Thủ tục đăng ký khai sinh 2019 mới nhất Luật Toàn Quốc
08:33 24/12/2018
Thủ tục đăng ký khai sinh 2019 tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền: UBND cấp xã, cấp huyện và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- Thủ tục đăng ký khai sinh 2019 mới nhất Luật Toàn Quốc
- Thủ tục đăng ký khai sinh 2019
- Pháp luật hành chính
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH 2019
Câu hỏi về thủ tục đăng ký khai sinh 2019
Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi muốn hỏi luật sư như sau: thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền năm 2019 có gì thay đổi không. Xin chân thành cảm ơn.
Câu trả lời về thủ tục đăng ký khai sinh 2019
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thủ tục đăng ký khai sinh 2019, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về thủ tục đăng ký khai sinh 2019 như sau:
1. Căn cứ pháp lý về thủ tục đăng ký khai sinh 2019
- Luật hộ tịch 2014;
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
- Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và nghị định 123/2015/NĐ-CP;
- Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn đăng ký quản lý hộ tịch Cơ quan ngoại giao.
2. Nội dung tư vấn về thủ tục đăng ký khai sinh 2019
Tùy từng trường hợp, thẩm quyền đăng ký khai sinh khác nhau và thủ tục cũng khác nhau. Những quy định về việc đăng ký khai sinh không có gì thay đổi so với Luật hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể như sau:
2.1. Đăng ký khai sinh tại ủy ban nhân dân cấp xã
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con tại UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ. Thủ tục đăng ký khai sinh quy định tại điều 16 luật hộ tịch 2014 như sau:
- Hồ sơ đăng ký khai sinh:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định;
- Giấy chứng sinh; nếu không có thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Bản sao chứng minh thư và hộ khẩu của bố mẹ;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của bố mẹ
- Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
2.2. Đăng ký khai sinh tại khu vực biên giới
Trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha/mẹ là công dân nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi mẹ/cha là công dân Việt Nam thường trú thì UBND xã ở khu vực biên giới có thẩm quyền đăng ký khai sinh. Thủ tục đăng ký khai sinh như thông thường chỉ khác hồ sơ đăng ký khai sinh quy định tại khoản 2 điều 17 nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
- Giấy tờ theo quy định đăng ký khai sinh thông thường ở UBND cấp xã như trên;
- Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con;
- Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.
2.3. Đăng ký khai sinh tại ủy ban nhân dân cấp huyện
Những trường hợp phải đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ theo quy định tại điều 35 Luật hộ tịch 2014 như sau:
- Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
- Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam: có cha/mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam.
Thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện không có gì phức tạp chỉ khác về hồ sơ đăng ký khai sinh theo quy định tại khoản 1 điều 36 Luật hộ tịch 2014 như sau:
- Các giấy tờ theo quy định tại mục 2.1 trên;
- Giấy tờ tùy thân của cha/mẹ là người nước ngoài: hộ chiếu, ...
- Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp chọn quốc tịch nước ngoài thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
2.4. Đăng ký khai sinh tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- Thẩm quyền: Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cha hoặc mẹ của trẻ em cư trú hoặc nơi trẻ em sinh ra thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 điều 6 thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP như sau:
- Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
- Có mẹ là công dân Việt Nam, cha là người không quốc tịch hoặc chưa xác định được người cha;
- Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài, cha và mẹ có văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi đăng ký khai sinh.
- Hồ sơ đăng ký khai sinh theo quy định tại khoản 2 điều này bao gồm:
- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định);
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con.
- Văn bản của cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài.
- Trường hợp cha, mẹ không nộp hồ sơ trực tiếp thì chữ ký trên văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch phải được chứng thực hợp lệ.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân (nếu có).
- Lưu ý về nội dung đăng ký khai sinh:
- Trường hợp chưa xác định được cha thì họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo mẹ; phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống;
- Trường hợp họ, chữ đệm, tên của người cha hoặc người mẹ là người nước ngoài mà không được viết dưới dạng chữ cái La-tinh thì ghi theo phiên âm La-tinh trong hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu của người đó. Ví dụ: Chen Yung Yu; Han Ji Young;....
- Tên địa danh, tên quốc gia nước ngoài được viết theo tên đã được Việt hóa (ví dụ: Liên bang Nga,....) nếu có tên Việt hóa; trường hợp không có tên Việt hóa thì viết theo phiên âm La-tinh (ví dụ: Osaka; Kyoto....);
- Trường hợp cha, mẹ chưa xác định được một số nội dung khai sinh (như dân tộc, quê quán) thì phần ghi tương ứng trong Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh để trống.
2.5. Trường hợp đặc biệt
UBND cấp xã nơi công dân Việt Nam cư trú, sinh trước ngày 01/01/2016 mà chưa được đăng ký khai sinh nhưng có hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ) có thẩm quyền cấp giấy khai sinh khi người đó có yêu cầu. Các giấy tờ cá nhân đó theo quy định tại điều 8 thông tư 15/2015/TT-BTP bao gồm:
- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân;
- Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú;
- Giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh, nếu có hồ sơ, giấy tờ cá nhân trong đó ghi nơi sinh tại Việt Nam và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì UBND cấp huyện nơi cư trú trước khi xuất cảnh của người đó thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Một số bài viết có nội dung tham khảo:
- Thủ tục làm lại giấy khai sinh theo quy định mới nhất hiện nay
- Tư vấn về hồ sơ đăng ký khai sinh cho con
Để được tư vấn chi tiết về thủ tục đăng ký khai sinh 2019, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật hành chính 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email:[email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.