Quy định của pháp luật về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi
16:43 06/12/2023
Quy định của pháp luật về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi, điểm mới trong Bộ luật lao động 2019 về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi
- Quy định của pháp luật về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi
- thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi
- Dịch vụ nổi bật
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
THỜI GIỜ LÀM VIỆC ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG CAO TUỔI
Câu hỏi của bạn:
Kính gửi luật sư! Tôi làm việc cho công ty A đã được hơn 20 năm, đến tháng 9/2020 tôi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Vài hôm trước tôi có được bộ phận quản lý nhân sự gọi lên và cho biết công ty vẫn tiếp tục muốn giữ tôi ở lại làm việc. Công ty nói nếu tôi đồng ý thì tôi và công ty sẽ ký một hợp đồng lao động mới với những nội dung phù hợp với lao động cao tuổi. Tôi muốn biết pháp luật hiện nay có những quy định như thế nào về thời giờ làm việc đối với người cao tuổi, doanh nghiệp có bắt buộc phải giảm thời gian làm việc đối với lao động cao tuổi so với lao động bình thường hay không? Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì có phải chịu chế tài xử phạt gì không? Mong nhận được phản hồi của luật sư. Tôi xin cảm ơn Luật sư.
Câu trả lời của Luật sư
Chào bạn, Luật Toàn Quốc xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề liên quan đến thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi như sau:
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động 2012
- Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động
- Bộ luật lao động 2019
- Tải nghị định 28/2020/NĐ-CP
1. Quy định về sử dụng người lao động cao tuổi.
Theo quy định tại Điều 166 và Điều 187 Bộ luật Lao động 2012, người lao động cao tuổi được hiểu là người tiếp tục lao động, làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Hiện nay, do đặc thù của một số ngành nghề mà người sử dụng lao động muốn ký kết hợp đồng mới hoặc kéo dài hợp đồng lao động đối với đối tượng này. Việc sử dụng lao động là người cao tuổi được quy định tại Điều 167 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể:
Điều 167. Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Như vậy,người sử dụng lao động có thể ký kết hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi khi những đối tượng này muốn tiếp tục tham gia lao động và làm việc khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật quy định.
2. Thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi được quy định thế nào?
2.1. Quy định về giảm giờ làm đối với lao động cao tuổi.
Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, xã hội ngày một văn minh mà chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Do đó, tuổi thọ của con người cũng ngày một tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi và của nữ giới là 76,3 tuổi. Xuất phát từ việc tuổi thọ ngày một cao mà tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật lại khá thấp, sớm hơn 10 năm so với lao động nam và 20 năm so với lao động nữ. Từ đó, nhu cầu được tiếp tục lao động của người lao động cao tuổi xuất hiện ngày càng nhiều. Đồng thời, do đặc thù của một số loại hình công việc mà người sử dụng lao động cũng muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng lao động với người người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu có trình độ, kinh nghiệm làm việc lâu năm hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi làm những công việc đơn giản, không đòi hỏi trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động cao tuổi, pháp luật đã có những quy định liên quan đến thời gian làm việc đối với đối tượng này tại Điều 166 Bộ luật lao động như sau:
Điều 166. Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Theo quy định tại điều luật này, người lao động cao tuổi sẽ được rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian cụ thể tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định 05/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì: Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Điều này có nghĩa là theo quy định của pháp luật thì thời giờ làm việc bình thường là không quá 08 giờ trong một ngày thì thời giờ làm việc của người lao động cao tuổi sẽ là không quá 07 giờ trong một ngày. Theo quy định của pháp luật thì người lao động cao tuổi mặc dù được làm việc giảm 1 giờ so với lao động bình thường tuy nhiên vẫn được xem là làm việc đầy đủ thời gian và được hưởng nguyên lương như những lao động bình thường làm việc 08 giờ một ngày.
2.2. Xử phạt người sử dụng lao động không thực hiện quy định về giảm thời giờ làm đối với lao động cao tuổi.
Mặc dù pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc giảm giờ làm đối với lao động cao tuổi, tuy nhiên trên thực tế không ít người sử dụng lao động vì những lý do, mục đích khác nhau mà vẫn thực hiện hành vi vi phạm quy định này. Trong khi người lao động cao tuổi là những người yếu thế lại phải lo lắng đến vấn đề sẽ mất việc làm nếu không làm theo yêu cầu của người sử dụng lao động dẫn tới thực tế là các hành vi vi phạm quy định về giảm giờ làm đối với người lao động cao tuổi xuất hiện càng nhiều. Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động cao tuổi trong các trường hợp trên, Điều 17, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
Điều 17. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;
b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định;
c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
3. Điểm mới của Bộ luật lao động 2019 về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi.
Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và thay thế cho Bộ luật lao động 2012 hiện hành. Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực sẽ kéo theo những điểm mới trong quy định về lao động trong đó có quy định về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi, cụ thể Điều 148 Bộ luật lao động 2019 quy định:
Điều 148. Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Như vậy, so với quy định tại Khoản 2 Điều 166 Bộ luật lao động 2012 quy định: Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Tức là mặc định người lao động cao tuổi sẽ được giảm thời giờ làm việc thì đến Bộ luật lao động 2019 đã có quy định hướng tới tôn trọng quyết định của người lao động hơn đó là cho phép người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động được "thỏa thuận" về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Quy định này là phù hợp vì người lao động sẽ chủ động hơn cả về thời gian và sức khỏe của chính họ khi giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Tóm lại, để đảm bảo nhu cầu về kinh tế cũng như sức khỏe, người lao động cao tuổi cần nắm rõ các quy định liên quan đến việc ký kết hợp đồng lao động nói chung và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nói riêng nhằm đạt được những lợi ích cao nhất theo quy định của pháp luật.4
Liên hệ Luật sư tư vấn về: thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi
Nếu bạn đang gặp vướng mắc về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi mà không thể tự mình giải quyết được, thì bạn hãy gọi cho Luật Sư. Luật Sư luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn cho bạn về thời giờ làm việc đối với lao động cao tuổi. Bạn có thể liên hệ với Luật Sư theo những cách sau.
- Luật sư tư vấn miễn phí qua tổng đài: 19006500
- Tư vấn qua Zalo: Số điện thoại zalo Luật sư: 0931191033
- Tư vấn qua Email: Gửi câu hỏi tới địa chỉ Email: [email protected]
Bài viết tham khảo thêm: