Tư vấn về xử phạt vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều
16:59 25/06/2018
Tư vấn về xử phạt vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều. Em hiện tại là sinh viên, được bố mua cho xe máy đi học nhưng là xe cũ chỉ có cà vẹt xe,
- Tư vấn về xử phạt vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều
- vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều
- Pháp luật hành chính
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
VI PHẠM GIAO THÔNG KHI ĐI VÀO ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU
Câu hỏi của bạn:
Em hiện tại là sinh viên, được bố mua cho xe máy đi học nhưng là xe cũ chỉ có cà vẹt xe, chưa sang tên hay bất kì hình thức gì, em cũng chưa có giấy phép lái xe. Không may em bị cảnh sát giao thông phạt vì đi ngược chiều, trong biên bản có hẹn sau 1 tuần đến để nhận lại xe. Anh/chị cho em hỏi tổng cộng mức đóng phạt của em là bao nhiêu, và em làm thế nào để nhận lại xe, khi đi nhận lại xe em nên mang theo những giấy tờ gì. Em xin cảm ơn.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Phòng tư vấn pháp luật qua Email – Luật Toàn Quốc với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
- Thông tư 47/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính
Nội dung tư vấn về vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều
1. Mức xử phạt khi đi ngược chiều
Về tổng mức phạt mà bạn phải nộp cần căn cứ vào nhiều yếu tố như hành vi vi phạm, độ tuổi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm… Do đó chúng tôi không thể ấn định một mức cụ thể cho bạn, bạn có thể tham khảo dựa theo các thông tin mà bạn đã cung cấp cho chúng tôi:
Thứ nhất, về vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.. Theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định”. Như vậy, mức xử phạt khi bạn điều khiển xe máy đi ngược chiều là từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Thứ hai, vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm a khoản 5 và điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì xử phạt khi người điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe như sau:
“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
…
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;”
Như vậy, mức xử phạt khi bạn điều khiển xe máy nhưng chưa có giấy phép lái xe phụ thuộc vào loại xe mà bạn đang điều khiển là gì, dung tích xi lanh bao nhiêu. Từ đó có thể thấy, với lỗi vi phạm này bạn có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng hoặc từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp bạn là sinh viên tuy nhiên không nói rõ là bao nhiêu tuổi, điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên”. Nếu bạn chưa đủ 18 tuổi mà lái xe máy có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên thì bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 30 Nghị định 46/2016 NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.”
Nếu bạn là chủ phương tiện nhưng lại chưa thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua xe thì có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. [caption id="attachment_91625" align="aligncenter" width="470"] Vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều[/caption]
2. Thủ tục nhận xe khi bị tạm giữ hành chính
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCA, trình tự, thủ tục trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ như sau:
“1. Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
2. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tiến hành các thủ tục sau:
a) Kiểm tra quyết định trả lại; kiểm tra Chứng minh nhân dân và giấy tờ khác có liên quan của người đến nhận.
Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.
b) Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.
c) Lập biên bản trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.”
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn bị tạm giữ xe máy 7 ngày, khi bạn đến nhận xe cần chuẩn bị:
- Quyết định trả lại phương tiện đang bị tạm giữ;
- Chứng minh nhân dân.
Lưu ý: Để có thể nhận được quyết định trả lại phương tiện đang bị tạm giữ, bạn cần thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông trước.
Bài viết tham khảo:
- Các trường hợp được tạm giữ phương tiện giao thông theo quy định mới nhất
- Quy định pháp luật về cấm đội mũ bảo hiểm thời trang
Để được tư vấn chi tiết về vi phạm giao thông khi đi vào đường ngược chiều, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hành chính 24/7: 1900 6178 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất. Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.