Trình tự thủ tục bán đấu giá hàng hóa theo quy định hiện hành
11:09 16/11/2023
Trình tự thủ tục bán đấu giá là những bước căn bản để tiến hành một cuộc đấu giá hàng hóa, thủ tục bán đấu giá phải tuân thủ theo luật định...
- Trình tự thủ tục bán đấu giá hàng hóa theo quy định hiện hành
- thủ tục đấu giá hàng hóa
- Tin tức tổng hợp
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
THỦ TỤC ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA
Bạn đang tìm hiểu các quy định pháp luật về hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật hình sự: có những hình thức xử phạt bổ sung nào, có được áp dụng nhiều hình thức xử phạt bổ sung với cùng một người không, trường hợp nào bị áp dụng hình thức xử phạt tước một số quyền công dân... và một số vấn đề khác. Sau đây Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
Đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. Đấu giá hàng hóa được thực hiện theo một trong hai phương thức là phương thức trả giá lên và phương thức đặt giá xuống. Để đấu giá được hàng hóa thì ta phải tiến hành theo các trình tự, thủ tục luật thương mại quy định. Cụ thể:
1. Lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa
Pháp luật thương mại về đấu giá hàng hóa quy định người bán hàng có thể tự mình hoặc thuê người khác tổ chức đấu giá. Trong trường hợp người bán tự mình tổ chức đấu giá thì việc lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa sẽ không được đặt ra. Chỉ trong trường hợp người bán hàng thuê người khác đấu giá thì hai bên sẽ phải lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa nhằm thỏa thuận về giá trị hàng hóa, thời gian đấu giá, quyền nghĩa vụ của các bên, thù lao,... Việc lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa phải theo đúng quy định tại Điều 193 Luật Thương mại năm 2005.
- Hình thức hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá: phải lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu,...
- Đối với hàng hóa được đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải thông báo cho các bên tham gia đấu giá về hàng hóa đang bị cầm cố, thế chấp.
- Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá được giao kết giữa người nhận cầm cố, thế chấp với người tổ chức đấu giá.
2. Xác định giá khởi điểm đấu giá hàng hóa
Giá khởi điểm đấu giá hàng hóa là giá ban đầu mà người có tài sản đấu giá đưa ra để cho người khác dựa vào giá đó để trả giá lên hoặc đặt giá xuống. Giá khởi điểm được xác định theo Điều 194 Luật thương mại năm 2005:
- Người xác lập giá khởi điểm là người bán hàng hoặc người tổ chức đấu giá được người bán ủy quyền cho. Trong trường hợp người tổ chức đấu giá được ủy quyền xác định giá khởi điểm thì phải thông báo cho người bán hàng trước khi niêm yết việc bán đấu giá.
- Trường hợp hàng hóa đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì người nhận cầm cố, thế chấp phải thỏa thuận với người cầm cố, thế chấp xác định giá khởi điểm.
- Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì giá khởi điểm do người nhận cầm cố, thế chấp xác định.
Do tính chất của đấu giá hàng hóa là bán hàng hóa công khai để chọn người mua giá cao nhất nên việc xác định giá khởi điểm là một bước quan trọng trong đấu giá hàng hóa. Việc quy định giá khởi điểm sẽ là căn cứ để người mua hàng hóa dựa vào đó để trả giá mua hàng hóa đó.
3. Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa
3.1 Niêm yết thông báo công khai việc bán đấu giá hàng hóa
Sau khi xác định giá khởi điểm, người tổ chức đấu giá phải niêm yết đấu giá và thông báo cho người có nghĩa vụ liên quan được biết. Thông báo cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan diễn ra khi hàng hóa bán đấu giá là đối tượng của cầm cố, thế chấp. Thời gian thông báo là bảy ngày ngày làm việc trước khi bán đấu giá hàng hóa.
- Thời hạn niêm yết và thông báo đấu giá hàng hóa: Chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi tiến hành bán đấu giá hàng hoá, người tổ chức đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tại nơi tổ chức đấu giá, nơi trưng bày hàng hoá và nơi đặt trụ sở của người tổ chức đấu giá theo quy định; Trường hợp người tổ chức đấu giá hàng hóa là người bán hàng thì thời hạn niêm yết đấu giá hàng hóa do người bán hàng tự quyết định.
- Nội dung thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa: Việc thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 197 Luật Thương mại năm 2005:
"Điều 197 . Nội dung thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa
Thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung sau đây:
1. Thời gian, địa điểm đấu giá;
2. Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;
3. Tên, địa chỉ của người bán hàng;
4. Danh mục hàng hoá, số lượng, chất lượng hàng hóa;
5. Giá khởi điểm;
6. Thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá;
7. Địa điểm, thời gian trưng bày hàng hoá;
8. Địa điểm, thời gian tham khảo hồ sơ hàng hoá;
9. Địa điểm, thời gian đăng ký mua hàng hoá."
3.2 Đăng kí mua bán hàng hóa và đặt cọc
Để được tham gia mua hàng hóa, người muốn tham gia cần đấu giá phải là người không thuộc Những người tham giá đấu giá theo quy định tại Điều 198 Luật thương mại và phải đăng ký tham gia đấu giá và phải nộp một khoản đặt trước nếu người tổ chức đấu giá có yêu cầu.
Những người không được tham gia đấu giá là:
- Người không có năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Những người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hoá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó.
- Người đã trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hoá bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đó.
- Những người không có quyền mua hàng hoá đấu giá theo quy định của pháp luật
Với những người có đủ điều kiện để tham gia đấu giá, khi người tổ chức đấu giá có yêu cầu người muốn tham gia bán đấu giá phải đăng kí tham gia trước khi bán đấu giá, thì những người muốn tham gia đó phải đăng kí với người tổ chức về việc tham gia đấu giá hàng hóa của mình.
Ngoài việc phải đăng kí tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá có thể phải đóng một khoản tiền cọc khi người tổ chức đấu giá yêu cầu. Khoản tiền đặt trước này không quá 2% giá khởi điểm của hàng hóa được đấu giá. Sau khi đấu giá thành công, khoản tiền cọc này sẽ được xử lý như sau:
- Trường hợp người tham gia đấu giá mua được hàng hoá bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua, nếu không mua được thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người đã nộp khoản tiền đặt trước đó ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
- Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước nhưng sau đó không dự cuộc đấu giá thì người tổ chức đấu giá có quyền thu khoản tiền đặt trước đó.
3.3 Trưng bày hàng hóa bán đấu giá
Sau khi tiến hành niêm yết và thông báo về đấu giá hàng hóa, Hàng hóa, mẫu hàng hóa, tài liệu giới thiệu về hàng hóa và các thông tin cần thiết khác về hàng hóa đó sẽ được trưng bày tại địa điểm được thông báo.
4. Mở cuộc đấu giá ( phiên đấu giá)
Phiên đấu giá sẽ được mở theo đúng thời gian địa điểm đã thông báo và niêm yết. Việc tiến hành cuộc đấu giá theo trình tự quy định tại Điều 201 Luật Thương mại năm 2005:
Cuộc đấu giá được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Người điều hành đấu giá điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá hàng hoá;
- Người điều hành đấu giá giới thiệu từng hàng hoá bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá;
- Đối với phương thức trả giá lên, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác giá đã trả sau cùng cao hơn giá người trước đã trả ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá chỉ được công bố người mua hàng hoá bán đấu giá, nếu sau ba lần nhắc lại giá người đó đã trả mà không có người nào trả giá cao hơn;
- Đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác từng mức giá được hạ xuống thấp hơn giá khởi điểm ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá phải công bố ngay người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng hóa đấu giá;
- Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải tổ chức rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm được mua là người mua hàng hoá bán đấu giá;
- Người điều hành đấu giá phải lập văn bản bán đấu giá hàng hoá ngay tại cuộc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành. Văn bản bán đấu giá phải ghi rõ kết quả đấu giá, có chữ ký của người điều hành đấu giá, người mua hàng và hai người chứng kiến trong số những người tham gia đấu giá; đối với hàng hoá bán đấu giá phải có công chứng nhà nước theo quy định của pháp luật thì văn bản bán đấu giá cũng phải được công chứng.
Văn bản bán đấu giá hàng hoá là văn bản xác nhận việc mua bán giữa bên bán và bên đấu giá. Và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Thương mại năm 2005, nội dung văn bản đấu giá gồm:
"a) Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;
b) Tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá;
c) Tên, địa chỉ của người bán hàng;
d) Tên, địa chỉ của người mua hàng;
đ) Thời gian, địa điểm đấu giá;
e) Hàng hoá bán đấu giá;
g) Giá đã bán;
h) Tên, địa chỉ của hai người chứng kiến."
- Văn bản đấu giá hàng hoá phải được gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan.
- Trường hợp đấu giá không thành, người điều hành bán đấu giá vẫn phải lập văn bản bán đấu giá. Đấu giá không thành là đấu giá thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Không có người tham gia đấu giá, trả giá.
- Giá cao nhất đã trả thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên.
Văn bản bán đấu giá hàng hóa trong trường hợp này cần nêu rõ kết quả là đấu giá không thành, nội dung văn bản không cần ghi giá đã bán và tên địa chỉ của hai người chứng kiến.
5. Chuyển quyền sở hữu và giao hàng hóa bán đấu giá
5.1 Chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa bán đấu giá
Chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa bán đấu giá được quy định tại Điều 206 Luật Thương mại năm 2005:
"Điều 206. Đăng kí quyền sở hữu
1. Văn bản bán đấu giá hàng hoá được dùng làm căn cứ để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.
2. Căn cứ vào văn bản bán đấu giá hàng hoá và các giấy tờ hợp lệ khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng theo quy định của pháp luật.
3. Người bán hàng và người tổ chức đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng. Chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu được trừ vào tiền bán hàng hoá, trừ trường hợp có thoả thuận khác".
Như vậy, sau khi tiến hành cuộc đấu giá thành công, thông qua văn bản bán đấu giá hàng hóa, người bán hàng và người tổ chức bán đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua đối với hàng hóa pháp luật có yêu cầu phải đăng kí quyền sở hữu. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đăng kí quyền sở hữu hàng hóa cho người mua hàng khi có các văn bản, giấy tờ hợp lệ của buổi đấu giá.
5.2 Giao hàng hóa bán đấu giá
- Thời điểm và địa điểm thanh toán tiền mua hàng hóa
+ Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng hoá đấu giá thoả thuận. Trường hợp không có thỏa thuận về thời điểm giao hàng, bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hóa.
+ Địa điểm thanh toán tiền mua hàng: địa điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm thanh toán là trụ sở kinh doanh của người tổ chức đấu giá.
5.3 Thời hạn, địa điểm giao hàng hóa bán đấu giá
- Thời hạn giao hàng hóa bán đấu giá sẽ do hai bên thỏa thuận, trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn giao hàng hóa bán đấu giá sẽ theo quy định của Điều 209 Luật thương mại năm 2005.
" Điều 209. Thời hạn giao hàng hóa bán đấu giá
Trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người tổ chức đấu giá và người mua hàng, thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá được quy định như sau:
1. Đối với hàng hoá không phải đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải giao ngay hàng hoá cho người mua hàng sau khi lập văn bản bán đấu giá;
2. Đối với hàng hoá có đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải tiến hành ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu và giao hàng cho người mua hàng ngay sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu."
Địa điểm giao hàng. Địa điểm giao hàng là nơi người bán hàng hoặc người tổ chức đấu giá được ủy quyền trao hàng hóa đã bán cho người mua.
- Địa điểm giao hàng trong trường hợp hàng hoá là những vật gắn liền với đất đai là nơi có hàng hóa đó.
- Trường hợp hàng hoá là động sản thì địa điểm giao hàng là nơi tổ chức đấu giá, trừ trường hợp người tổ chức đấu giá và người mua hàng có thoả thuận khác.
Bạn có thể xem thêm một số bài viết sau:
- Quy định về hủy kết quả bán đấu giá tài sản và tổ chức bán đấu giá lại
- Quy định về nộp tiền sử dụng đất khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội;
- Dịch vụ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ Luật sư tư vấn về thủ tục đấu giá hàng hóa:
- Tư vấn qua Tổng đài 19006500: Đây là hình thức tư vấn hiệu quả và nhanh nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về thủ tục đấu giá hàng hóa. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết;
- Tư vấn qua Zalo: Tư vấn về thủ tục đấu giá hàng hóa qua số điện thoại zalo Luật Sư: 0931191033;
- Tư vấn qua Email: Gửi câu hỏi về thủ tục đấu giá hàng hóa tới địa chỉ Email: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Liên kết tham khảo: