Bị lừa đảo vay tiền qua app phải làm gì?
09:49 15/04/2024
Các ứng dụng vay tiền trên mạng hiện nay đang rất phổ biến, mọi người cần nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app
- Bị lừa đảo vay tiền qua app phải làm gì?
- lừa đảo vay tiền qua app
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Ngày nay khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, con người có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch mua bán, vay mượn tại nhà chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên cũng vì tính tiện ích, đơn giản của nó mà đã có nhiều trường hợp bị lừa vay tiền qua các app. Vây khi bị lừa tiền qua app phải làm sao? Bài viết dưới đây Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp một cách đầy đủ và hoàn thiện nhất về vấn đề này.
1. Vay tiền qua app là gì?
Vay tiền qua app được hiểu là hình thức vay tiền thông qua một app (ứng dụng) do bên cho vay tiền sáng lập ra, để có thể vay tiền được thì bên vay phải tải app này về trên điện thoại cá nhân của mình và dùng các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, sổ hộ khẩu để tạo tài khoản truy cập trên đó. Với hình thức vay này có ưu điểm là người dân không cần tài sản thế chấp mà vẫn có thể vay được một khoản tiền từ chục triệu đến trăm triệu, thủ tục tương đối đơn giản và thời gian giải ngân nhanh, không cần nhiều loại giấy tờ rườm rà. Tuy nhiên nhược điểm của nó là lãi suất vay rất cao và bên cạnh những app vay tiền uy tín vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng lòng tin, tình huống cấp bách cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đào chiếm đoạt tài sản.
2. Thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app
Người dân chỉ nên tìm đến các app trên mạng để vay tiền khi tình hình tài chính của bản thân đang thực sự khó khăn, không còn cách nào để giải quyết và trước khi quyết định vay tiền qua app cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về app mà mình sẽ vay, cách thức hoạt động như thế nào, lãi suất ra sao để tránh rơi vào “bẫy” do những đối tượng có động cơ lừa đảo tạo ra.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều cuộc gọi của khách hàng cần được tư vấn khi bị lừa đảo vay tiền qua mạng. Sau khi tư vấn cho những khách hàng đó, chúng tôi nhận thấy rằng các đối tượng đều chung một thủ đoạn, một hành vi để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin, có nhiều người đã bị lừa với số tiền lên đến cả chục hoặc cả trăm triệu. Và rất nhiều đối tượng lừa đảo còn mạo danh các ngân hàng, công ty, tập đoàn lớn như ngân hàng MB, SHB, BIDV, Fe Credit, Home Credit... để lấy được lòng tin của người vay tiền
Do đó, những ai có ý định vay tiền qua app đều phải xác minh thông tin kỹ lưỡng và hết sức cảnh giác với những chiêu trò sau đây:
- Khi bạn vay tiền qua app, thao tác đầu tiên mà bạn cần thực hiện là tải app (ứng dụng) về điện thoại của mình và mở tài khoản hoặc nhiều trường hợp họ sẽ cung cấp cho bạn một đường link để thao tác trực tiếp trên đường link đó;
- Tiếp theo, bạn cần kê khai các thông tin của mình như họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc, mức lương, nơi ở hiện tại, địa chỉ hộ khẩu thường trú; số tiền muốn vay, số tài khoản nhận tiền...
- Ngoài ra, hệ thống sẽ yêu cầu bạn xác thực thông tin bằng cách chụp các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hình ảnh chân dung và đăng tải lên app để lưu thông tin.
- Cho đến khi bạn hoàn tất các yêu cầu mà họ đưa ra, họ sẽ xét duyệt khoản vay của bạn và sau một thời gian sẽ thông báo là khoản vay của bạn đã được phê duyệt và được giải ngân. Tuy nhiên, khoản tiền vay này lại không được giải ngân trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của bạn trong khi trước đó bạn đã cung cấp số tài khoản ngân hàng cho bên cho vay mà lại giải ngân vào ví điện tử do bên cho vay tạo ra bằng chính thông tin của bạn;
- Sau đó bạn phải thực hiện các thao tác để rút tiền vay từ ví trên app về tài khoản ngân hàng của mình;
- Đến phần này, các chiêu trò lừa đảo dần bắt đầu xuất hiện khi ứng dụng thông báo bạn đã nhập sai thông tin như: sai số tài khoản, sai số căn cước công dân... và rất nhiều lý do khác nên bạn không thể thực hiện được việc rút tiền từ app về tài khoản ngân hàng. Và công ty sẽ đóng băng tài khoản của bạn lại và bạn không thể thực hiện được giao dịch với số tiền này;
- Bước kế tiếp, sẽ có người xưng là nhân viên của công ty sẽ hỗ trợ bạn bằng cách bạn phải chuyển cho họ một khoản tiền họ sẽ giúp bạn giải quyết với công ty để có thể gỡ phong tỏa tài khoản. Tất cả những tài khoản mà họ đưa ra để yêu cầu bạn chuyển tiền đều là tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản của công ty, doanh nghiệp hay tổ chức nào và thậm chí chủ tài khoản này cũng không hề hay biết rằng tài khoản ngân hàng của mình đang được dùng vào các hành vi vi phạm pháp luật. Và họ đang thuyết phục bạn rằng khi bạn chuyển tiền cho họ, thì số tiền này sẽ được cộng với số tiền mà app đã giải ngân cho bạn vay, sau khi bạn chuyển tiền và được gỡ phong tỏa tài khoản thì bạn sẽ rút được toàn bộ số tiền này về. Điều đó càng củng cố niềm tin ở bạn và làm cho bạn chuyển tiền cho họ.
- Tuy nhiên, khi bạn đã chuyển khoản tiền theo yêu cầu của họ đưa ra thì bạn vẫn chưa thể rút được khoản tiền vay về, họ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để bạn tiếp tục chuyển tiền cho họ. Các lý do có thể gặp phải đó là: bạn chuyển khoản nhưng không ghi hoặc ghi sai nội dung chuyển khoản nên tài khoản vẫn tiếp tục đóng băng; bạn phải chuyển khoản để mua bảo hiểm khoản vay hoặc bạn phải chuyển khoản để chứng minh khả năng trả nợ của mình... Khi các thao tác này cứ lặp đi lặp lại, bạn đã chuyển cho họ một khoản tiền lớn mà ngược lại số tiền họ cho bạn vay bạn vẫn không có cách nào để rút ra được
- Ngoài ra, khi bạn đã chuyển tiền cho họ một lần và không tiếp tục chuyển tiền theo yêu cầu của họ nữa thì họ sẽ hù dọa mình là số tiền bạn có nhu cầu vay đã được giải ngân vào tài khoản của bạn, nếu bạn không tiếp tục chuyển tiền để rút tiền về thì bạn vẫn sẽ phải trả khoản nợ này và còn bị mất số tiền đã chuyển đi. Và họ cũng không ngần ngại cắt ghép, chỉnh sửa các văn bản mạo danh cơ quan công an, tòa án... gửi đến cho bạn để làm bạn hoang mang, lo lắng; khi bạng càng lo lắng thì khả năng bạn chuyển tiền cho họ càng cao;
- Hoặc có những trường hợp khi mình phát giác ra hành vi của họ là lừa đảo thì họ sẽ đăng tải các thông tin "bóc phốt" người vay trên các trang mạng xã hội với những nội dung như người vay quỵt tiền hoặc vay tiền rồi bỏ trốn...
Đây là những thủ đoạn, chiêu trò mà những đối tượng có hành vi lừa đảo thường xuyên áp dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, tất cả mọi người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo, mất tiền oan bởi những thủ đoạn này.
3. Bị lừa vay tiền qua app có phải trả không?
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Về hình thức của hợp đồng vay tài sản thì hiện nay pháp luật cũng không có quy định bắt buộc hợp đồng phải lập thành văn bản hay bắt buộc phải công chứng, chứng thực, theo đó hợp đồng vay có thể được xác lập theo hình thức bằng miệng hoặc hình thức khác thì vẫn sẽ có hiệu lực.
Và khi hợp đồng vay tài sản đã được giao kết thì bên vay tài sản có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay theo đúng số lượng, chủng loại, thời hạn.
Như vậy, áp dụng đối với trường hợp người dân khi vay tiền qua app, nếu đó là app do những tổ chức, doanh nghiệp uy tín cung cấp và khi thực hiện các thao tác trên đó, khoản vay đã được phê duyệt, người dân đã được rút tiền từ app về thì vẫn sẽ có nghĩa vụ phải trả nợ cho bên cho vay. Và thực tế cho thấy rằng, app được xây dựng chỉ là phương tiện để bên cho vay dễ dàng tiếp cận với người có nhu cầu vay tiền hơn và qua đó người muốn vay tiền dễ dàng thể hiện mong muốn của mình về khoản tiền vay hơn. Sau khi thực hiện xong các thủ tục trên app, hai bên vẫn có thể sẽ phải kí với nhau một hợp đồng vay tiền khác.
Ngược lại, đối với trường hợp bị lừa đảo khi vay tiền qua app bằng các thủ đoạn được mô tả như trên, do các đối tượng hù dọa nên nhiều người có tâm lý hoang mang, lo sợ rằng khi app đã chuyển tiền về tài khoản của mình và đóng băng tài khoản thì mặc dù mình không nhận được tiền những vẫn sẽ phải trả tiền cho bên kia. Điều này là không chính xác, bởi đây chỉ là những chiêu trò do chúng đưa ra để đánh vào tâm lý của người dân, khi người dân hoang mang, lo sợ và sẽ chuyển thêm nhiều tiền cho chúng, thực ra không có việc chuyển tiền vào tài khoản và bị đóng băng nào cả. Do vậy, khi không nhận được tiền do app cho vay, đồng nghĩa với việc người dân cũng không có trách nhiệm phải trả nợ khoản vay này.
4. Phải làm gì khi bị lừa vay tiền qua app
Nếu bạn đã không may trở thành nạn nhân của vấn nạn lừa đảo này đồng thời bạn cũng đã chuyển tiền theo yêu cầu của những đối tượng có hành vi lừa đảo thì ngay lập tức bạn nên trình báo đến cơ quan công an sở tại để được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra để có căn cứ phục vụ cho công tác điều tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm của cơ quan công an, bạn cũng cần tập hợp các chứng cứ mà bạn có thể thu thập được bằng cách chụp lại màn hình những tin nhắn, đoạn hội thoai mà bạn đã trao đổi với những đối tượng kia hoặc số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, sao kê tài khoản ngân hàng mà bạn đã chuyển tiền do bị lừa.
Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, việc xử lý các đối tượng này trên thực tế là rất khó khăn và đang là thách thức lớn đối với cơ quan công an, bởi thông tin các đối tượng sử dụng để liên hệ với người khác trong quá trình thực hiện hành vi là thông tin giả mạo, không phải thông tin chính chủ hoặc số tài khoản ngân hàng cũng là số tài khoản của người khác hoặc phạm vi hoạt động của những đối tượng này rất rộng nên cơ quan công an khó có thể xử lý được hết. Chính bởi vậy mỗi người dân nên nêu cao ý thức tự giác, tự bảo vệ bản thân mình trước những thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi này.
5. Hậu quả của việc bị lộ thông tin khi bị lừa vay tiền qua app
Trong thời gian gần đây, mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi của khách hàng tư vấn về vấn đề bị lừa do vay tiền qua app. Có trường hợp may mắn phát hiện sớm đây là hành vi lừa đảo nên không chuyển tiền cho bên cho vay tiền, nhưng có những trường hợp không được may mắn như thế, chỉ tìm hiểu thông tin và phát hiện mình bị lừa khi đã chuyển đi một số tiền.
Tuy nhiên, kể cả khi bạn chưa chuyển tiền theo yêu cầu của bên cho vay thì cũng sẽ để lại những hậu quả từ việc này, đó là bạn đã cung cấp thông tin cá nhân của mình cho những đối tượng mà mình không biết là ai, thậm chí cung cấp cả ảnh chụp chân dung, ảnh chụp giấy tờ tùy thân cho họ. Và trên thực tế có rất nhiều người phát hiện sớm, không bị lừa bởi các chiêu trò cho vay tiền qua app, nhưng lại vướng vào các hình thức lừa đảo khác do thông tin của mình bị lộ. Nên bạn luôn luôn phải nêu cao cảnh giác trước mọi chiêu trò, hình thức giao dịch qua mạng.
