Giá trị pháp lý của văn bản phân chia tài sản thừa kế khi chủ sở hữu tài sản còn sống
15:38 20/10/2023
Giá trị pháp lý của văn bản phân chia tài sản thừa kế khi chủ sở hữu tài sản còn sống. Liên hệ Luật Toàn Quốc để được hỗ trợ tư vấn
- Giá trị pháp lý của văn bản phân chia tài sản thừa kế khi chủ sở hữu tài sản còn sống
- giá trị pháp lý của văn bản phân chia tài sản thừa kế
- Hỏi đáp luật dân sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ KHI CHỦ SỞ HỮU TÀI SẢN CÒN SỐNG
Câu hỏi của bạn:
Xin chào Luật Toàn Quốc, nhà em có tranh chấp đất đai về đất vườn và nhà ở giữa 2 chị em, chị là người ít học không hiểu biết, sống từ nhỏ với ba mẹ không có chồng, tự túc được một đứa con, ở tại nhà và vườn đang tranh chấp từ nhỏ. Hiện tại người chị nuôi ba và mẹ, còn người em có nhà, có ăn học, có điều kiện đang sống ở thành phố.
Một hôm tại xã có thông báo làm thủ tục chuyển sổ đỏ sang sổ hồng và người em nghe tin từ thành phố chạy về làm giấy tờ, lợi dụng người mẹ già và chị không có ăn học không biết nên đã tự viết một tờ giấy VĂN BẢN PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ và bắt người mẹ và người chị không hiểu biết của mình ký vào. Trong khi đó người em đã để nội dung trong văn bản ấy là người mẹ và người chị chấp nhập giao toàn bộ tài sản đó cho người em và người em có quen với ông Chủ tịch xã tại nơi có mảnh vườn và nhà ấy và người em cầm tờ giấy ấy ra nhờ ông Chủ tịch này xác nhận là người mẹ và chị đã đồng ý giao tài sản đó hết cho mình. Một thời gian sau, người mẹ yếu và người chị yêu cầu người em chia phần đất ở tại vườn đó cho mình. Người em không chịu nên người chị ra UBND xã - phòng Tư pháp trình bày là mẹ đồng ý chia ra cho người chị một nửa đất để làm vốn cho con làm ăn, vì người em đã có nhà và việc làm ổn định, kinh tế khá giả tại thành phố, còn người chị thì nghèo khổ tại quê. Phòng Tư pháp nói rằng người mẹ và người chị đã đồng ý giao hết tài sản cho người em nên không có cách nào chia ra được, người chị mới không biết làm sao và nhờ người viết đơn khởi kiện nộp lên Tòa án huyện nhờ giải quyết để có đất cho con đã lớn vay vốn làm ăn. Nhưng Tòa án cứ lòng vòng không chịu giải quyết, trong khi đó sổ hồng là người mẹ đang đứng tên và đồng ý cho người con gái một nửa tài sản nhưng bên chỗ Tòa án cứ nói không hủy được cái tờ VĂN BẢN PHÂN CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ nên không giải quyết được. Hiện tại, người chị đang rất thất vọng vì không hiểu biết, không có trình độ học vấn nên đã bị người em lừa kí vào tờ giấy đó.
Em xin hỏi Luật Toàn Quốc tư vấn cho em, người chị phải làm thế nào để có được quyền sở hữu một nửa số tài sản kia như người mẹ đã đồng ý chia cho người chị, người em một mực tham lam đòi lấy hết và không chịu chia ra cho người chị. Em xin chân thành cảm ơn !
Câu trả lời của Luật sư:
1. Văn bản phân chia tài sản thừa kế là gì?
Văn bản phân chia di sản thừa kế được sử dụng để chia di sản của một người đã qua đời để lại cho các người thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc theo di chúc của người đã qua đời (nếu có). Văn bản phân chia di sản thừa kế thường được lập bởi luật sư hoặc người được ủy quyền và nó xác định cụ thể các khoản tài sản và cách phân chia cho từng người thừa kế.
2. Hiệu lực pháp lý của văn bản thoả thuận phân chia tài sản thừa kế?
Trong tình huống trên, theo quy định tại Luật đất đai thì “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ xác định người đó là chủ sở hữu đối với đất. Căn cứ vào tình huống trên thì hiện tại sổ hồng đang đứng tên người mẹ và người mẹ vẫn đang còn sống, do đó mảnh đất hiện tại đang thuộc quyền sở hữu của người mẹ.
Văn bản phân chia di sản thừa kế chỉ được hình thành khi người để lại di sản mất. Trong trường hợp này, văn bản thoả thuận phân chia tài sản thừa kế có liên quan đến việc chuyển toàn bộ quyền sử dụng đất cho người em, vậy nên, căn cứ vào điều 57, 58 Luật công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, văn bản thoả thuận này cần phải được công chứng, chứng thực. Và theo nguyên tắc, những người cùng hưởng di sản phải cùng có mặt ký tên, điểm chỉ trước mặt Công chứng viên (trong trường hợp công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng), cán bộ tư pháp hộ tịch (trong trường hợp chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã). Việc người em lập ra một văn bản phân chia tài sản thừa kế khi người mẹ – chủ sở hữu tài sản vẫn còn sống và việc người mẹ, người chị ký vào văn bản cũng hoàn toàn là trái với quy định pháp luật.
Do vậy, văn bản trên hoàn toàn không có giá trị pháp lý, khi chủ sở hữu còn sống thì việc định đoạt tài sản chỉ được xác định theo hình thức tặng cho hoặc mua bán, chuyển nhượng, chứ không phải là thừa kế.
3. Làm thế nào để người chị được hưởng một nửa số tài sản?
Do người mẹ là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh vườn và ngôi nhà, nên trong trường hợp này, người mẹ mất không để lại di chúc thì phần di sản của mẹ sẽ được chia theo pháp luật. Nếu hai chị em không tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp di sản thừa kế. Trường hợp khởi kiện ra tòa án nhân dân thì Tòa án phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng; Tòa án phải đánh giá lại toàn bộ các chứng cứ các đương sự cung cấp để xác định di sản người mẹ để lại phân chia như thế nào. Nếu di sản vẫn còn, hàng thừa kế thứ nhất của mẹ chỉ còn 2 chị em thì phần di sản này sẽ được chia làm hai, mỗi người được hưởng một nửa di sản là thửa đất và ngôi nhà mẹ để lại
4. Hỏi đáp về Giá trị pháp lý của văn bản phân chia tài sản thừa kế khi chủ sở hữu tài sản còn sống
Câu hỏi 1. Di sản là gì?
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Câu hỏi 2. Trường hợp đã phân chia xong di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì xử lý như thế nào?
Điều 661 Bộ luật dân sự 2015 quy định rằng: Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Câu hỏi 3. Thời điểm mở thừa kế được xác định như thế nào?
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Như vậy, nếu người có tài sản chưa chết, thì di chúc chưa có hiệu lực, và quyền và nghĩa vụ của người được hưởng tài sản thừa kế cũng chưa phát sinh.
Bài viết liên quan:
- Dịch vụ soạn thảo văn bản phân chia thừa kế
- Tranh chấp thừa kế đất đai có phải hoà giải ở xã không?
- Hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về giá trị pháp lý của văn bản phân chia tài sản thừa kế khi chủ sở hữu tài sản còn sống, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006500 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc