Cảnh giác với hình thức giả danh Luật sư, Công ty luật để lừa đảo
14:44 16/04/2024
Giả danh Luật sư, Công ty luật để lừa đảo là một hình thức lừa đảo mới xuất hiện gần đây hướng đến những nạn nhân đã bị lừa tiền qua mạng và vì quá nôn nóng muốn lấy lại tiền nên sẽ rất dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
- Cảnh giác với hình thức giả danh Luật sư, Công ty luật để lừa đảo
- giả danh Luật sư Công ty luật để lừa đảo
- Pháp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
GIẢ DANH LUẬT SƯ CÔNG TY LUẬT ĐỂ LỪA ĐẢO
1. Giả danh Luật sư, công ty luật để lừa đảo được hiểu như thế nào?
Các hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay đang diễn ra với rất nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và được biến tướng, thay đổi liên tục làm cho nhiều người khó phát hiện được đây là các hình thức lừa đảo và sập bẫy. Có không ít người đã bị lừa một khoản tiền rất lớn lên đến cả trăm triệu.
Ngoài các hình thức lừa đảo quen thuộc, thời gian gần đây trên các trang mạng facebook xuất hiện một số bài đăng với các nội dung như: bạn bị treo tiền khi vay tiền trên app, treo tiền khi thực hiện các nhiệm vụ của lazada mà không rút ra được thì hãy liên hệ với Luật sư A hay công ty Luật XYZ để Luật sư giúp bạn lấy lại tiền.
Và điều đáng nói là các nội dung này đều đăng đăng tải từ các trang fanpage hoặc tài khoản facebook là tên của các công ty Luật, Luật sư có uy tín trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, và thậm chí đính kèm dưới nội dung các bài đăng còn có hình ảnh của Luật sư, thẻ Luật sư . Nhưng trên thực tế, các Luật sư và Công ty Luật lại không hề biết và không thực hiện những công việc này.
Điều đó được hiểu là các đối tượng xấu đã lợi dụng danh tiếng, uy tín của Luật sư, Công ty Luật lớn để thực hiện các hành vi nhằm mục đích lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin và có mong muốn lấy lại khoản tiền mà mình đã bị lừa trước đó.
2. Hành vi giả danh Luật sư, công ty Luật để lừa đảo hướng đến đối tượng nào?
Qua quá trình tư vấn cho khách hàng, chúng tôi nhận thấy một vấn đề đó là mỗi ngày có quá nhiều người trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo qua mạng đang diễn ra phổ biến hiện nay như:
- Lừa đảo vay tiền qua mạng;
- Lừa làm nhiệm vụ like, thả tim video youtube, tiktok;
- Lừa đặt cọc nhận hàng làm tại nhà;
- Lừa đặt cọc tham gia các cuộc thi trên mạng;
- Lừa đóng phí để tham gia phỏng vấn xin việc… và rất nhiều những hình thức lừa đảo khác.
Và tâm lý chung của những người đã chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo khi tìm đến Luật sư một phần là để tư vấn về việc mình có phải chịu trách nhiệm gì không và phần lớn là mong Luật sư tư vấn phương án giải quyết để giúp mình lấy lại số tiền đã chuyển khoản cho những đối tượng xấu.
Vậy nên, theo nhận định của chúng tôi, các hành vi mạo danh Luật sư, công ty Luật để lừa đảo sẽ hướng đến nhóm đối tượng là những người đã từng bị lừa đảo qua mạng với các lý do chủ yếu là:
- Đây là những người nhẹ dạ cả tin, dễ dàng bị thao túng tâm lý do đã từng bị lừa;
- Đây là những nạn nhân của các hình thức lừa đảo và có những người đã bị thiệt hại rất nhiều tiền và đương nhiên sẽ rất nóng lòng muốn lấy lại số tiền đã mất;
- Đây có thể là những người có điều kiện về tài chính khi đã chuyển đi một số tiền nhất định.
- Ngoài ra, những đối tượng lừa đảo có thể đã có sẵn thông tin của những người đã từng bị lừa trước đó nên sẽ dễn thuyết phục và tạo lòng tin hơn.
Chính vì vậy, tất cả mọi người và đặc biệt là những người đã từng bị sập bẫy lừa đảo luôn luôn phải nêu cao cảnh giác để không bị thiệt hại hơn nữa và tuyệt đối không được tin tưởng vào những lời cam kết, hứa hẹn chắc chắn sẽ lấy lại được tiền và tuyệt đối không được chuyển tiền cho bất cứ người nào mà mình không biết.
Luật sư là người có kiến thức, có hiểu biết, có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực pháp lý, tuy nhiên hành vi lừa đảo qua mạng là hết vi hết sức tinh vi và phức tạp, những đối tượng lừa đảo thường dùng thông tin ảo hoặc giả mạo người khác, có thể có những đối tượng hiện không ở tại Việt Nam. Nên Luật sư không thể giúp bạn tìm ra được đối tượng lừa đảo và giúp bạn lấy lại tiền được. Việc mà Luật sư có thể giúp bạn là tư vấn cho bạn về các hậu quả pháp lý có thể xảy ra và bạn cần trình báo sự việc này đến cơ quan nào để hạn chế rủi ro về sau.
3. Thủ đoạn giả danh Luật sư, công ty Luật để lừa đảo
Thủ đoạn của các đối tượng giả danh Luật sư, công ty Luật để lừa đảo thường được diễn ra theo một kịch bản chung như sau:
- Các đối tượng này sẽ lấy thông tin của các Luật sư, Công ty Luật có uy tín và tạo các tài khoản facebook;
- Trên trang facebook này có thể các đối tượng sẽ coppy và đăng tải các bài viết liên quan đến lĩnh vực luật, pháp lý để tăng mức độ tin tưởng;
- Các đối tượng đăng bài viết có thể thu hồi nợ online như hứa hẹn, tạo lòng tin cho các nạn nhân bằng các hình ảnh minh họa là những tin nhắn nói chuyện qua lại để cho nạn nhân xem và tin tưởng rằng Luật sư hay công ty luật đã giúp người khác lấy lại tiền; hình ảnh thẻ Luật sư hay các video Luật sư cam kết, hứa hẹn mà các đối tượng đã cắt ghép;
- Từ đó xây dựng được lòng tin của nạn nhân và quyết định nhờ các Luật sư hay Công ty Luật thu hồi nợ giúp mình;
- Bước tiếp theo là các đối tượng giả danh Luật sư, Công ty Luật này sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản tiền để ủy quyền cho Luật sư đi thu hồi nợ và đến khi chuyển tiền nhiều lần nhưng không thu hồi lại được hoặc bị chặn hết mọi liên lạc thì các nạn nhân mới biết là mình lại tiếp tục bị lừa.
4. Cần làm gì để không bị các đối tượng giả danh Luật sư, công ty Luật lừa đảo
Nếu bạn đã trót trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo khác thì bạn cần phải thận trọng trong mọi cuộc giao dịch để không tiếp tục bị lừa và bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, phải có tâm lý vững vàng để tránh được cám dỗ trước những lời tư vấn, mời chào của những đối tượng lừa đảo;
- Thứ hai, phải xác định rằng với những đối tượng lừa đảo qua mạng thì chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền điều tra và tìm ra được, Luật sư không có chức năng, quyền hạn để làm việc đó;
- Thứ ba, cũng cần phải xác định khi đã chuyển tiền cho các nhóm đối tượng lừa đảo theo các hình thức khác thì khả năng lấy lại được tiền là rất thấp nên không nên đặt quá nhiều hi vọng vào việc đó;
- Thứ tư, không dễ dàng chuyển tiền theo yêu cầu của bất cứ người nào khi chưa xác minh được thông tin chính thống của họ cho dù đó là khoản tiền lớn hay nhỏ;
- Thứ năm, cần kiểm tra thông tin của người xưng là Luật sư, Công ty luật đang tiếp cận mình trước khi làm theo yêu cầu của họ bằng cách nhờ người thân, bạn bè ở gần khu vực đó đến địa chỉ công ty và xác minh trực tiếp.
5. Chuyên mục hỏi đáp:
Câu hỏi 1: Bị giả mạo Luật sư lừa đảo phải làm thế nào?
Nếu bạn bị các đối tượng giả mạo Luật sư lừa đảo và đã chuyển tiền cho các đối tượng này thì cần nhanh chóng làm đơn trình báo đến cơ quan công an để được xem xét giải quyết.
Câu hỏi 2: Luật sư có thể giúp lấy lại được tiền từ các đối tượng lừa đảo không?
Trường hợp bị lừa đảo qua mạng, các đối tượng đã dùng thủ đoạn hết sức tinh vi, thông tin không có thật nên Luật sư chỉ có thể tư vấn về pháp lý, hỗ trợ soạn đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, không giúp tìm ra các đối tượng lừa đảo để lấy lại tiền được.
Câu hỏi 3: Các đối tượng lừa đảo lấy thông tin và mạo danh mình để đi lừa người khác thì mình có phải chịu trách nhiệm gì không?
Nếu bạn chứng minh được rằng các thông tin của mình đã bị lộ và các đối tượng dùng thông tin của mình để mạo danh và đi lừa thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm vì bạn không phải là người thực hiện hành vi lừa đảo.
Câu hỏi 4: Bị giả mạo Luật sư để lừa đảo phải trình báo cơ quan công an ở đâu?
Nếu bạn không may bị các đối tượng Luật sư giả mạo để lừa đảo thì bạn cần phải bình tĩnh để thu thập các tài liệu chứng cứ cũng như lưu lại thông tin của các đối tượng lừa đảo và trình báo đến công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi mình đang cư trú hiện tại.
Khi đi trình báo công an bạn cũng không cần phải trình báo theo nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà nên trình báo đến cơ quan công an sở tại để được hỗ trợ nhanh chóng.