Tin nhắn được coi là bằng chứng ngoại tình không
14:28 13/11/2023
Tin nhắn được coi là bằng chứng ngoại tình không. Cách thu thập bằng chứng ngoại tình đúng quy định pháp luật
- Tin nhắn được coi là bằng chứng ngoại tình không
- Tin nhắn được coi là bằng chứng ngoại tình không
- Hỏi đáp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Để chứng minh vợ/ chồng mình ngoại tình có rất nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là thông qua tin nhắn chứa đựng nội dung ngoại tình. Tuy nhiên tin nhắn có được coi là bằng chứng ngoại tình không?
1. Bằng chứng là gì?
Bằng chứng hay còn gọi là chứng cứ, định nghĩa của thuật ngữ này được quy định trong Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
2. Tin nhắn có được coi là bằng chứng ngoại tình không?
Điều 94 BLTTDS 2015 quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
- Vật chứng.
- Lời khai của đương sự.
- Lời khai của người làm chứng.
- Kết luận giám định.
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
- Văn bản công chứng, chứng thực.
Việc xác định chứng cứ phải phù hợp với quy định của pháp luật. Để được coi là chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng cứ cụ thể như sau:
- Tài liệu đọc được thì nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
- Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
Như vậy, tin nhắn là nhìn được, đọc được nhưng để được công nhận là chứng cứ thì phải có văn bản xác nhận hoặc xuất xứ của tài liệu đó. Nhưng việc xác định xuất xứ của tin nhắn là rất khó bởi không thể xác định được sim điện thoại gửi tin nhắn có phải là của người đang ngoại tình với người vợ/ chồng hay không, và cũng rất khó xác định người nhắn tin cho người vợ/ chồng đó chính là người tình của họ.
Do đó, tin nhắn điện thoại sẽ khó được tòa án công nhận là chứng cứ.
3. Cách thu thập bằng chứng ngoại tình đúng luật
Để tránh làm mất thời gian, công sức khi trình bằng chứng ngoại tình của đối phương trước toà mà lại không được công nhận, bạn nên tìm hiểu cách thu thập bằng chứng ngoại tình sao cho đúng luật.
Khi thu thập bằng chứng ngoại tình bằng tin nhắn, trước hết tin nhắn đó phải thể hiện được nội dung cuộc trò chuyện của vợ/ chồng và người thứ 3. Nội dung phản ánh chính xác, chân thật mối quan hệ tình cảm ngoại tình với nhau.
Ngoài ra, số điện thoại, tài khoản zalo, facebook phải được xác minh là chính chủ. Bạn cần thực hiện các cách xác minh, công chứng để khẳng định số điện thoại và tài khoản dùng để nhắn tin kia là chồng/vợ mình.
Nếu việc thu thập chứng cứ bằng tin nhắn không khả thi do đối phương sử dụng tài khoản ảo, bạn có thể trực tiếp hỏi vợ/chồng mình, sau đó ghi âm lại đoạn đối thoại về việc thừa nhận hành vi ngoại tình của họ. Khả năng đoạn ghi âm được công nhận là bằng chứng hợp pháp sẽ cao hơn so với việc chỉ chụp màn hình tin nhắn ngoại tình.
4. Hỏi đáp về tin nhắn có phải là bằng chứng ngoại tình không?
Câu hỏi 1. Đã làm đám cưới nhưng lại sống chung với người khác như vợ chồng thì có vi phạm Luật hôn nhân và gia đình không?
Việc sống chung với người khác như vợ chồng khi đã đăng ký kết hôn sẽ vi phạm vào chế độ Hôn nhân một vợ một chồng, tuy nhiên nếu cả hai mới chỉ làm đám cưới, mà chưa đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền thì quan hệ hôn nhân chưa chính thức được xác lập. Do vậy, người kia có hành vi sống chung với người khác trong khi đang yêu người này thì chỉ được coi là trái với đạo đức xã hội, chứ không đến mức vi phạm pháp luật.
Câu hỏi 2. Mức xử phạt hành chính cho hành vi ngoại tình?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Như vậy, hành vi ngoại tình với người đã có gia đình có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng.
Câu hỏi 3. Việc ngoại tình có ảnh hưởng đến việc chia tài sản khi ly hôn không?
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là một trong các yếu tố được xem xét để chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Như vậy, nếu trường hợp chồng/ vợ không chung thủy thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng/vợ khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.
Bài viết liên quan: