Trình tự đầu tư dự án - Phần III: Triển khai thực hiện dự án đầu tư
21:17 22/07/2018
Triển khai thực hiện dự án đầu tư... Nhận giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...Chấm dứt hoạt động, Tạm ngừng, ngừng hoạt động dự án đầu tư...
- Trình tự đầu tư dự án - Phần III: Triển khai thực hiện dự án đầu tư
- triển khai thực hiện dự án đầu tư
- Pháp luật đầu tư
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Trình tự đầu tư dự án
Phần III: Triển khai thực hiện dự án đầu tư
Kiến thức của bạn
Sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư thì triển khai thực hiện dự án đầu tư như thế nào?
Kiến thức của luật sư
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đầu tư 2014;
- Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Nội dung tư vấn về trình tự đầu tư dự án:
Một chu kỳ của dự án đầu tư bao gồm ba giai đoạn:
- Chuẩn bị đầu tư;
- Thực hiện thủ tục đầu tư; và
- Triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Các giai đoạn này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, kết quả của giai đoạn này là tiền đề để chủ đầu tư thực hiện giai đoạn sau của dự án đầu tư. Để giúp các nhà đầu tư có thể nắm vững trình tự đầu tư dự án, Luật Toàn Quốc sẽ giúp quý khách có một cái nhìn tổng quát về các bước thực hiện một dự án đầu tư.
Sau khi triển khai hoàn tất thủ tục đầu tư, nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư sẽ tiến hành các công việc cụ thể như đã đề xuất trong hồ sơ dự án đầu tư. Trong bài viết này, Luật Toàn Quốc sẽ đề cập tới một số vấn đề mà nhà đầu tư cần lưu ý khi thực hiện triển khai dự án đầu tư. [caption id="attachment_101821" align="aligncenter" width="622"] Triển khai thực hiện dự án đầu tư[/caption]
1. Nhận giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Trước hết, để triển khai thực hiện dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải được cấp quyền sử dụng đất. Để được cấp quyền sử dụng đất thì:
- Nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1% đến 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện từng dự án cụ thể;
- Cuối cùng, khoản ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được hoàn trả cho nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.
2. Thời gian hoạt động của dự án đầu tư
Về thời gian hoạt động của dự án đầu tư, dự án đầu tư có hạn mức hoạt động nhất định phụ thuộc vào địa bàn đầu tư. Theo đó, thời gian hoạt động của dự án đầu tư cụ thể như sau:
- Dự án thực hiện trong khu kinh tế không quá 70 năm;
- Các dự án đầu tư ngoài khu kinh tế có thời hạn hoạt động của không quá 50 năm.
- Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.
- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
3. Chuyển nhượng hoặc giãn tiến độ đầu tư
Trong quá trình hoạt động, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc giãn tiến độ đầu tư theo quy định pháp luật. Khi chuyển nhượng, nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của mình cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2014. Trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư mà phát sinh thu nhập thì nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật.
4. Tạm ngừng, ngừng hoạt động dự án đầu tư
Trong một số trường hợp cụ thể, dự án đầu tư có thể bị tạm ngừng, ngừng hoạt động.
Về tạm ngừng hoạt động, nhà đầu tư có quyền tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư, tuy nhiên nhà đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư do bất khả kháng thì nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.
Cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau:
- Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật di sản văn hóa;
- Để khắc phục vi phạm môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về môi trường;
- Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
- Theo quyết định, bản án của Tòa án, Trọng tài;
- Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư
Về chấm dứt hoạt động, dự án đầu tư bị chất dứt hoạt động, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;
- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật Đầu tư mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
- Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;
- Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
- Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
- Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài.
Thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư:
- Trường hợp tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư gửi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
- Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư kèm theo bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
- Với các trường hợp còn lại, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực.
Như vậy, chủ thể có quyền quyết định chấm dứt dự hoạt động của dự án đầu tư là nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan tài phán. Khi dự án bị chấm dứt hoạt động, nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản.
Hy vọng sau ba bài viết về trình tự đầu tư dự án của Luật Toàn Quốc, quý độc giả nói chung và các nhà đầu tư nói riêng có cái nhìn tổng quát về quy trình đầu tư thực hiện một dự án nhất định.
Bài viết tham khảo:
Để được tư vấn chi tiết về trình tự đầu tư dự án - Phần III: Triển khai thực hiện dự án đầu tư quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật doanh nghiệp 24/7: 1900 6178 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.