Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận - Luật Toàn Quốc
10:42 15/06/2018
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận: Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận...Hình thức thể hiện của chế độ...
- Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận - Luật Toàn Quốc
- Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
- Hỏi đáp luật hôn nhân
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN
Kiến thức của bạn:
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Kiến thức của Luật sư:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
Nội dung kiến thức về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
1. Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về khái niệm của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Song, dựa trên quy định về chế độ tài sản của vợ chồng, ta có thể suy ra khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận như sau:
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định) là tập hợp các quy tắc do chính vợ chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của pháp luật để thay thế cho chế độ tài sản theo luật định nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có một số đặc điểm sau:
- Việc xác định tài sản của vợ chồng dựa trên cơ sở văn bản thỏa thuận.
- Tài sản của vợ chồng do chính bản thân vợ chồng tự thỏa thuận.
- Các thỏa thuận của vợ chồng trong bản thỏa thuận có thể sửa đổi, bổ sung về nội dung.
2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã đưa ra những quy định chung mang tính tổng quát cho phép vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận để áp dụng trong suốt thời kỳ hôn nhân và quy định nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các loại chế độ tài sản vợ chồng tại Điều 28, cụ thể như sau:
“1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.
2. Các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn
3. Chính phủ quy định chi tiết về chế độ tài sản của vợ chồng.”
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lần đầu tiên ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, quy định này hoàn toàn mới trong chế độ tài sản của vợ chồng, thể hiện quan điểm lập pháp tiến bộ của các nhà làm Luật. Nếu Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 trước đây chỉ quy định duy nhất một chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rõ hai chế độ tài sản của vợ chồng, đó là: chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định .
Quy định chung mang tính tổng quát này về chế độ tài sản của vợ chồng đã khẳng định nhà nước ta thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, pháp luật cũng dự liệu một chế độ tài sản pháp định để áp dụng cho các cặp vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận. Đồng thời, những quy định chung được đặt ra là để áp dụng chung trong tất cả các trường hợp mà không phân biệt vợ chồng theo chế độ tài sản nào. Đây chính là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, của gia đình, của người thứ ba và bảo vệ trật tự xã hội .
3. Hình thức thể hiện của chế độ tài sản theo thỏa thuận
Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận phải được lập “bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực”. Quy định về hình thức của chế độ tài sản theo thỏa thuận bắt buộc phải bằng hình thức văn bản là quy định hợp lý và chặt chẽ . Xuất phát từ chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là một chế độ về hình thức, là cơ sở ghi lại sự thống nhất ý chỉ của cả vợ chồng, nó cũng là căn cứ xác thực chứng minh hai bên tồn tại chế độ tài sản theo thỏa thuận. Không thể là hình thức bằng lời nói hay hành vi bởi khi xảy ra tranh chấp, rất khó để chứng minh lời nói, hành vi trong quá khứ. Hơn thế, việc quy định hình thức bằng văn bản nó logic với yêu cầu văn bản lập ra này phải “có công chứng hoặc chứng thực”. Việc công chứng, chứng thực là hành vi của tổ chức hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công nhận tính pháp lý của văn bản. Chế độ tài sản theo thỏa thuận một khi được lựa chọn nó sẽ là chế độ áp dụng xuyên suốt quá trình giải quyết mối quan hệ tài sản của vợ chồng , không thể thay đổi. Việc quy định ghi nhận chế độ này bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo hiệu lực pháp lý là điều hoàn toàn cần thiết .
4. Thời điểm công nhận lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận
Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chỉ ra thời điểm lựa chọn, lập chế độ tài sản theo thỏa thuận là “phải được lập trước khi kết hôn”. Việc ấn định thời điểm công nhận vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn là hoàn toàn hợp lý. Theo như Điều luật, nếu các bên vợ chồng thống nhất lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc thỏa thuận này phải diễn ra trước khi kết hôn, tức là trước khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, nếu trước khi đăng ký kết hôn , hai bên không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì sẽ mặc định áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định .
Quy định thời điểm xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn là một quy định hợp lý và có cơ sở, thống nhất với nội dung có liên quan trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Sở dĩ Luật ấn định thời điểm công nhận lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thỏa thuận nhằm đảm bảo cho chế độ này được áp dụng trên thực tế.
Giả sử, không ấn định thời điểm công nhận vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận là thời điểm trước khi đăng ký kết hôn, mà là thời điểm sau khi đăng ký kết hôn thì sẽ dẫn tới trường hợp tranh chấp về tài sản xảy ra trong khoảng thời gian sau khi đăng ký kết hôn tới thời điểm hai bên xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận sẽ do pháp luật điều chỉnh. Để tôn trọng tối đa sự thỏa thuận của các bên vợ chồng, trong việc phân chia tài sản cũng như giải quyết tranh chấp nên ngay từ trước khi kết hôn, vợ chồng phải lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận (nếu muốn) và kể từ ngày đăng ký kết hôn thì thỏa thuận này có hiệu lực pháp luật, đồng thời là căn cứ áp dụng để phân định tài sản cũng như giải quyết tranh chấp tài sản xảy ra, nếu có.
Về thời điểm có hiệu lực của chế độ này là “được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.Quy định này là một quy định hợp lý, góp phần giúp cho việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất , rõ ràng, đồng bộ. Suy cho cùng, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận chỉ có giá trị và phát sinh hiệu lực khi hai bên có sự kiện “đăng ký kết hôn”. Nếu hai bên không đăng ký kết hôn, tức là về mặt pháp lý, pháp luật không có cơ sở công nhận họ là vợ chồng hợp pháp thì chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận cũng đương nhiên không có giá trị và ý nghĩa theo. Do đó, thời điểm xác lập cũng như phát sinh hiệu lực của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận nhất thiết phải là thời điểm tính từ ngày đăng ký kết hôn.
5. Nội dung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Theo khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì văn bản thỏa thuận chế độ tài sản phải có các nội dung cơ bản sau:
“1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.”
Xét về mặt nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì đây là một quy định tương đối đầy đủ và hợp lý.
Về bản chất , việc vợ chồng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng mang tính chất của giao dịch dân sự . Các nội dung cơ bản bắt như quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên đối với tài sản chung , tài sản riêng,...nếu vợ chồng không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì Luật hoàn toàn cho phép áp dụng các quy định của pháp luật để để điều chỉnh. Đây là một cơ chế mở, dự tính cho trường hợp nếu các bên chưa kịp thời thỏa thuận các nội dung phát sinh ngoài thỏa thuận. Pháp luật có những quy định về chế độ tài sản theo luật định để “bù đắp” vào những thiêu sót của bản thỏa thuận , mục đích nhằm hỗ trợ cho chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện tốt nhất trên thực tế. Hướng dẫn về nội dung bản thuận, Điều 15 Nghị định 126/NĐ-CP quy định:
“1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:
a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng
b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
2. Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình."
Bài viết tham khảo:
Để được tư vấn chi tiết về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân 24/7: 1900 6178 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất. Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.