Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề
14:55 28/02/2018
Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề. Tôi là bộ đội vừa xuất ngũ tháng 1/2018. Trước khi xuất ngũ chúng tôi có được tư vấn nghề tại trung đoàn.
- Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề
- quyền lợi của bộ đội xuất ngũ
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
QUYỀN LỢI CỦA BỘ ĐỘI XUẤT NGŨ
Câu hỏi của bạn:
Kính chào các Luật sư. Tôi có một thắc mắc xin được nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi ạ.
Tôi là bộ đội vừa xuất ngũ tháng 1/2018. Trước khi xuất ngũ chúng tôi có được tư vấn nghề tại trung đoàn. Các trường nghề có mang theo hồ sơ để chúng tôi đăng kí. Sau đó tôi đã đăng kí học nghề tại một trường trung cấp ở BN. Theo như thông tin chúng tôi được phổ biến từ cán bộ lãnh đạo và của trường thì tôi được biết bộ đội có thẻ học nghề khi đi học sẽ được miễn 100% học phí và nhiều khoản khác. Theo như nhà trường thì nếu chúng tôi học tại trường, ngoài miễn học phí sẽ được miễn phí chỗ ở nếu ở kí túc xá. Nhưng riêng tiền ăn thì chúng tôi vẫn phải đóng cho nhà trường chứ không được miễn. Vậy cho tôi hỏi nhà trường làm thế có đúng quy định không? Và có thẻ học nghề bộ đội được hưởng và miễn những khoản gì?
Xin chân thành cảm ơn các Luật sư!
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015
- Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
- Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm
- Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm
- Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng
Nội dung tư vấn về quyền lợi của bộ đội xuất ngũ
1. Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ
Công dân khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định, có đủ điều kiện xuất ngũ theo Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự thì hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng những quyền lợi sau:
- Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;
- Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;
- Được trợ cấp tạo việc làm;
- Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;
- Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật;
- Được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 của Luật Nghĩa vụ quân sự, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
2. Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề
Một trong những quyền lợi được hưởng của công dân sau khi xuất ngũ chính là được trợ cấp tạo việc làm. Quy định này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, trong đó khoản 3 Điều này đề cập: “Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ Điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm”.
Điều 16 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề như sau:
“1. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ: a) Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn; b) Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 2. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp. 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định này.”
Cụ thể được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề:
“a) Thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề (sau đây gọi là Thẻ) thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ các nội dung sau:
- Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;
- Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. b) Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế. c) Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.”
Như vậy, khi có thẻ đào tạo nghề thì bạn có thể hưởng những chế độ sau:
- Được hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;
- Được hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học;
- Được hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ đào tạo nghề, giá trị còn lại của thẻ đào tạo nghề (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ đào tạo nghề thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì khi bạn đi học tại trường, bạn được miễn học phí, miễn chỗ ở trong ký túc xá nhưng tiền ăn thì vẫn phải đóng cho nhà trường. Bạn cần xem xét trong trường hợp này, thẻ đào tạo nghề có một giá trị chi trả nhất định, Thẻ ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo, giá trị còn lại của Thẻ nếu có mới dùng được chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Do đó, trường hợp của bạn vẫn có thể phải chi trả tiền ăn vì thẻ đào tạo nghề đã chi trả hết các nội dung về hỗ trợ đào tạo.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
- Chế độ được hưởng khi xuất ngũ của công dân theo Luật Nghĩa vụ quân sự
- Tư vấn về giải quyết việc làm sau khi xuất ngũ
Để được tư vấn chi tiết về quyền lợi của bộ đội xuất ngũ, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất. Luật Toàn Quốc xin chân thành ơn.