Các hình thức lừa đảo qua mạng diễn ra phổ biến hiện nay:
- Bỗng một ngày bạn nhận được một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của mình mà không biết người chuyển là ai, cũng không rõ nội dung chuyển khoản là gì, bạn cần phải cảnh giác vì đây cũng có thể là một chiêu trò lừa đảo;
- Hình thức lừa đảo làm nhiệm vụ like, chia sẻ trên youtube, tiktok hưởng hoa hồng;
- Hình thức đầu tư chứng khoán, tiền ảo qua các sàn quốc tế;
- Hình thức thực hiện các công việc online như thu âm giọng nói; nhận việc làm tại nhà; mạo danh các công ty lớn, tập đoàn lớn mời phỏng vấn...
- Giả mạo cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát nhằm chiếm đoạt tài sản;
- Thông báo trúng thưởng khuyến mại, quà tặng... và rất nhiều hình thức lừa đảo khác.
6. Chuyên mục hỏi đáp:
Câu hỏi 1: Bị lừa vay tiền qua app có lấy lại được không?
Hiện nay, có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo khi vay tiền qua app, mặc dù là bên đi vay tiền nhưng lại phải chuyển tiền cho bên cho vay. Và khi đã chuyển tiền cho bên cho vay thì khả năng lấy lại được tiền là rất thấp. Người bị lừa đảo có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an nhưng vì thông tin khá hạn chế và đều không phải là thông tin thật nên cơ quan công an cũng gặp khó khăn trong quá trình điều tra.
Câu hỏi 2: Khi vay tiền qua app nhưng không nhận được tiền và bị bên cho vay đăng thông tin bôi nhọ sai sự thật lên mạng phải làm thế nào?
Trường hợp khi vay tiền qua app nhưng bên cho vay tiền không đạt được mục đích là chiếm đoạt tài sản từ người vay tiền thì những đối tượng này sẽ dùng các thủ đoạn là đăng thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay tiền. Khi đó người vay tiền có thể đăng tải các thông tin để đính chính các nội dung mà bên cho vay đã đăng tải cũng như cảnh tỉnh những người khác để không gặp phải trường hợp tương tự. Đồng thời gửi đơn trình báo đến cơ quan công an để được xem xét xử lý, nếu có thông tin thì cơ quan công an sẽ giải quyết.
Câu hỏi 3: Vay tiền qua app nhưng chỉ được giải ngân tiền vào ví trên app thì có phải trả không?
Nếu chỉ được giải ngân tiền vào ví trên app mà người vay tiền chưa rút về tài khoản ngân hàng chính chủ của mình thì tức là tài sản vay chưa được bên cho vay bàn giao cho bên vay. Do đó sẽ chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên nên bên vay sẽ không phải trả số tiền này.
Câu hỏi 4: Luật sư cho tôi hỏi: Có những cách đề phòng nào để tránh bị lừa vay tiền qua app? Tôi cảm ơn!
Để đề phòng việc gặp phải lừa đảo vay tiền online, bạn nên:
- Tăng cường kiến thức: Quan sát và tìm hiểu những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay và tăng cường cảnh giác với các đường link hoặc lời mời gọi đáng ngờ.
- Xác minh độ tin cậy trước khi giao dịch: Trước khi đưa thông tin hay thực hiện bất kỳ giao dịch nào, bạn hãy kiểm tra độ uy tín của người/tổ chức liên quan.
- Giao dịch an toàn: Hạn chế việc sử dụng các phương thức thanh toán không an toàn như: Truy cập đường link để vay tiền hoặc sử dụng các dịch vụ thanh toán không có xác thực. Thay vào đó, hãy sử dụng: PayPal, thanh toán qua ngân hàng hoặc các dịch vụ thanh toán online uy tín.
- Tăng cường bảo mật: Đảm bảo bạn đã thực hiện đủ các bước bảo mật cần thiết để đảm bảo an toàn cho tài khoản. Trước khi giao dịch cũng cần thực hiện đầy đủ các lớp bảo vệ để đảm bảo thông tin của bạn được bảo mật.
Câu hỏi 5: Bị lừa vay tiền qua app có thể trình báo cơ quan công an ở nơi tạm trú được không?
Khi bạn không may phát hiện mình bị lừa tiền qua mạng, bạn cần nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an gần nhất mà không phụ thuộc vào nơi thường trú, nơi tạm trú. Việc trình báo cần được tiến hành nhanh chóng và kịp thời để ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bài viết tham khảo: