CÓ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH DÂN TỘC CHO CON KHÁC DÂN TỘC CỦA CHA MẸ KHÔNG?
Câu hỏi của bạn:
Xin chào, cho tôi hỏi về vấn đề khai sinh dân tộc cho con. Trong trường hợp bố mẹ là người dân tộc Thái và Mường nên sử dụng ngôn ngữ là tiếng Kinh làm ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Vậy đứa con sinh ra có được khai sinh là dân tộc Kinh hay không? Vì trên thực tế đứa con chỉ biết về tiếng Kinh. Xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn:
-
Quyền xác định dân tộc, xác định lại dân tộc
Điều 29 BLDS quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc, theo đó:
“1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.
4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.
5. Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.”
[caption id="attachment_42642" align="aligncenter" width="485"]
Có được xác định dân tộc cho con khác dân tộc của cha mẹ không?[/caption]
Dân tộc là một trong những đặc điểm nhân thân cơ bản của cá nhân, có tính bền vững. Xác định dân tộc là quyền nhân thân của mỗi công dân, tuy nhiên chỉ có thể được thay đổi trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.
-
Có được xác định dân tộc cho con khác dân tộc của cha mẹ không?
Mặc dù xác định dân tộc là quyền của công dân nhưng việc xác định này cũng không được lựa chọn theo ý thích nhất thời mà cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 29 BLDS nêu trên thì con khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Khi cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ, tức là gia đình bạn có thể thỏa thuận để con theo dân tộc Thái hoặc dân tộc Mường.
Trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; tức là ở dân tộc của cha và mẹ, người ta hay lựa chọn dân tộc cho con theo dân tộc của cha thì xác định dân tộc cho con theo dân tộc của cha và ngược lại nếu tập quán hay xác định dân tộc cho con theo dân tộc mẹ thì lựa chọn dân tộc của mẹ cho con. Trường hợp tập quán ở hai nơi cha, mẹ khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Điều 42 Hiến pháp ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Như vậy, việc con bạn sinh ra chỉ có thể biết tiếng Kinh do cha mẹ sử dụng ngôn ngữ tiếng Kinh để giao tiếp hàng ngày sẽ không ảnh hưởng đến việc xác định dân tộc cho con của bạn. Mỗi công dân đều có quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và cũng có quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Việc xác định dân tộc cho con căn cứ theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ chứ không căn cứ vào ngôn ngữ giao tiếp.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
- Thủ tục đăng ký khai sinh theo pháp luật hiện hành
- Tải mẫu tờ khai đăng ký việc thay đổi cải chính bổ sung hộ tịch xác định lại dân tộc
Để được tư vấn chi tiết về xác định dân tộc cho con, quý khách vui lòng liên hệ tới
Tổng đài tư vấn pháp luật dân sự 24/7: 19006500 để được luật sư tư vấn hoặc
Gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.