh việc thay đổi, bổ sung (đối với trường hợp theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này).
Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
3. Trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền:
a) Cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam để bổ sung hồ sơ;
c) Đối với trường hợp được quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp lại Giấy phép;
d) Đối với trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp lại Giấy phép sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 10. Hồ sơ, trình tự, cách thức, thời hạn giải quyết và thẩm quyền gia hạn Giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
1. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo kết quả hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài kể từ khi có Giấy phép đến thời điểm đề nghị gia hạn.
...................................................
Bạn có thể tải Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam tại đây:
>> Nghị định 126/2018/NĐ-CP
Bạn có thể tham khảo bài viết sau:
- Nghị định 103/2009/NĐ-CP BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA CÔNG CỘNG
- Thông tư 08/2014/TT-BVHTTDL trình tự thủ tục xét công nhận cơ quan đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa
Để được tư vấn chi tiết về Nghị định 126/2018/NĐ-CP quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hành chính 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.